Quay về với năng lực cốt lõi
Khi thị trường tài chính nổi lên trong những năm 2006-2007, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán được xem là mảnh đất khá màu mỡ, rất nhiều doanh nghiệp coi đó là cơ hội mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa trong sản suất kinh doanh theo chiến lược chân kiềng: ngành nghề chính + bất động sản + đầu tư tài chính, thậm chí một số doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vẫn lấy việc đầu tư tài chính làm đầu.
Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống là chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển đa dạng. Nhưng theo các chuyên gia quản trị, đa dạng hóa ngành nghề một cách ồ ạt mà không tính tới khả năng quản trị, không dựa trên năng lực lõi thì khả năng gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Và điều này có phần đúng với trường hợp của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE. Khi đang ở thời kỳ đỉnh cao 2006-2007, cổ phiếu của REE luôn là một trong những blue-chip trên thị trường chứng khoán.
Nhưng cũng trong thời gian đó, REE đã lựa chọn chiến lược chân kiềng cho mình, bao gồm: cơ điện lạnh - bất động sản - đầu tư tài chính với tỷ lệ 30/30/40. Thậm chí nếu không có sự phản đối sau này của một số thành viên trong hội đồng quản trị, Công ty Chứng khoán REE đã đi vào hoạt động cuối năm 2007.
Kết quả là hiện nay, REE đang phải chịu những khoản thua lỗ từ việc đầu tư tài chính. Và ngày 9/2/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã ra quyết định đưa cổ phiếu của REE vào diện bị kiểm soát vì kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 phát sinh âm.
Thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán, giảm sâu từ cuối năm 2007 tới nay khiến cho các công ty đầu tư xa rời lĩnh vực truyền thống bộc lộ rõ sự yếu kém. Việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn khiến các doanh nghiệp sao nhãng việc phát triển dựa trên năng lực lõi, trong khi đó các nguồn thu từ việc đầu tư mang tính cơ hội đã không còn.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2008 là thời điểm để một số doanh nghiệp xem xét và tái cấu trúc lại.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (MPC) được tổ chức vào giữa năm 2008, nhận ra thua lỗ do sai lầm từ việc đầu tư xa rời năng lực cốt lõi, hội đồng quản trị đã nhất trí về định hướng phát triển năm 2008 của MPC sẽ chỉ tập trung nguồn lực để phát triển mở rộng đối với ngành nghề kinh doanh chính.
Qua đó, hội đồng quản trị của MPC đã không thông qua dự án đầu tư vào cao ốc Minh Phú mà sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa tại Hậu Giang trong năm 2008.
Ngoài ra, hội đồng quản trị cũng quyết định tạm ngừng kế hoạch lập công ty tài chính, nhằm dành nguồn lực hỗ trợ cho mạng lưới nuôi tôm và phục vụ cho việc chế biến xuất khẩu của MPC.
Mặc dù không gặp khó khăn về tài chính, nhưng trước bối cảnh kinh doanh không thuận lợi như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang xem xét tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh truyền thống của mình.
Trước đây, do khá thành công với dự án đầu tay là tòa tháp đôi Vincom City Towers, tập đoàn Vincom đã mạnh dạn đầu tư nhiều dự án bất động sản tại nhiều đô thị lớn trong cả nước. Song song đó, với chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính, chỉ sau một thời gian ngắn, một loạt các công ty trong lĩnh vực dịnh vụ tài chính của Vincom đã ra đời như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính...
Phát biểu với báo giới khi ấy, một lãnh đạo của Vincom khẳng định: “Việc chúng tôi quyết định đầu tư mạnh mẽ vào thị trường tài chính là một tính toán rất kỹ lưỡng. Với nguồn vốn hùng hậu, thương hiệu và kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ thành công cả trong lĩnh vực này. Mặt khác, tất cả các nhà đầu tư khôn ngoan đều hiểu là không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Nhưng mới đây, dư luận râm ran bàn tán chuyện dự án thành lập công ty bảo hiểm của Vincom đang trong thời kỳ chuẩn bị trình làng thì phải tạm ngưng lại; người phụ trách PR của Công ty Chứng khoán Vincom cùng vài chục nhân viên khác cũng đã nghỉ việc. Dư luận thắc mắc liệu mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính của Vincom có thay đổi?
Ngày 17/1/2009, Vincom đã phát đi thông điệp đầu tư vào bất động sản sẽ là hướng đi chính trong năm 2009. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vincom, đó là lĩnh vực then chốt và là thế mạnh số 1 của Vincom.Gần đây, dư luận cũng đồn thổi việc Vinamilk bán nhà máy bia cho đối tác liên doanh SAB Miller.
Phải chăng trước đây Vinamilk đã “nóng vội” khi đầu tư vào lĩnh vực nằm ngoài năng lực lõi của mình? Trả lời thắc mắc của dư luận, ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Vinamilk, khẳng định rằng công ty sẽ có thông báo chính thức nếu có việc mua bán trong liên doanh. Ông Minh cho rằng việc thành lập đối tác liên doanh với SAB Miller để sản xuất bia chỉ là một cơ hội kinh doanh.
Đó là đầu tư tài chính hơn là đầu tư thương hiệu. Do vậy Vinamilk không quan tâm đến việc định vị cho sản phẩm bia này với cơ cấu thương hiệu của Vinamilk, minh chứng là trong sản phẩm bia Zorok không hề có bất cứ một thông tin nào liên quan đến Vinamilk.
Với hơn 86 triệu dân, ông Minh nhận định thị trường sữa của Việt Nam còn rất lớn, nhất là phân khúc đối tượng bình dân. Do vậy, trong thời gian tới Vinamilk sẽ tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, phát triển nhiều sản phẩm sữa, nước giải khát tốt cho sức khỏe dành cho giới tiêu dùng bình dân hơn.
Các tin khác