Văn hóa doanh nghiệp : Quý hơn vốn
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, một cuộc bàn luận về văn hóa doanh nghiệp tưởng là nghịch lý nhưng lại là hợp lý. Dù trong xu hướng suy thoái kinh tế, nhưng doanh nghiệp nào có uy tín đối với khách hàng, có thương hiệu và chiến lược chăm sóc khách hàng tốt thì doanh nghiệp đó vẫn phát triển mạnh. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.
Đã có những thông điệp rất hay được đưa ra như: "Vốn không phải là cái quý nhất mà văn hóa mới là tài sản vô hình quý giá nhất của doanh nghiệp. Con người có thể đi lên từ tay không về vốn nhưng không thể đi lên từ tay không về văn hóa"; "Kết quả cuối cùng của văn hóa doanh nghiệp chính là sự phát triển của doanh nghiệp"; "văn hóa, nền tảng bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp"... Văn hóa doanh nghiệp làm nên thương hiệu


     Không phải ngẫu nhiên mà chương trình MBA của Đại học Harvard đã cho ra đời một tấm thẻ lời thề đạo đức kinh doanh. Người làm chủ tấm thẻ phải nói không với những điều làm lợi cho mình mà không lợi cho xã hội.

    Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Công Vinh - Cố vấn chiến lược Công ty Ứng dụng Tâm Lý Hồn Việt - Vietnam Insight cho rằng: "Doanh nhân là người làm kinh doanh. Người làm kinh doanh khác với con buôn. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà phải có trách nhiệm với xã hội. Chính điều đó mới làm nên giá trị bền vững trong kinh doanh, làm nên lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp".
Văn hoá doanh nghiệp không phải là cái gì cao siêu, xa vời. PGS, TS Đinh Ngọc Vượng- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: "Tại một cửa hàng quần áo, một khách hàng bị chủ hàng túm tóc, nắm chặt tay không cho đi vì chưa "mở hàng", "mặc cả rồi thì phải lấy". Hoá ra, giá của chiếc áo nói thách 300.000đ, khách trả 100.000đ. Khách bị ép mua, không mua thì bị chửi. Đó là chuyện không hiếm ở các cửa hàng tại Hà Nội".
Ông Vinh lo ngại: "Không ít các doanh nhân tiểu thương ấy đã lập công ty, trở thành chủ doanh nghiệp, cái văn hoá tiểu thương mặc nhiên chuyển hoá vào văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp."
Ông Vinh lại đưa ra một ví dụ trái ngược hoàn toàn tại một nước Bắc Âu. Một đoàn cán bộ Việt Nam đi công tác ở nước này năm 1985, thời điểm mà Việt Nam vẫn còn cơ chế bao cấp. Thời đó, để có được một chiếc máy cassette của một hãng nào đó của Nhật là chuyện không đơn giản chút nào. Ba người cùng nhau đi mua máy cassette hai cửa băng, người thứ tư thì mua được một chiếc 1 cửa băng. Thấy mình mua phải máy không tiện dụng nên người mua máy 1 cửa băng đem đi đổi.
Tuy nhiên ông này vào nhầm cửa hàng. Cửa hàng này không bán máy một cửa băng nên nhân viên bán hàng không đổi cho ông ta và bảo ông ta vào nhầm cửa hàng. Ông khách hàng quát lên là ông ta không nhầm làm những người khách xung quanh ngơ ngác. Ông chủ cửa hàng đã kịp thời can thiệp bằng cách nhận chiếc máy và hoàn cho ông khách số tiền rồi nói rằng cửa hàng bên cạnh mới bán loại máy mà ông khách cần." Đó là những ứng xử làm nên văn hoá doanh nghiệp!
Cụ thể hơn, TS Trần Văn Miều- Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN cho rằng: "Văn hoá doanh nghiệp là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do doanh nghiệp sáng tạo ra trong quá trình hình thành và phát triển. Trở thành các giá trị, quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp".
