Chất lượng lao động: ...Có vấn đề

Đề án “Phát huy vai trò doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Chi nhánh VCCI Hải Phòng mới tiến hành gần đây cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta... có vấn đề. Thực tế mà chúng ta đang phải thừa nhận là lực lượng lao động của chúng ta không chỉ thiếu về số lượng mà còn suy giảm về chất lượng.

 

 Nhiều DN rất khó tìm được công nhân chất lượng caoGiám đốc một DN tại Hải Phòng ngao ngán nhìn bản kế hoạch chương trình PR sản phẩm do nhân viên Cty của ông soạn. Chưa bàn tới nội dung, chỉ riêng việc bản kế hoạch được trình bày cầu kỳ nhưng lại đầy... lỗi chính tả ấy đã làm vị giám đốc phải lo lắng về kết quả chương trình PR của Cty ông. Một giám đốc khác lại cho rằng DN của ông... không cần PR, vì việc đó do... tự ông làm lấy ! 

Chuyện gì cũng... khó hiểu !

Đỗ Phương – phó giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu của Hải Phòng nói rằng, anh rất khó khăn khi tiếp cận DN để tìm cơ hội phối hợp kinh doanh. Khó khăn không chỉ đến từ chỗ đa số chủ DN gần như không biết gì về nội dung của hoạt động PR, marketinh. Mà còn ở chỗ, ngay với những DN có ý thức với hoạt động này, thì đội ngũ nhân viên của DN cũng gần như không biết triển khai nó theo trình tự nào, hướng vào đâu... Và trong tình trạng ấy, thì ý tưởng của người làm PR, marketinh chuyên nghiệp như Phương quá khó để khơi gợi nhu cầu, cũng như “gặp” được mong muốn của DN. Không ít giám đốc DN đã nói rằng, họ không cần... kiểu làm PR chuyên nghiệp, vì mọi kết quả kinh doanh của họ đều chỉ tới từ các quan hệ cá nhân lâu năm, hoặc gắn kết bằng lợi ích kinh tế với các đại lý, các nhà phát hành...

Nếu tổng kết về thực tế này, thì rõ ràng sự yếu kém trong xây dựng thương hiệu của các DN nội không bắt nguồn từ tiềm lực kinh tế yếu kém, mà chủ yếu là từ trình độ, từ nhận thức của chủ DN và đội ngũ nhân lực của DN ấy. Kết quả khảo sát trên 63.760 DN tại 30 tỉnh, thành phía Bắc do Trung tâm Hỗ trợ DNNVV thuộc Cục Phát triển DNNVV - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành cho có tới 88% số DN có công nghệ ở trình độ trung bình và lạc hậu, 50% số DN vốn 1 tỷ VND. Và có tới 45,5% chủ DN - chủ yếu là DNNVV - chỉ có trình độ trung học phổ thông trở xuống. Đặt số liệu này cạnh kết quả khảo sát khác, là có hơn 80% DN lo ngại về sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, mới thấy... buồn cười ! Vì khi quá nhiều chủ DN có trình độ chưa hết cấp 3 mà lại lo lắng về thiếu nhân lực chất lượng cao, thì không hiểu DN ở ta đang cần nhân lực chất lượng cao gì đây ? Hay là ngay cụm danh từ “nhân lực chất lượng cao” ấy mới chỉ tồn tại ở dạng khái niệm, chưa được làm rõ, hiểu rõ về nội dung ?

Trong một kết quả khảo sát khác, do VCCI cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và một trung tâm thuộc đại học nước ngoài công bố đầu năm 2009 cho thấy, chỉ chưa đầy 15% nhân công VN tại các DN của năm ngành, gồm: điện tử, in ấn, dệt may, chế biến thủy sản, du lịch là đã được đào tạo. Hơn 50% DN trả lời là họ không được đáp ứng nhu cầu về nhân lực quản trị, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật cấp cao có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của DN ngay khi được tuyển. Đa phần nhà tuyển dụng đều nhận xét, rằng kỹ năng của người lao động, kể cả với khá nhiều sinh viên khi vừa mới ra trường, là không đáp ứng yêu cầu cần có sau khi đã qua đào tạo, chứ chưa bàn tới yêu cầu của DN. Có tới gần 70% số DN ngành công nghệ, 50% DN ngành dịch vụ khẳng định họ thiếu cán bộ quản lý có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công việc.

Đó là tại DN, còn tại các cơ quan quản lý – nơi mà trong “ý thức” của đa số người lao động vẫn là “lý tưởng” – thì khi hiện trạng trình độ người lao động được chính các cơ quan quản lý thừa nhận là “có một bộ phận không nhỏ” chưa đáp ứng yêu cầu công việc cả về năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức, thì đồng thời lại xảy ra tình trạng công chức bỏ ra ngoài làm việc. Sự yếu kém về trình độ của công chức nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sức ỳ cho nỗ lực triển khai chương trình cải cách hành chính. Và đào sâu thêm ngăn cách giữa nhu cầu của DN với khả năng đáp ứng của cơ quan quản lý. 

