Có một điều mà các nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực đều thừa nhận: luôn thiếu những người tài giỏi, có năng lực chuyên môn cho những vị trí chủ chốt.
Sự thực đúng như vậy, rất nhiều vị trí hàng đầu đang còn bỏ ngỏ. Theo giải thích của một vị giám đốc, có rất nhiều người gần đạt tiêu chuẩn, nhưng ở họ luôn thiếu một yếu tố để có thể thành công. Đó là khả năng hoàn thành công việc một cách hoàn hảo với kết quả tối ưu.
Để có thể trở thành lãnh đạo - dù trong bất cứ lĩnh vực nào: điều hành doanh nghiệp, bán hàng cao cấp, làm việc trong lĩnh vực khoa học, quân sự hay làm việc cho chính phủ - thì bạn đều cần phải biết hành động. Các vị lãnh đạo khi tìm kiếm ứng cử viên để giao một vị trí chủ chốt đều muốn tìm hiểu: “Liệu anh ta có thật sự làm việc không?”, “Liệu anh ta có theo đuổi đến cùng mục tiêu không?”, “Liệu anh ta có phải là người năng động không?”, “Liệu anh ta có hành động để đạt được kết quả hay chỉ là một anh chàng chỉ biết nói suông?”.
Tất cả các câu hỏi đó được đặt ra chỉ nhằm một mục đích duy nhất: tìm hiểu xem liệu người đó có phải là một người biết hành động hay không. Chỉ có những ý tưởng tuyệt vời thôi là chưa đủ. Dù chỉ một ý tưởng bình thường nhưng nếu chúng ta theo đuổi và phát triển chắc chắn sẽ tốt hơn hẳn một ý tưởng xuất sắc nhưng lại bị lãng quên vì không được đưa vào thực hiện.
John Wanamaker - Cựu giám đốc Cục Bưu chính Mỹ - người đã dựng nên cơ nghiệp khổng lồ của mình từ hai bàn tay trắng, luôn tâm niệm rằng: “Không ai có thể đạt được điều gì nếu chỉ ngồi suy nghĩ suông”.
Hãy nghĩ về điều đó mà xem. Bất cứ điều gì chúng ta có trên thế giới này, từ vệ tinh, những tòa nhà trọc trời cho đến thức ăn cho trẻ em, tất cả đều là những ý tưởng được theo đuổi đến cùng để biến thành hiện thực.
Khi bạn tìm hiểu con người - dù họ gặt được thành công hay không có thành tích gì đáng kể, bạn sẽ nhận ra họ thuộc vào một trong hai nhóm người. Nhóm chủ động và nhóm thụ động.
Chúng ta có thể tìm ra một nguyên tắc để thành công, khi nghiên cứu hai nhóm người này. Người chủ động là con người của hành động. Anh ta luôn theo đuổi đến cùng những ý tưởng và kế hoạch của mình, luôn hành động để hoàn thành kế hoạch. Còn người thụ động là người “không làm gì”. Anh ta trì hoãn, luôn chần chừ trong mọi việc cho đến lúc anh ta tìm ra cớ biện minh không nên hoặc không thể làm điều đó, hoặc cho đến khi mọi việc trở nên quá muộn.
Sự khác biệt giữa người chủ động và người thụ động được thể hiện qua vô số vụ việc nhỏ nhặt hàng ngày. Người chủ động lên kế hoạch cẩn thận cho một kỳ nghỉ, rồi bắt tay vào thực hiện. Người thụ động lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, nhưng anh ta trì hoãn, lần lữa mãi. Người chủ động cảm thấy cần phải gửi thiệp đến một người quen để chúc mừng thành công mà người đó đạt được. Và anh ta gửi thiệp ngay. Trong trường hợp tương tự, người thụ động sẽ tìm ra một lý do thật hợp lý để trì hoãn, và tấm thiệp sẽ không bao giờ được viết.
Sự khác biệt giữa hai nhóm người này còn được thể hiện qua các công việc lớn lao. Người Chủ động muốn tự thiết lập công việc kinh doanh cho riêng mình. Và anh ta không ngần ngại bắt tay vào. Người Thụ động cũng muốn thành lập công ty riêng, nhưng anh ta ngay lập tức tìm ra một lý do “hợp lý” vì sao anh ta chưa nên làm vậy. Người Chủ động, mặc dù đã 40 tuổi, vẫn quyết định thử sức mình ở một lĩnh vực mới, và anh ta lao vào trải nghiệm. Người thụ động cũng có ý nghĩ tương tự nhưng anh ta lưỡng lự, rồi tự thuyết phục tốt nhất là không làm gì cả.
