Hệ thống kiến thức mang tính quy luật của Jack Canfield, Brian Tracy, John C. Maxwell xoay quanh 3 yếu tố cốt lõi như một ngôi nhà bao gồm: Thành công cá nhân làm nền móng, kinh doanh làm khung nhà và nghệ thuật lãnh đạo làm nóc nhà.
Trong đó thành công cá nhân giúp mỗi người có được cuộc sống hạnh phúc, kinh doanh tạo nên những giá trị to lớn cho xã hội và nghệ thuật lãnh đạo để giúp tổ chức luôn đi đúng hướng, phát triển bền vững và trường tồn.
Là Certified chính của Brian Tracy và John C. Maxwell, những bậc thầy hàng đầu thế giới về kinh doanh và lãnh đạo, theo anh thì vai trò của nhà quản lý và nhà lãnh đạo tại các Startup hiện nay là gì?
Mọi công ty mới thành lập đều thiếu thốn trăm bề. Vốn, kinh nghiệm, nhân sự, quy trình làm việc, nguồn khách hàng ổn định, sản phẩm chưa hoàn thiện… tất cả đều rất khó khăn và không chắc chắn. Khi bắt đầu khởi nghiệp, mọi thứ luôn rất mơ hồ.
Lúc này, vai trò của nhà lãnh đạo là tối quan trọng khi vừa làm việc, sản xuất, bán hàng; vừa động viên, khích lệ và truyền cảm hứng cho đội ngũ. Bạn phải giúp họ hiểu, tin tưởng và chấp nhận “đồng cam cộng khổ” vì mục tiêu chung.
Lợi thế lớn nhất của bạn lúc này là tốc độ. Bộ máy gọn nhẹ, quy mô nhỏ giúp doanh nghiệp dễ dàng thay đổi, biến chuyển mô hình một cách linh hoạt cho phù hợp với tình hình kinh doanh.
Vậy sau đó thì nhà lãnh đạo và nhà quản lý cần làm gì để doanh nghiệp phát triển?
Để đi được đường dài và phát triển lớn hơn, mọi thứ phải dần được hệ thống hóa thông minh và chặt chẽ hơn để tối ưu hiệu suất công việc. Bạn phải có một bộ máy nhân sự ổn định, quy trình làm việc hoàn chỉnh với những biểu mẫu, các hệ thống đo lường, báo cáo, giám sát rõ ràng… vai trò của nhà quản lý được bộc lộ rõ nét nhất trong giai đoạn này.
Cũng từ đây, quản lý và lãnh đạo song hành như một cặp bài trùng. Vai trò của nhà lãnh đạo là gây ảnh hưởng, xây dựng tầm nhìn, tạo ra sự thay đổi và phát triển trong khi nhà quản lý hệ thống hóa các quy trình, giữ cho hệ thống ổn định và giúp bộ máy vận hành trơn tru.
Công việc cần quản lý, con người cần lãnh đạo - nhà lãnh đạo tập trung vào các yếu tố con người trong khi nhà quản lý cần tối ưu hóa công việc. Khi cả hai hiểu được nguyên tắc này và phối kết hợp một cách hài hòa, DN sẽ ổn định và có cơ hội phát triển bền vững, trường tồn.
Theo anh, sự khác biệt lớn nhất giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo là gì? Và giữa hai người này, ai đóng vài trò quan trọng hơn trong DN?
Nhà lãnh đạo là người phải có tầm nhìn xa, hướng tới sự phát triển trong tương lai của DN. Trong khi đó, nhà quản lý quan tâm đến hiệu suất, sự ổn định của tổ chức và giải quyết các vấn đề trong hiện tại. Đây chính là điểm khác biệt cốt lõi của nhà quản lý và lãnh đạo.
Nếu ví thành công là một đích đến thì nhà lãnh đạo tìm đúng hướng đi và nhà quản lý sẽ xây dựng con đường, giúp nó thông thoáng, bằng phẳng và vững chải. Thiếu nhà lãnh đạo, DN khó phát triển còn thiếu đi nhà quản lý, sự phát triển sẽ gian nan hơn bội phần.
Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, ổn định và phát triển DN. Tuy vậy, vai trò của nhà lãnh đạo luôn quan trọng hơn. Thực tế cho thấy các DN có thể có nhiều nhà quản lý, nhưng chỉ luôn có duy nhất một nhà lãnh đạo thực sự đứng đầu. Việc thay thế nhà quản lý cũng diễn ra phổ biến hơn so với nhà lãnh đạo.
Giữa quản lý và lãnh đạo thường có sự mâu thuẫn với nhau khi nhà quản lý hướng đến sự ổn định còn nhà lãnh đạo lại chú trọng phát triển. Quan điểm của anh về vấn đề này là như thế nào?
