Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp
Chủ đề văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh được đề cập và bàn thảo rất nhiều trong thời gian gần đây.
Nhiều bài viết, nhiều hội thảo đã phân tích các khía cạnh sâu xa của vấn đề này. Như một trào lưu, các doanh nghiệp đua nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng điểm lại, không mấy doanh nghiệp thành công. Vì sao như vậy?
Trước hết, sự thất bại nằm ở ngay chính bản thân những người lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường cử người đi học về văn hóa doanh nghiệp, nhưng những người lãnh đạo cao nhất thì không bao giờ đến lớp - một phần vì quá bận rộn với công việc, phần khác, nhiều hơn, là vì sĩ diện cá nhân.
Hệ quả là, chính người cần khởi xướng và dẫn dắt quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp lại không hiểu hết về vấn đề này. Trong quá trình xây dựng, những can thiệp, chỉ đạo của những người lãnh đạo lại làm cho những “nét văn hóa” trong doanh nghiệp trở nên bất nhất, méo mó.
Thứ hai, rất quan trọng và đóng vai trò quyết định, đó là doanh nghiệp tìm cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng chính doanh nhân - người chủ doanh nghiệp lại không chịu xây dựng văn hóa cho mình.
Văn hóa doanh nhân chính là yếu tố hàng đầu, tác động rất lớn và góp phần quyết định tạo nên sự thành công hay thất bại của văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nhân có nếp sống phù hợp, sẽ góp phần tạo nên một văn hóa doanh nghiệp phù hợp.
Ngược lại, nếu người chủ doanh nghiệp có cách sống, cách hành xử phi văn hóa, cả doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng và rất khó có hy vọng xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.
Có doanh nhân thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí với những lời “có cánh” về bí quyết làm ăn, cung cách quản lý hiện đại tại doanh nghiệp, về văn hóa doanh nghiệp, về sự đi lên, vượt khó của bản thân…
Trong các cuộc họp, nhân viên và cán bộ quản lý thường được nghe “sếp” huấn thị, lên lớp, dạy dỗ về chiến lược, cạnh tranh, quản lý con người… Và có những cuộc họp sếp dành quá nửa thời gian để chửi mắng nhân viên, kể cả đối với cán bộ quản lý cấp cao.
Nhiều người giỏi về làm việc tại công ty, chỉ tham dự vài cuộc họp, nghe chửi mắng, lên lớp vài lần, sức chịu đựng đã… cạn kiệt, đành cáo từ ra đi. Sau nhiều năm, quanh đi quẩn lại, chỉ thấy toàn người cũ ở lại làm việc - những người đã quen chịu đựng vì không còn con đường nào khác.
Họ tự an ủi: “Sếp chửi mặc sếp, cứ đến tháng trả lương là được”. Từ đó hình thành một thứ "văn hóa" cam chịu, nhẫn nhục trong doanh nghiệp, chỉ có ông chủ là đúng, ai không phục tùng thì tự giác ra đi.
Đó chỉ là một trong những “nét văn hóa” của người chủ doanh nghiệp mà nhân viên, khách hàng và người ngoài doanh nghiệp được chứng kiến. Ngay cả việc doanh nhân tự mình ca ngợi và phô trương một cách thái quá về những hoạt động từ thiện của doanh nghiệp cũng thể hiện một trình độ văn hóa không cao.
Không thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp khi chưa có một văn hóa doanh nhân lành mạnh, phù hợp với các giá trị của xã hội, đất nước, dân tộc. Hiện nay, không ít doanh nhân đang dùng quyền để thúc ép, áp đặt cho nhân viên những kiểu “văn hóa” không phù hợp, nếu không muốn nói là rất phản cảm, phi văn hóa. Một thứ văn hóa áp đặt, thúc ép, thiếu cơ sở cho niềm tin của nhân viên sẽ dẫn đến thất bại không tránh khỏi.
Trước khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân - người chủ doanh nghiệp nên bắt tay xây dựng văn hóa cho chính mình; xây dựng những giá trị cốt lõi, những triết lý sống, nguyên tắc sống lành mạnh, phù hợp; cụ thể hóa những giá trị, triết lý, nguyên tắc sống thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi và kiên trì thực hiện chúng.
Và rồi, hãy truyền lửa cho nhân viên, làm sao cho nhân viên cảm nhận và đặt trọn niềm tin vào những giá trị ấy thông qua việc cảm nhận và trực tiếp chứng kiến những hành vi của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Nên chăng, cần có những diễn đàn sâu rộng hơn cho chủ đề văn hóa doanh nhân, thay vì chỉ có văn hóa doanh nghiệp như hiện nay…
Các tin khác