Sự khác biệt giữa người chủ động và người thụ động thể hiện ở mọi cử chỉ, hành động. Người chủ động luôn hoàn thành những việc mà anh ta muốn hoàn thành, anh ta giành được sự tự tin, giữ được tinh thần ổn định, tính tự lập và kiếm được thu nhập khấm khá hơn. Người thụ động không thể hoàn thành những việc anh ta muốn, vì anh ta không bao giờ chịu hành động dứt khoát. Hậu quả là anh ta sẽ đánh mất sự tự tin, tự hủy hoại khả năng làm việc độc lập, và rốt cuộc, sẽ phải chấp nhận một cuộc sống của kẻ tầm thường.
Người chủ động luôn hoạch định để hành động. Người thụ động luôn hoạch định để… trì hoãn.
Ai cũng muốn trở thành người chủ động. Vì vậy, hãy tập thói quen hành động.
Rất nhiều người thụ động không bao giờ chịu hành động, vì họ còn chờ cho đến khi mọi điều kiện đều tuyệt đối hoàn hảo thì mới bắt tay vào. Chẳng ai mà không mong muốn có được hoàn cảnh tuyệt đối thuận lợi, nhưng bất luận việc gì thuộc về con người cũng đều không tuyệt đối, hoàn hảo. Vì thế, chờ đợi sự hoàn hảo 100% chỉ là sự chờ đợi vô vọng.
Dưới đây là ba trường hợp thường xảy ra cho thấy những cách phản ứng khác nhau trước “điều kiện sống”:
Trường hợp 1: Tại sao anh ta A vẫn chưa lập gia đình?
Anh A là một người đàn ông gần 40 tuổi, học thức, hiện đang là kế toán và sống một mình ở Chicago. Một mong ước lớn lao của anh ấy là lập gia đình. Anh ấy muốn có tình yêu, sự kết giao, một ngôi nhà, những đứa trẻ và công việc ổn định. Đã nhiều lần A chuẩn bị kết hôn, thậm chí có lần chỉ còn một ngày nữa là đến ngày làm lễ thành hôn. Nhưng mỗi lần chuẩn bị làm đám cưới, A lại phát hiện ra một điều gì đó không ổn ở người vợ sắp cưới của mình (“May mà mình phát hiện kịp thời, trước khi dấn thân vào một sai lầm tồi tệ!” Anh ấy thường nói như thế).
Vì vậy, để chắc chắn là mình sẽ cưới được một người vợ hoàn hảo, A đã thảo ra một “bản tiêu chuẩn” dài đến bốn trang giấy, gồm những điều kiện mà vợ chưa cưới phải đồng ý trước khi họ kết hôn. Bản thỏa thuận đó được đánh máy rất cẩn thận, như một văn bản pháp luật bao gồm tất cả vấn đề trong cuộc sống mà A có thể nghĩ ra. Trong đó, có hẳn cả một điều kiện liên quan đến tôn giáo: họ sẽ đi nhà thờ nào, một tháng bao nhiêu lần, quyên góp bao nhiêu tiền. Một phần khác trong văn bản đề cập về con cái: họ sẽ sinh bao nhiêu đứa và thời điểm nào nên có con.
Chi tiết hơn, A còn quy định cả việc họ sẽ kết giao với những người bạn như thế nào, vị trí công việc của vợ chưa cưới, họ sẽ sống ở đâu hay thu nhập của họ sẽ được chi tiêu như thế nào. Cuối cùng, anh dành hẳn nửa trang giấy để đề cập về những thói quen cụ thể mà cô gái đó phải từ bỏ hoặc phải tập tành. Điều khoản này bao gồm những thói quen như hút thuốc, uống rượu, trang điểm, giải trí...
Khi cô dâu tương lai nhìn thấy những điều khoản trên, phản ứng của cô ấy như thế nào chắc các bạn có thể đoán được. Cô ấy gửi trả lại, kèm theo một lời nhắn: “Tôi chỉ cần một cuộc hôn nhân, bất kể những thăng trầm của cuộc sống. Những thứ còn lại đối với tôi hoàn toàn vô nghĩa”.
