Kiến nghị giãn lộ trình đóng BHXH trên tổng thu nhập
 

Theo lộ trình thì đến năm 2018, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo các doanh nghiệp, trước bối cảnh khó khăn và bất định của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là triển vọng mù mịt về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ nên giãn lộ trình áp dụng quy định trên để khoan sức doanh nghiệp.

Giờ cơm trưa tại một doanh nghiệp may. Ảnh: HẢI NGUYỄN
 Gánh nặng cho doanh nghiệp

Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao (văn phòng tổng giám đốc) Công ty Canon Việt Nam, cho hay hiện nay tỷ lệ đóng BHXH với doanh nghiệp là 22%, người lao động 10,5%. Như vậy, tỷ lệ đóng BHXH của doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang cao hơn so với các nước khác rất nhiều.

Canon kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc giảm tỷ lệ đóng này xuống để tăng tính cạnh tranh về chi phí nhân công của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, điều 89, Luật BHXH 2014 quy định từ đầu năm 2018 trở đi, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Theo bà Huyền, quy định này không hợp lý và gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp do phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác sẽ thay đổi phụ thuộc vào chất lượng công việc, năng suất lao động của người lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là con số biến động hàng tháng nên rất khó khăn để tính toán mức đóng. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu suy thoái, tăng mức đóng sẽ làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là với triển vọng mờ mịt về TPP. Nếu không có sự thay đổi và chia sẻ gánh nặng từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, người lao động sẽ bị mất việc làm.

Cũng liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thiên Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay bước sang năm 2017, không chỉ May 10 mà cả ngành dệt may trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Nếu có đơn hàng thì cũng rất “xương” khi khách hàng yêu cầu giảm giá tới 20- 30% trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo thu nhập của người lao động không giảm xuống.

Theo bà Lý, ngành may đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Campuchia, Myanmar và Bangladesh. Nếu như trước năm 2000, kỹ năng lao động của những nước này rất thấp thì nay họ cũng có thể may được complet như Việt Nam. Hơn nữa, những nước này lại có nhiều lợi thế như lương tối thiểu thấp và hàng hóa xuất khẩu từ những nước này sang EU, Mỹ không bị đánh thuế trong khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ phải chịu thuế 12%.

“Chúng tôi đang tính toán, đến khi xác định được lương đầy đủ, tức khi có Luật Tiền lương tối thiểu, xác định được toàn bộ tiền lương của người lao động, lúc đó sẽ bắt đầu tính toán giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp xuống”.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông Đinh Việt Thanh, Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính, Tổng công ty May 10, cho hay khó khăn bủa vây ngành dệt may khi TPP nhiều khả năng không được thực thi. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động thông qua việc đóng BHXH ngày càng tăng lên.

“Chúng tôi tìm được điểm phá sản nếu áp dụng đúng theo lộ trình đóng BHXH”, ông Thanh nói và cho biết thêm đây là thực tế sẽ xảy ra trong ngành dệt may vì tốc độ tăng lương tối thiểu nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động và tăng cũng nhanh hơn so với tốc độ trượt giá.

Điểm rơi đó, theo ông Thanh là nghĩa đen, khi doanh nghiệp không làm gì để thay đổi. Nhưng doanh nghiệp thì luôn vận động để tồn tại và những thay đổi của doanh nghiệp sẽ đẩy tổn thương cho xã hội thông qua việc thu hẹp sản xuất, bán nhà máy hoặc chuyển sang ngành nghề khác, thay thế máy móc để giảm lao động, giảm các khoản chi phí đóng BHXH...Như vậy, một lượng lớn lao động sẽ mất việc.

Hiện nay, để tồn tại, một phần diện tích dôi dư của May 10, thay vì dùng để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp này đã tận dụng làm việc khác nhằm giảm chi phí sản xuất.

Vẫn tiếp tục kiến nghị giãn lộ trình

Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương. Theo đó, phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Từ đầu năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay lẽ ra tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải được thực hiện ngay khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực nhưng do đất nước đang gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, kinh tế thế giới khó khăn, doanh nghiệp khó khăn nên Quốc hội đồng ý kéo dài lộ trình thực hiện đến năm 2018.

“Đến năm 2016, Chính phủ đã đi một bước lộ trình, tức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương cộng thêm chỉ những khoản phụ cấp có tính chất lương. Nếu sau này có đi hết lộ trình thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ không tăng nhiều”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cũng đồng ý hiện nay tỷ lệ đóng BHXH của doanh nghiệp có cao so với quốc tế nhưng nó chỉ cao về tỷ lệ còn về con số tuyệt đối lại thấp hơn. “Chúng tôi đang tính toán, đến khi xác định được lương đầy đủ, tức khi có Luật Tiền lương tối thiểu, xác định được toàn bộ tiền lương của người lao động, lúc đó sẽ bắt đầu tính toán giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp xuống”, ông Lợi nói.

Thay mặt Hiệp hội Ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan giãn lộ trình đóng BHXH trên tổng thu nhập vào năm 2018. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mức đóng BHXH của doanh nghiệp Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực, vì vậy, phải có cách thức nào đó để giãn lộ trình thực hiện, giảm một số khoản phải đóng BHXH. “Nếu để mức đóng BHXH cao như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có khả năng cạnh tranh khi họ còn đang phải đối mặt với một loạt thách thức rất lớn”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, các cơ quan đang nghiên cứu và sẽ có thay đổi trong chính sách của Nhà nước về mức đóng BHXH. Còn mức độ giải quyết như thế nào thì phải dựa trên cơ sở tính toán, cân nhắc và thống nhất giữa các bên liên quan nhưng chắc chắn phải có thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
                                                                                                       Theo: Thesaigontimes.vn


Các tin khác