Cũng đồng quan điểm, ông Võ Văn Quang - Chuyên gia thương hiệu cho rằng, văn hoá doanh nghiệp không chỉ là những giá trị trìu tượng mà còn là những lợi ích thiết thực thể hiện ở chất lượng sản phẩm. Ông đưa ra các doanh nghiệp đã xây dựng được văn hoá doanh nghiệp, đưa văn hoá trở thành thương hiệu, thành sức mạnh cạnh tranh, quý hơn cả vốn như Hãng taxi Mai Linh: mội cá nhân là một sứ giả thương hiệu. Với đồng phục màu xanh (ban đầu là do xuất thân của những người lập ra doanh nghiệp là những người lính), cách giao tiếp, phong cách phục vụ khách hàng...
Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi khác cũng cho thấy văn hoá doanh nghiệp làm nên thương hiệu như Heineken; Viettel; Bitis; Diana... Xây dựng văn hoá doanh nghiệp từ đâu? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Có muôn hình vạn trạng cách định nghĩa văn hóa doanh nghiệp, nhưng thực chất, xét đến cùng thì đó là cách ứng xử của con người đối với tự nhiên và với con người để thúc đẩy sự tiến bộ".
'Xét đến cùng thì văn hoá doanh nghiệp là cách ứng xử của con người đối với tự nhiên và với con người để thúc đẩy sự tiến bộ' - Nhà sử học Dương Trung Quốc
Như vậy, cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp chính là ứng xử của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội. Ông Nguyễn Công Vinh cho rằng: "Văn hoá doanh nghiệp không phải là Thuật mà là Tâm. Văn hoá phải xuất phát từ cái Tâm. Thuật chỉ giúp hiện thực hoá cái Tâm một cách cao nhất. Không phải văn hoá là dùng miệng lưỡi xoa dịu người lao động rồi đằng sau thì thò tay rút bớt tiền lương thưởng của người lao động. Muốn xây dựng được văn hoá doanh nghiệp phải giải quyết hài hoà các lợi ích, lợi ích người lao động, doanh nghiệp và khách hàng".
Ông Vinh cũng nhấn mạnh: "Bắt đầu xây dựng văn hoá doanh nghiệp từ xây dựng con người trong nội bộ doanh nghiệp".
Cùng quan điểm này, PGS, TS Đinh Ngọc Vượng cho rằng: "Muốn có văn hoá doanh nghiệp thì doanh nhân cần có nhiều phẩm chất, có văn hoá nói chung, có văn hoá pháp luật, ý thức pháp luật vì chính pháp luật là chuẩn mực của hành vi được xây dựng trên nền tảng đạo đức".
Theo TS Trần Văn Miều, các giải pháp để xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở nước ta là phải lấy văn hoá ứng xử làm nền tảng. Trong đó gồm có ứng xử của lãnh đạo với người lao động và ngược lại; ứng xử của cán bộ và người lao động với pháp luật và kỷ cương, kỷ luật của doanh nghiệp; tạo môi trường làm việc thân thiện, hoà đồng, hợp tác và tạo môi trường làm việc thân thiện với khách hàng".
Đưa ra những tiêu chí để đánh giá về văn hoá doanh nghiệp, TS Trần Văn Miều cho rằng cần xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá. Bộ tiêu chí sẽ là thước đo chung để doanh nghiệp và người lao động soi vào đó và phấn đấu. Ý nghĩa và lợi ích thiết thực của văn hoá doanh nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển toàn cầu là vô cùng cấp thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng nên kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hợp tác xây dựng một khái niệm chính thống về doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp. Hiện nay, đáng tiếc, khái niệm văn hóa doanh nghiệp vẫn chưa có trong từ điển Bách khoa Việt Nam. Và một khi văn hóa chưa được coi là một yếu tố 'sống-còn' để phát triển doanh nghiệp thì chúng ta chưa có một nền kinh tế phát triển, một xã hội văn minh.
Theo www.SAGA.vn

Các tin khác