Tiêu chuẩn để đánh giá một người thành công không nằm ở khả năng loại bỏ những vấn đề trước khi chúng xảy ra, mà là chấp nhận và tìm cách vượt qua khó khăn khi chúng thực sự xuất hiện. Chúng ta cần phải hiểu giới hạn của sự hoàn hảo để khỏi phải chờ đợi trong vô vọng, để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện công việc. Sự việc đến đâu, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết đến đó - lời khuyên này luôn luôn hữu ích, thiết thực.
2. Trường hợp 2: Tại sao anh B mua được nhà mới?
Mỗi khi phải ra một quyết định quan trọng, chúng ta thường phải tự đấu tranh - hành động hay không hành động, làm hay không làm. Dưới đây là một ví dụ về một chàng trai trẻ tên B, người đã quyết định hành động và đã nhận được phần thưởng lớn.
B cũng giống như hàng triệu bạn trẻ khác, gần ba mươi tuổi, đã có vợ và một đứa con, mức thu nhập trung bình.
Gia đình B sống trong một căn hộ nhỏ. Họ muốn mua một căn nhà mới, lớn hơn, có nhiều không gian hơn, môi trường xung quanh trong lành hơn, và rộng rãi hơn để sau này bọn trẻ nô đùa thoải mái. Nhưng niềm hy vọng mua căn nhà mới lâm vào bế tắc, vì những khoản chi phí phải trả. Một ngày kia, khi đang viết séc để trả tiền thuê nhà tháng tới, B đâm ra chán ghét bản thân mình. Chỉ riêng tiền thuê nhà cũng đã gần bằng các khoản chi phí hàng tháng cho một căn nhà mới.
B bàn với vợ: “Em nghĩ sao nếu tuần tới chúng ta sẽ mua một căn nhà mới?” Vợ anh kêu lên đầy kinh ngạc: “Anh bị sao vậy? Tại sao lại nổi cơn đùa bất thường vậy? Anh biết là chúng ta không thể mà. Chúng ta thậm chí còn chẳng đủ tiền để trang trải cho những khoản chi phí kia cơ mà".
Nhưng B vẫn kiên quyết: “Hàng trăm cặp vợ chồng cũng như chúng ta, cũng dự định sẽ mua một căn nhà mới ‘vào một ngày nào đó’, nhưng chỉ một nửa trong số đó thực hiện được dự định. Luôn luôn có một điều gì đó ngăn cản họ. Chúng ta sẽ phải mua một ngôi nhà mới. Hiện tại anh cũng chưa biết sẽ kiếm tiền mua nhà bằng cách nào, nhưng chúng ta sẽ kiếm được”.
Tuần sau đó, họ tìm thấy một căn nhà mà cả hai vợ chồng đều rất ưng ý, không hoành tráng nhưng đẹp, với giá vài chục ngàn đô la. Trở ngại duy nhất là làm cách nào để họ xoay được vài chục ngàn đô la. B biết anh không thể vay mượn theo những cách thông thường, vì nếu làm như vậy gánh nặng nợ nần ngày càng lớn, nhưng anh ấy cũng chẳng có gì để thế chấp cho khoản vay mua nhà.
Khi chúng ta đã quyết tâm thì chắc chắn sẽ tìm ra cách giải quyết. B bỗng nảy ra một ý tưởng: Tại sao không liên hệ với chủ thầu và ký một hợp đồng vay cá nhân vài chục ngàn đô la nhỉ? Lúc đầu, vị chủ thầu hoàn toàn thờ ơ trước đề nghị ấy, nhưng B kiên nhẫn thuyết phục và ông ấy đồng ý ký hợp đồng cho bán nhà trả góp cho B. Mỗi tháng B chỉ phải trả vài trăm đô la cả vốn lẫn lãi.
Giờ đây, tất cả những gì B phải làm chỉ là kiếm vài trăm đô la mỗi tháng. Vợ chồng B cùng nhau ngồi lại tính toán, tìm cách cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm gần trăm đô la một tháng. Nhưng vẫn chưa đủ. Rồi B lại nảy ra một ý tưởng mới. Sáng hôm sau, anh ấy vào gặp ông chủ công ty, giải thích về những dự định mà anh ấy đang làm.
