Chữ ký đủ thẩm quyền chỉ là một trong nhiều cách thức bảo vệ hoạt động kinh doanh của bạn khi ký kết bản hợp đồng. Hãy đối mặt với một thực tế: Không quan tâm tới bạn nỗ lực hết mức ra sao để tránh xa nó, một ngày nào đó, bạn và công ty của bạn có thể không may mắn kết thúc một tranh chấp hợp đồng tại toà án với những phán quyết bất lợi.
Đặt những lời nói đùa sang một bên, Chris Kelleher, phụ trách chuyên mục “Pháp lý” của tạp chí Entrepreneur và là luật sư tư vấn kiêm chủ tịch hãng luật The Law Firm For Businesses chuyên giúp các chủ doanh nghiệp giải quyết sáng tạo các vấn đề pháp lý kinh doanh của họ, khẳng định rằng rất ít doanh nghiệp sẽ phủ nhận thực tế việc có mặt tại toà án luôn phức tạp và tốn kém chi phí, không chỉ về mặt các chi phí pháp lý liên quan mà còn bao hàm các nội dung phán quyết của toà án dẫn tới các chi phí khác phát sinh.
Hơn thế nữa, không ít trường hợp bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian quý giá, mối quan tâm và suy nghĩ khi phát sinh một tranh chấp pháp lý, trong khi nếu bản hợp đồng được soạn thảo chặt chẽ thì tất cả các khoản tiền bạc, thời gian và công sức này sẽ được dành cho công việc phát triển kinh doanh.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề pháp lý, Kelleher đưa ra 5 bí quyết giúp các doanh nghiệp tránh xa các tranh chấp tại toà án, hay nâng cao cơ hội chiến thắng khi có mặt ở đó.
1) Đưa thêm điều khoản “Bên thua kiện sẽ chịu toàn bộ các chi phí pháp lý phát sinh” vào các bản hợp đồng, thoả thuận kinh doanh của bạn
Thường là một cú sốc lớn với nhiều chủ doanh nghiệp khi họ thấy rằng pháp luật thường không có quy định rằng họ được bù đắp các chi phí pháp lý thậm chí cả khi thắng kiện. Bên thua kiện chỉ phải trả chi phí tố tụng mà không phải là các chi phí luật sư, chi phí pháp lý khác cho bên thắng kiện.
Song, nếu trong bản hợp đồng có điều khoản “bên thua kiện trả toàn bộ các chi phí pháp lý”, toà án thường sẽ quyết định cho bạn được bù đắp các chi phí này bởi bên thua kiện. Hơn thế nữa, mối lo về việc phải trả các khoản tiền này có thể hạn chế những tranh chấp kiện tụng không đáng có và đưa các bên ngồi xuống bàn đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.
2) Đưa thêm điều khoản “ràng buộc trọng tài” vào những bản hợp đồng hay thoả thuận kinh doanh quan trọng của bạn
Tại hầu hết pháp luật của các quốc gia, các bên có thể tránh việc giải quyết tranh chấp tại toà án nếu họ có thoả thuận điều khoản giải quyết tại trọng tài trong bản hợp đồng thay cho toà án.
Đa phần các trường hợp, giải quyết tranh chấp thông qua con đường trọng tài sẽ nhanh chóng và ít tốn kém hơn tại toà án. Ngoài ra, tranh chấp khi giải quyết trọng tài sẽ được bảo mật, không như các vụ kiện tại toà án bị buộc phải công khai.
3) Nếu bạn phải đương đầu với vụ kiện tụng toà án, hãy kiểm tra các đại lý bảo hiểm xem liệu tranh chấp hay vụ kiện có nằm trong các Đơn bảo hiểm kinh doanh của công ty hay không
Nhiều chủ doanh nghiệp không rõ ràng mình có những bảo hiểm gì và liệu các Đơn bảo hiểm của doanh nghiệp có bao trùm các trách nhiệm pháp lý hay không.
Thay vì chỉ giả định rằng một tranh chấp hay một vụ kiện không nằm trong các bảo hiểm của doanh nghiệp, tốt nhất bạn nên kiểm tra với các đại lý bảo hiểm. Nếu tranh chấp hay vụ kiện nằm trong các đơn bảo hiểm, thường thì công ty bảo hiểm được yêu cầu trả các khoản chi phí pháp lý liên quan.
4) Mua trước các đơn bảo hiểm trách nhiệm bổ sung để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro kinh doanh
Các đơn bảo hiểm trách nhiệm kinh doanh có thể bao trùm nhiều vấn đề khác nhau, song không thể tất cả các vấn đề được. Điều cuối cùng bạn muốn tìm ra sau khi bị kiện đó là bạn có thể đã có một đơn bảo hiểm bổ sung cho loại hình tranh chấp hiện tại của doanh nghiệp.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp của bạn có một tỷ lệ nhân viên đến và đi khá lớn, và là mục tiêu của những vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan tới đối xử nhân viên, bạn nên xác định xem cần mua đơn bảo hiểm nào để có được các khoản tiền bảo hiểm đối với loại hình tranh chấp này.
Tương tự, nếu hoạt động kinh doanh của bạn có số lượng các quảng cáo lớn, bạn nên tìm tới các đơn bảo hiểm hoạt động quảng cáo để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các kiện tụng, tranh chấp có liên quan.
5) Đưa điều khoản “giới hạn trách nhiệm hay thiệt hại” vào các hợp đồng hay thoả thuận kinh doanh quan trọng
Nếu bạn đang giao dịch với một đối tác kinh doanh nào đó, sẽ tốt hơn cả với điều khoản trong bản hợp đồng quy định về mức giới hạn thực tế của khoản tiền trách nhiệm hay thiệt hại mà bạn có thể phải chịu nếu có điều gì đó sai.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp bạn ký một Hợp đồng lắp đặt hệ thống máy tính trị giá 10.000 USD. Trong hợp đồng đó cần có điều khoản giới hạn trách nhiệm của bạn cho những sai sót, lơ đễnh và khoản tiền bồi thường thiệt hai có thể bị kiện không vượt quá 10.000 USD.
Lúc này bạn đã biết rõ 5 bí quyết thành công trong giải quyết tranh chấp pháp lý, bạn cũng nên biết rằng việc thực thi nó không phải là nhiệm vụ cần làm một mình. Hãy thảo luận các vấn đề này với các luật sư hay các đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bạn để đảm bảo rằng bạn có thể tận dụng tối đa những lợi thế từ các bí quyết này.
Đừng chậm trễ. 5 bí quyết kiện tụng này có thể tiết kiệm đáng kể cho bạn thời gian, công sức và tiền bạc, song chỉ khi bạn phải sở hữu được chúng trước khi ra toà, chứ không phải sau đó.
bwportal.com.vn