Trong quá trình đào tạo, tư vấn và nghiên cứu, tôi nhận thấy rất nhiều nhà lãnh đạo trẻ mắc chung một lỗi đó là đi quá nhanh với những sáng tạo của mình. Họ thường có những ý tưởng táo bạo và đòi hỏi tổ chức phải thay đổi liên tục để hiện thực hóa những ý tưởng này.
Tuy vậy, những sáng tạo trên thường thiếu chiều sâu, không thực tế hoặc không được thực hiện một cách trọn vẹn đến cùng. Nó khiến các nhà quản lý đau đầu trong việc phải loay hoay đổi mới và thay đổi quy trình vận hành tổ chức liên tục mà không thu lại kết quả khả quan. Đó là nguyên nhân dẫn đến thuẫn cố hữu giữa quản lý và lãnh đạo.
Để giải quyết vấn đề này cần có hỗ trợ và thấu hiểu nhau từ cả hai bên. Nhà quản lý cần cải thiện năng lực thích nghi với sự thay đổi, hiểu rõ hơn về tâm lý con người và tầm nhìn về thị trường. Nhà Lãnh đạo cần học những kỹ năng quản lý vi mô, rèn luyện khả năng giám sát, tìm hiểu về quy trình vận hành và có cái nhìn thực tế hơn trong những định hướng phát triển cho công ty.
Ngoài việc học hỏi thêm về quản lý, đâu là những kỹ năng quan trọng nhất cần có của một nhà lãnh đạo hàng đầu?
John C. Maxwell luôn khẳng định: “Nghệ thuật lãnh đạo là tạo ảnh hưởng, không hơn, không kém”. Người có sức ảnh hưởng lớn thu hút mọi người nhờ nhân cách, năng lực, bản lĩnh và tầm nhìn của mình. Họ chiếm được niềm tin của tập thể một cách hoàn toàn tự nhiên và vô điều kiện mà không cần đàm phán, thỏa thuận hay ép buộc bất kỳ ai.
Đối với DN, nhà lãnh đạo cần phải làm được điều này với nhân viên của mình, bao gồm cả những nhà quản lý hàng đầu. Khi tất cả nhân viên đều đồng tâm nhất trí, tin tưởng tuyệt đối và sẵn sàng chấp nhận mọi sự thay đổi đặt ra, nhà lãnh đạo mới thực sự thành công.
Là một nhà đào tạo, huấn luyện về kinh doanh và lãnh đạo, theo anh đâu là sai lầm thường gặp nhất ở các nhà lãnh đạo trẻ hiện nay?
Nhiều nhà khởi nghiệp đang quá tập trung vào các hoạt động bên ngoài mà quên mất đi việc nâng cấp nội lực bên trong. Họ đầu tư vào Marketing và phát triển thị trường, làm cho doanh nghiệp phát triển quá nhanh khi đội ngũ chưa vững vàng, quy trình còn nhiều lỗ hổng và sản phẩm chưa tối ưu.
Khi doanh nghiệp tăng trưởng quá nóng, nhà sáng lập thiếu bản lĩnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình. Đây chính là quy luật nắp chặn nổi tiếng của John C. Maxwell. Theo đó, khi nhà lãnh đạo chậm phát triển hơn chính doanh nghiệp của mình, anh ta sẽ trở thành nắp chặn ngăn cản DN đi lên.
Bi kịch của CEO Travis Kalanick khi bị chính Uber sa thải là minh chứng rõ nét nhất cho quy luật này. Trong thông báo hồi đầu năm, ông đã từng thẳng thắn thừa nhận “cần giúp đỡ về mặt lãnh đạo" và cho biết sẽ "phải thay đổi với tư cách là một người đứng đầu". Đáng tiếc, ông đã không có đủ thời gian để cứu vãn tình hình.
Như vậy, các nhà khởi nghiệp nên làm gì để tránh rơi vào vết xe đổ này?
Giải pháp cho vấn đề này gồm 2 bước. Đầu tiên, hãy thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng của DN và luôn giữ cho mọi thứ nằm trong khả năng kiểm soát của mình bằng thực nghiệm đơn giản sau:
Giả định rằng tất cả nhân viên của bạn sẽ đồng loạt nghỉ việc, liệu bạn có thể tự mình lèo lái và tiếp tục xây dựng, phát triển DN với một đội ngũ mới hay không? Nếu câu trả lời là có, bạn vẫn đang kiểm soát được công ty của mình.
Bước tiếp theo là luôn rèn luyện và học hỏi để phát triển bản thân mình một cách toàn diện. Trong đó, kỹ năng quản lý và lãnh đạo phải luôn được bồi dưỡng và nâng cấp liên tục. Chỉ có như vậy, bạn mới tiếp tục điều hành DN của mình ổn định trong hiện tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất sâu sắc và chúc anh ngày càng thành công hơn!
Theo: Tri thức trẻ