Ông chủ rất vui khi nghe tin anh định mua một ngôi nhà mới. B nói: “Thưa ông, để có thể mua được ngôi nhà này, mỗi tháng tôi cần phải kiếm thêm vài trăm đô la nữa. Tôi biết là ông sẽ tăng lương nếu xét thấy tôi xứng đáng. Điều tôi mong muốn ngay lúc này là ông cho tôi một cơ hội để có thể kiếm thêm thu nhập. Trong văn phòng này, vẫn còn một số việc có thể làm thêm vào cuối tuần. Ông sẽ cho tôi cơ hội nhận làm những việc đó chứ?”.
Ông chủ của B rất ấn tượng với sự chân thành và tham vọng của B. Ông ấy đề nghị B mỗi cuối tuần làm thêm mười giờ, và vợ chồng B đã có thể chuyển đến ngôi nhà mới.
1/ Quyết tâm hành động đã kích thích suy nghĩ B, giúp anh ấy tìm ra phương cách và hành động để đạt được mục tiêu của mình.
2/ Anh ấy đã tự tin hơn rất nhiều. Trong những tình huống tương tự khác, sự tự tin đó sẽ giúp anh hành động một cách dễ dàng hơn.
3/ B đã mang đến cho vợ con một cuộc sống mà họ đáng được hưởng. Nếu B chần chừ, đợi cho đến có đủ điều kiện, rất có thể gia đình B sẽ chẳng bao giờ có được một ngôi nhà của riêng mình cả.
3. Trường hợp 3: C muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, nhưng...
Trường hợp của C là một ví dụ khác minh hoạ cho điều gì sẽ xảy ra với các ý tưởng lớn - nếu chúng ta chần chừ, chờ đợi cho đến khi hội đủ điều kiện mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó.
Không lâu sau Chiến tranh Thế giới II, C nhận được một công việc trong Phòng Hải quan của Cục Bưu chính Hoa Kỳ. Lúc đầu C rất đam mê yêu thích công việc của mình. Nhưng 5 năm sau, anh bắt đầu cảm thấy bất mãn với sự tù túng, với giờ giấc đều đặn, mức lương thấp và cơ chế thăng chức dựa trên thâm niên khiến cho cơ hội được thăng tiến trở nên hiếm hoi.
Rồi anh nảy ra một sáng kiến. Trong quá trình làm việc, anh đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm để có thể trở thành một nhà nhập khẩu thành công. Tại sao anh lại không tự gây dựng một công ty chuyên nhập khẩu quà tặng và đồ chơi giá rẻ nhỉ? C biết có nhiều nhà nhập khẩu, dù rất thành công, nhưng chẳng hiểu cặn kẽ công việc kinh doanh này như anh.
Đã mười năm trôi qua kể từ khi C nảy ra ý tưởng mở một công ty riêng, cho đến nay anh vẫn chỉ là nhân viên của Phòng Hải quan.
Tại sao vậy? Rất đơn giản. Cứ mỗi lần C chuẩn bị thực hiện thì lại có một điều gì đó xảy ra, ngăn không cho anh hành động. Thiếu tiền, khủng hoảng kinh tế, có con, lo lắng về sự thiếu ổn định, rủi ro trong tương lai, các rào cản thương mại, và vô vàn những lý do khác nữa được anh đưa ra làm lý do cho sự trì hoãn, chần chừ của mình.
C đã tự làm cho mình trở thành một người thụ động. Anh ta muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, trước khi bắt tay vào hành động. Vì mọi thứ chưa bao giờ hoàn hảo nên anh cũng chưa bao giờ hành động.
Dưới đây là hai điều bạn nên làm để tránh mắc phải sai lầm to lớn là do dự, nán đợi mọi điều kiện trở nên hoàn hảo mới dám bắt tay vào việc:
1. Sẵn sàng đón nhận những trở ngại và khó khăn trước mắt. Bất cứ công việc nào cũng bao hàm những rủi ro, bất trắc. Thử tưởng tượng, bạn muốn lái xe từ Chicago đến Los Angeles, nhưng vì lo lắng nên bạn cứ ngần ngại, chờ cho đến lúc không có bất cứ bất trắc gì xảy ra trên đường đi: không đi nhầm đường, xe không bị hỏng, thời tiết đẹp, không gặp những gã lái xe xay xỉn… Nói tóm lại là không gặp bất cứ rủi ro nào. Bạn hãy nghĩ xem, nếu cứ e ngại như vậy thì bao giờ bạn mới có thể lên đường? Chắc chắn là không bao giờ! Đương nhiên, trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, bạn sẽ phải lên kế hoạch thật rõ ràng, kiểm tra cẩn thận chiếc xe và hàng loạt công việc khác nữa để giảm thiểu rủi ro. Nhưng bạn sẽ không thể loại bỏ được hoàn toàn các rủi ro.