“Thị trường... hoang dại !”

Đây là nhận xét của giám đốc một DN ngành da giày về thị trường lao động của Hải Phòng. Vị  này là một thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, và dường như vì thế mà nhận xét của ông sẽ là... khó hiểu với nhiều người, dù thực ra nó chỉ là một cách nói về tính chất bất quy luật của thị trường lao động tại Hải Phòng. Vị này lấy dẫn chứng ngay từ tình trạng “nhảy việc” của lao động tại các DN ngành may mặc, da giày – ngành không hề đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ người lao động, mà chỉ đòi hỏi về số lượng lao động lớn. Hàng năm, cứ sau dịp Tết là các DN ngành này khốn khổ vì công nhân về quê ăn Tết xong là nghỉ luôn hoặc chuyển sang DN khác, tình trạng này xảy ra ngay cả khi kinh tế khủng hoảng. Lượng công nhân “nhảy việc” rất lớn, có thể lên tới 10 – 20% tổng số lao động toàn Cty và đó thực sự tạo nguy hiểm tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Khác với kết luận của các “chuyên gia”, giám đốc này kết luận, rằng bên cạnh thu nhập không bảo đảm, thì yêu cầu trình độ lao động thấp, sản phẩm giản đơn là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng công nhân ngành da giày, may mặc “nhảy việc”. “Ngay cả những DN có thu nhập tương đối tốt thì lao động vẫn thường xuyên bỏ việc. Điều đó cho thấy là về tổng thể, đặc thù hoạt động của DN VN vẫn chưa thực sự thu hút, hấp dẫn, nuôi dưỡng được ý định làm việc lâu dài của lao động” - Đó là kết luận rất chính xác, nếu biết rằng, với các DN ngành dệt may, da giày, việc chăm sóc đến sinh hoạt ngoài nhà máy của người lao động là vẫn hạn chế. Và ngay tại DN, sự có mặt của các tổ chức như Công đoàn... là chưa đủ sức bình ổn tâm lý, thuyết phục được người lao động.

Ngược lại, cũng có không ít trường hợp người lao động đã mất việc vì yêu cầu chủ sử dụng phải đáp ứng yêu cầu về lao động. Tiến – lái xe của một DN vận tải tại Hải Phòng bị đuổi việc vì đã yêu cầu Cty phải bố trí thêm một lái xe nữa cùng cậu khai thác chiếc xe của Cty. Trước đó, mỗi ngày Tiến phải lái liên tục hơn 10 h trên chiếc xe này để kịp quay vòng chở hàng cho Cty. Mặt khác, việc các lái xe bị kiệt sức vì phải lái liên tục là tình trạng phổ biến trong các DN vận tải hàng hóa đường bộ tại Hải Phòng, cũng như cả nước. Chủ một DN vận tải cho biết, tình trạng lái xe phải hoạt động quá sức có nguyên nhân chính từ việc ngành này phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao, trả hàng hóa cho chủ hàng, xuống tàu đúng thời hạn. Do vậy, trong nhiều trường hợp, lái xe phải chạy liên tục cho kịp thời hạn và dẫn tới kiệt sức, mất tập trung khi vận hành xe trên đường. Ngược lại, cũng vì yêu cầu này, người lao động không muốn theo nghề lái xe vận tải và từ đó gây nên tình trạng thiếu lái xe. Đương nhiên, vì thiếu lái xe thì chủ DN không thể bố trí đủ lái xe cho mỗi đầu xe, nhất là với các xe chạy đường dài. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những cách giải thích của giới chủ, theo phản ánh của các lái xe, nếu bố trí đủ hai lái xe cho mỗi xe chạy đường dài, thì đương nhiên chi phí lương sẽ tăng gấp đôi và đó không hề là điều chủ xe mong muốn. Vấn đề là ở chỗ, dù Nhà nước có đủ các quy định đối với việc bảo đảm sức khỏe, khả năng vận hành của lái xe, nhưng các cơ quan quản lý lại thiếu khả năng, và thiếu luôn cả cơ sở pháp lý để theo dõi, kiểm tra, để buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ các quy định này. Và mặt khác, dù có chứng minh được các chủ xe đã “khai thác” lái xe quá mức, thì cũng thiếu các cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp răn đe, xử phạt. Nhìn từ góc độ quản lý, thì đó chính là khoảng trống giữa quy định và thực tiễn áp dụng.

