Các công ty chứng khoán và công ty chưa niêm yết cổ phiếu đang chuẩn bị để tháng 6/2009 giao dịch trên “sàn” mới - UPCoM. Theo các chuyên gia, người sở hữu cổ phiếu chưa niêm yết cũng cần tập làm quen để có thể giao dịch tại UPCoM.
UPCoM là thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức. Tuy không tổ chức như sàn Hà Nội và TP.HCM nhưng đây cũng được xem là “sàn” vì các quy định chặt chẽ như giao dịch trên sàn.
Chào mời vào UPCoM
Triển khai dịch vụ mua bán chứng khoán chưa niêm yết (OTC) vào đầu tháng 8/2008, đến nay Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đang chuyển hướng và chuẩn bị mọi điều kiện để có thể sẵn sàng tham gia sàn UPCoM.
Ông Nguyễn Việt Hải, tổng giám đốc ACBS, cho biết đã gửi danh sách những công ty đại chúng do ACBS quản lý sổ cổ đông lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) để có thể giao dịch tại UPCoM. ACBS cũng chuẩn bị những sản phẩm để chào mời, khuyến khích các doanh nghiệp vào UPCoM.
Chưa bắt buộc Hiện chưa có quy định buộc các công ty đại chúng phải tham gia UPCoM, mà chỉ yêu cầu công ty đại chúng đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung. Theo quy định, công ty đại chúng không đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung tại trung tâm lưu ký sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Nếu quy định này được thực hiện nghiêm, hơn 900 công ty đại chúng sẽ phải tập trung lưu ký, khả năng các công ty sẽ tự nguyện vào UPCoM tăng lên nhiều do phải đáp ứng các yêu cầu chuyển nhượng của cổ đông. |
Tuy nhiên, ông Hải cho hay nhiều doanh nghiệp chưa muốn tham gia UPCoM, lý do là phải đáp ứng minh bạch thông tin theo quy định công bố thông tin của SSC. Bên cạnh đó, khi tham gia UPCoM thì cổ phiếu của doanh nghiệp được chuyển nhượng tự do như cổ phiếu niêm yết... khiến nhiều hội đồng quản trị công ty đại chúng ngại xảy ra mất khả năng kiểm soát hoạt động chuyển nhượng của cổ đông.
Theo ông Phạm Linh - tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế (VIS), hiện công ty quản lý sổ cổ đông khoảng 12 công ty thì đã có năm công ty có dự định tham gia UPCoM. Trước mắt sẽ có hai công ty tham gia. Ông Linh cho biết sẽ thực hiện tư vấn về việc công bố thông tin và quy trình giao dịch tại UPCoM cho các công ty đại chúng theo đúng quy định của SSC.
Một lãnh đạo của Công ty chứng khoán Đại Việt (DVSC) cho biết tham gia UPCoM, cổ phiếu có tính thanh khoản hơn, doanh nghiệp phải chú trọng công bố thông tin hơn nên tạo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi cũng như giảm thiểu các rủi ro mà nhà đầu tư thường gặp khi giao dịch trên thị trường OTC hiện nay.
Như sàn niêm yết
Theo quy định của SSC, các quy định về lưu ký, đăng ký chứng khoán trên sàn UPCoM đều tương tự như chứng khoán niêm yết. Thị trường UPCoM áp dụng duy nhất hình thức bù trừ đa phương, với thời hạn thanh toán là T+3. Với quy định này, đến ngày thứ tư kể từ ngày giao dịch, chứng khoán hoặc tiền mới về tài khoản của nhà đầu tư.
Hiện thời gian thanh toán của các giao dịch trên thị trường OTC đều do người mua và người bán tự thỏa thuận. Đặc biệt với thị trường UPCoM, nếu phát sinh lỗi, giao dịch sẽ bị loại bỏ mà không được phép sửa lỗi sau giao dịch. Sau khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ để đăng ký giao dịch, thời gian xem xét hồ sơ chỉ năm ngày.
Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tiếp xúc với các công ty đại chúng để thuyết phục các công ty này đưa cổ phiếu vào giao dịch tại UPCoM. Riêng với nhà đầu tư, nếu đã có tài khoản tại công ty chứng khoán thì dùng luôn tài khoản đó, chưa có thì mở tài khoản.
Nhà đầu tư có thể mua bán tại UPCoM qua các công ty chứng khoán là thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, do UPCoM không có sàn giao dịch nên chỉ các công ty chứng khoán đang thực hiện giao dịch từ xa mới tham gia được.
An toàn hơn OTC
Tại UPCoM, công ty chứng khoán trở thành một thành phần không thể thiếu khi đóng vai trò là tổ chức cam kết hỗ trợ, đơn vị trung gian kết nối giữa nhà đầu tư, công ty với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thông qua UPCoM, nhà đầu tư sẽ giảm thiểu thời gian tìm kiếm đối tác, giảm thiểu các rủi ro, tiết kiệm chi phí giao dịch, đảm bảo công khai giá và khối lượng giao dịch.
Quy trình quản lý rủi ro của “sàn” này rất an toàn, theo đó người mua cổ phiếu phải đảm bảo có tiền, người bán cổ phiếu phải đảm bảo có cổ phiếu. Khi giao dịch mua bán thành công, số dư chứng khoán sẽ được chuyển ngay vào tài khoản của người mua. Tiền cũng được chuyển ngay vào tài khoản của người bán. Còn các công ty có cơ hội quảng bá rộng rãi về mặt thương hiệu, tăng thị phần, tạo thuận lợi trong việc huy động vốn khi công ty có nhu cầu.
Theo M.Khanh-Ngọc Trung
Tuổi Trẻ