2. Sẵn sàng vượt qua khó khăn, trở ngại khi chúng xuất hiện. Thước đo sự thành công của một con người không nằm ở khả năng loại bỏ các vấn đề bất trắc trước khi hành động, mà là khả năng tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn. Dù trong công việc hay cuộc sống gia đình, bạn không nên lo lắng thái quá; khi gặp khó khăn bất cứ lúc nào, bạn hãy tìm ra cách giải quyết tương xứng, kịp thời.
Chúng ta không thể mua bảo hiểm cho mọi vấn đề trong cuộc sống.
Đừng chần chừ, mỗi khi xuất hiện bất cứ ý tưởng nào trong đầu, hãy nhanh chóng hành động, biến ý tưởng đó thành hiện thực. Khoảng 5, 6 năm trước, một người bạn giáo sư tài năng của tôi kể cho tôi nghe về dự định viết một cuốn tiểu sử về một nhân vật nổi tiếng của vài thập niên trước. Những ý tưởng của anh ấy “trên cả tuyệt vời”, sống động và thú vị. Vị giáo sư đó biết rõ mình muốn viết gì, ông ấy thừa kỹ năng và khả năng để hoàn thành. Kế hoạch đó chắc chắn mang lại cho ông ấy danh tiếng, tiền bạc và quan trọng nhất là ông sẽ tìm được sự mãn nguyện với bản thân mình.
Mùa xuân năm ngoái tôi gặp lại ông, tôi vô tình hỏi xem ông ấy đã hoàn thành cuốn sách chưa (đó là một sai lầm của tôi, vì tôi đã khơi lại vết thương lòng của ông ấy). Chưa, ông ấy chưa hề bắt tay vào viết cuốn sách! Dường như ông ấy phải đấu tranh với bản thân rất lâu để nghĩ xem nên giải thích việc đó thế nào. Cuối cùng, ông nói vì quá bận và còn quá nhiều “trách nhiệm” khác phải hoàn thành nên vẫn chưa thể bắt đầu được.
Trong thực tế, những gì mà ông bạn tôi làm chỉ là chôn chặt ý tưởng của mình trong đầu. Ông đã để cho những suy nghĩ tiêu cực được dịp tác động. Ông bạn nhận ra rằng: muốn hoàn thành cuốn sách, ông hẳn phải làm việc rất cật lực, thậm chí phải hy sinh rất nhiều thứ. Trong thâm tâm, ông ấy thừa hiểu vì sao kế hoạch đó không thể thành công được.
Ý tưởng là rất quan trọng. Rõ ràng như thế. Để sáng tạo và phát triển bất cứ điều gì, chúng ta cần phải có ý tưởng. Thành công sẽ không đến với những ai chẳng có ý tưởng gì.
Nhưng bạn cũng đừng quên một điều, chỉ ý tưởng thôi chưa đủ. Ý tưởng nhằm làm tăng lợi nhuận hay đơn giản hóa các thủ tục hành chính chỉ thật sự có giá trị khi biến thành sự thực.
Hàng ngày, có hàng ngàn người tự chôn vùi những ý tưởng có giá trị vì họ sợ phải hành động. Rốt cuộc, bóng ma của những ý tưởng ấy cứ lởn vởn, ám ảnh mãi trong tâm trí họ.
Hãy ghi nhớ thật kỹ hai điều sau đây :
Thứ nhất, hãy khiến những ý tưởng của bạn trở nên có giá trị bằng cách biến chúng thành sự thật. Dù cho ý tưởng của bạn có xuất sắc đến đâu, nhưng nếu bạn không hành động, bạn sẽ không đạt được gì cả.
Thứ hai, biến ý tưởng của bạn thành hiện thực và đạt được sự mãn nguyện cho bản thân mình. Nhiều người nói rằng, cụm từ đáng chán nhất là cụm từ bắt đầu bằng “Giá mà...”. Hàng ngày bạn có thể nghe ai đó nói những câu đại loại như: “Nếu bảy năm trước tôi bắt đầu kinh doanh, giờ đây chắc hẳn tôi đã thành công lắm rồi”, hoặc “Tôi đã linh cảm mọi việc sẽ xảy ra như vậy mà. Giá mà tôi đã làm gì đó”. Khi không thể biến một ý tưởng hấp dẫn trở thành hiện thực, bạn sẽ cảm thấy thất vọng và buồn bã. Nhưng một khi ý tưởng trở thành hiện thực, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc tràn trề.