Thay đổi từ gốc

Có sự khác biệt giữa các đối tượng trả lời khảo sát để phục vụ xây dựng Đề án “Phát huy vai trò doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Chi nhánh VCCI Hải Phòng mới tiến hành gần đây. Theo đó, câu hỏi về một số yêu cầu cần có đối với đội ngũ doanh nhân VN, số lượng câu trả lời từ cơ quan báo chí và cơ quan chính quyền nhiều nhất tập trung vào yêu cầu năng động, linh hoạt, sáng tạo trong kinh doanh. Yêu cầu này cũng được sự đồng ý lớn nhất trong trả lời của giới DN. Đồng ý với yêu cầu, rằng doanh nhân cần có trình độ học vấn chỉ chiếm số ít trong trả lời của cơ quan báo chí và cơ quan chính quyền. Và với các DN, đồng ý với yêu cầu này chỉ bằng hơn 50% so với trả lời đồng ý về yêu cầu năng động, linh hoạt, sáng tạo trong kinh doanh. Yêu cầu về đạo đức trong kinh doanh cũng được ý kiến từ các cơ quan báo chí, chính quyền tán thành với số lượng lớn, trong khi với trả lời từ DN, nó lại là... số ít !

Vậy, nếu căn cứ vào sự chênh lệch trong ý kiến trả lời với các yêu cầu nêu trên, phải đặt câu hỏi là phải chăng giới doanh nhân và cơ quan quản lý VN không đánh giá cao vai trò của việc đào tạo trong hoạt động kinh doanh ? Hay là, tư duy của nhà quản lý, cơ quan báo chí và giới doanh nhân hiện đánh giá cao khả năng ứng biến trong hoạt động của DN hơn là trình độ học vấn của doanh nhân. Đây là kết quả đáng buồn, nếu nhìn từ góc độ giáo dục. Vì, khoa học về kinh doanh là kết quả tổng hợp, phân tích, tổng kết những kinh nghiệm kinh doanh biến động suốt chiều dài lịch sử, qua các hình thái xã hội, nhà nước, nền kinh tế. Chứ không phải là nơi ghi dấu những định luật, phát minh để cho ra đời những với sản phẩm mới. Và các doanh nhân cần phải, cần được đào tạo, hấp thụ tốt khoa học về kinh doanh để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho DN. Có nghĩa, về lý thuyết, sự năng động, linh hoạt của doanh nhân trong hoạt động phải bắt nguồn trên nền tảng được đào tạo và hấp thụ tốt khoa học, kiến thức về kinh doanh. Thay vì được hiểu như hai khái niệm tách rời, độc lập với nhau. Và vì thế, kết quả trả lời này chỉ là sự cụ thể hóa một thực tế, là doanh nhân, nhà quản lý, cơ quan báo chí VN hiện không đánh giá cao kết quả đào tạo nhân lực đối với hoạt động kinh doanh. Cũng có nghĩa, các kiến thức của ngành giáo dục trang bị cho người lao động chưa đủ thuyết phục, đáp ứng yêu cầu của DN.

Có thể lấy hàng loạt số liệu cụ thể để chứng minh cho kết luận về thực trạng thiếu, yếu trong năng lực hoạt động của nguồn nhân lực tác động không tốt tới kết quả hoạt động của DN. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong cơ cấu lực lượng lao động VN giai đoạn 2005-2020 là tăng đều. Năm 2005 là 19% của dân số 83 triệu người, dự kiến năm 2010 sẽ là đến 30-32% dân số, tới năm 2015 là  45% năm 2015 và năm 2020 ước sẽ là 55% của dân số ước 98,5 triệu. Tuy nhiên, số liệu ấy có phản ảnh được chất lượng đào tạo thực tế có đáp ứng yêu cầu sử dụng hay không lại là chuyện khác ? Và cần đặt câu hỏi ấy trong bối cảnh sau hơn 20 năm đổi mới để có sự nhìn nhận nghiêm túc, thực tế hơn. Nghị quyết 20 của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng khẳng định việc “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân”. Nhưng thực tế mà chúng ta đang phải thừa nhận, là lực lượng lao động của chúng ta không chỉ thiếu về số lượng, mà cái thiếu nguy hiểm hơn là trình độ thực tế. Có nghĩa là sự đổi mới của các chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng về số lượng của các trường đào tạo. Và kết quả là có khoảng trống mênh mông về trình độ của nhân lực qua đào tạo với thực tiễn và nhu cầu của DN, cơ quan, rộng hơn là của nền kinh tế. Nhu cầu về lao động giản đơn, về lao động kỹ thuật cũng như nhân lực cấp cao của ta đều thiếu. Và thực tế đang dần trở thành lực cản đối với khả năng hội nhập của nền kinh tế với thế giới. Vì vậy, muốn có chất lượng nguồn nhân lực ngày một tốt lên đầu tiên phải thay đổi từ gốc - ấy là cái gốc giáo dục.

Quốc Dũng



Các tin khác