Tự gọt chân cho vừa giày
Để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, ông Đậu Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Nikko Việt Nam đã phải tổ chức nhiều cuộc họp với ban lãnh đạo công ty để tìm cửa thoát hiểm. Và một quyết định mang tính chất “tự gọt chân cho vừa giày” được đưa ra: tạm thời dừng các hoạt động của chi nhánh của Tập đoàn tại Đà Nẵng và TPHCM; xem xét rút lại vốn đã đầu tư tại những dự án hoạt động kém hiệu quả. Ông Hùng nhận, định, đây là một quyết định khó khăn, nhưng cần thiết trong bối cảnh sản xuất khó khăn, sản phẩm ứ thừa.
Thu hẹp lĩnh vực nào, chuyển hướng sang đâu là bài toán đòi hỏi sự nhạy cảm và quyết đoán của người lãnh đạo |
Năm 2006, khi thị trường xe máy bị cạnh tranh gay gắt, sản phẩm của công ty không tiêu thụ được, doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất. Thay vì đóng cửa, doanh nghiệp này đã chuyển hướng sang làm vệ tinh sản xuất phụ tùng xe máy cho doanh nghiệp khác. Chấp nhận “lùi” ra đằng sau, nhưng nhờ đó doanh nghiệp vẫn tận dụng được dây chuyền, máy móc của mình, không phải sa thải những công nhân lành nghề bao năm gắn bó, gây dựng. Vượt qua giai đoạn gian khó, hiện công ty chuyển sang sản xuất lắp ráp xe ba bánh dành cho thương bệnh binh và người tàn tật và vẫn đang có đà phát triển.
Bản lĩnh người đứng đầu
Phát biểu tại cuộc hội thảo mới đây do Bộ Công thương Việt Nam tổ chức, Giáo sư John Bezad (thuộc trường Đại học Califonia, Hoa Kỳ) cho rằng, để duy trì được sự tồn tại và phát triển, lãnh đạo các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực không nhỏ: các quyết định kinh doanh của họ đều đặt trước khả năng rủi ro.
Mặc dù thu hẹp sản xuất, chuyển hướng kinh doanh là giải pháp được nhắc đến nhiều trong giai đoạn khó khăn này, song theo nhiều doanh nhân thì quyết định thu hẹp lĩnh vực nào, chuyển hướng sang đâu lại là bài toán khó, đòi hỏi bản lĩnh và sự quyết đoán của người lãnh đạo. Quay lại với trường hợp Nikko. Một mặt thu hẹp sản xuất sản phẩm điện tử, mặt khác, từ cuối năm 2007, công ty đã tính đến việc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khai thác khoáng sản. Nikko đang tập trung các nguồn lực về tài chính và nhân sự để đẩy nhanh các dự án Nhà máy Khai thác và Chế biến Ferro Mangan (Cao Bằng) và Khu đô thị Tứ Hiệp (Hà Nội).
Hy sinh quyền lợi
Thay vì đi máy bay tiêu chuẩn VIP, ở khách sạn 4 sao trở lên, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Việt Nam quyết định chỉ đi máy bay hạng phổ thông, ở khách sạn mức trung bình để làm gương cho toàn bộ ban lãnh đạo công ty trong việc thực hiện giải pháp “cắt giảm chi phí văn phòng, công tác phí” của doanh nghiệp. Giải pháp này không chỉ đem lại cho công ty một khoản chi phí đáng kể (bởi theo quy định tiêu chuẩn công tác phí, điện thoại… của đội ngũ lãnh đạo từ cấp trưởng phòng của công ty trước đây khá cao) mà - quan trọng hơn - đã cho nhân viên toàn công ty nhận thức rõ về thực tế và sự chấp nhận hy sinh của ban lãnh đạo.
Tương tự, giám đốc một công ty cổ phần điện tử đã quyết định tạm thời chưa lĩnh khoản lợi tức được chia, để lại một phần lương để làm vốn cho công ty hoạt động thay vì phải đi vay ngân hàng.
Mặc dù sẽ phải đi làm xa thêm 10km, nhưng Giám đốc công ty TNHH Thanh Bình (chuyên sản xuất hàng nội thất) vẫn quyết định chuyển văn phòng làm việc từ cao ốc sang trọng ở trung tâm thành phố đến một khu phố nhỏ hơn ở quận Hai Bà Trưng. Vị lãnh đạo này tính toán, tuy có phải vất vả đi xa nhưng công ty sẽ tiết kiệm được tới 60% tiền thuê văn phòng. Một khoản không nhỏ hàng tháng.
Để khép lại bài viết này, xin đưa ra một thống kê rất có ý nghĩa từ Hiệp hội Công Thương Hà Nội: mặc dù có tới 75% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn lớn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, song cũng có tới 70% tin rằng tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý III- 2009. Phải chăng chính niềm tin đó đã giúp các doanh nghiệp phát huy mọi sáng kiến để vượt qua thời kỳ gian khó?