Hãy dùng hành động để xóa bỏ nỗi sợ hãi và bồi đắp sự tự tin. Hãy ghi nhớ điều dưới đây. Hành động sẽ giúp ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển lòng tự tin trong bạn; ngồi lì một chỗ sẽ khiến nỗi sợ hãi lớn lên. Để chống lại nỗi sợ hãi, hãy hành động. Muốn tăng thêm sự sợ hãi, cứ chờ đợi và trì hoãn.
Một lần, tôi được một huấn luyện viên nhảy dù giải thích: “Thực ra việc nhảy dù không hề khó khăn. Chính thời khắc chờ đợi để nhảy xuống mới khiến người ta sợ hãi. Trên đường đến địa điểm nhảy dù, tôi luôn làm mọi cách để giúp các anh học viên của tôi cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn. Rất nhiều học viên vì nghĩ ngợi quá nhiều về những gì sẽ xảy ra nên đã tỏ ra hoảng sợ, lo lắng. Nếu chúng tôi không thể giúp họ vượt qua sự e ngại, họ sẽ không tài nào trở thành lính nhảy dù được. Càng trì hoãn nhảy xuống bao nhiêu, họ càng sợ hãi bấy nhiêu”.
Ngay cả đối với các chuyên gia, việc chờ đợi cũng khiến họ trở nên lo lắng, bồn chồn. Theo tạp chí Timesthì Edward R. Murrow, phát thanh viên hàng đầu quốc gia, thường lo lắng đến vã mồ hôi, thậm chí cáu gắt trước mỗi lần ghi hình. Nhưng chỉ cần bắt đầu bấm máy, mọi nỗi sợ hãi của anh ấy tự động biến mất. Rất nhiều diễn viên kỳ cựu cũng trải qua cảm giác tương tự. Họ đều bảo: phương thuốc duy nhất giúp chữa khỏi căn bệnh sợ sân khấu là bước ra diễn. Sự ấm áp của khán phòng là phương thuốc chống lại nỗi sợ và lo lắng.
Rất nhiều bác sĩ sử dụng những viên thuốc trung tính, vô hại cho những bệnh nhân cứ khăng khăng phải uống một liều thuốc gì đó để có thể ngủ được. Với rất nhiều người, chỉ cần uống một viên thuốc (dù họ không hề biết rằng viên thuốc đó thực ra chỉ là giả dược nên chẳng có tác dụng gì) là họ cảm thấy an tâm hơn nhiều.
Sợ hãi một điều gì đó là một cảm giác hoàn toàn tự nhiên. Nhưng có không ít cách chúng ta thường sử dụng để xóa tan nỗi sợ thực ra lại chẳng có tác dụng gì. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhân viên bán hàng, kể cả nhân viên kinh nghiệm nhất, cố xua tan nỗi sợ của họ bằng cách đi vòng quanh phòng nhiều lần hoặc uống thêm cà phê, nhưng những cách đó không đem lại kết quả gì. Cách duy nhất để chống lại nỗi sợ hãi - vâng, bất cứ nỗi sợ hãi nào - là hành động.
Bạn ngần ngại phải gọi một cuộc điện thoại cho một khách hàng mới? Cứ gọi và nỗi sợ sẽ tan biến. Càng trì hoãn, bạn sẽ càng thấy khó khăn hơn.
Bạn sợ phải đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe? Cứ đi và sự lo lắng sẽ nhanh chóng biến mất. Rất có thể chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra với bạn cả, mà nếu có, bạn sẽ biết được bệnh tình nghiêm trọng đến mức nào. Nếu bạn cứ trì hoãn không đi kiểm tra, bạn sẽ cảm thấy lo lắng cho đến khi nỗi sợ đó lớn đến mức làm cho bạn ngã bệnh thật sự.
Bạn sợ phải thảo luận một vấn đề với cấp trên? Hãy cứ đến gặp sếp của bạn và bàn bạc, rồi bạn sẽ thấy mọi vấn đề được giải quyết dễ dàng như thế nào.
Hãy xây dựng lòng tự tin và xóa tan sự sợ hãi bằng hành động.
Trích cuốn sách "Dám nghĩ lớn" do Công ty First News phát hành)
Theo VnExpress