Vỡ mộng KCN và những hậu quả khó lường
Tỉnh nào cũng hăng hái thu hồi đất, đầu tư cho khu công nghiệp, nhưng hiệu quả không như mong muốn, mà còn để lại những hậu quả khó lường.

Nếu xét về tồng thể, cả nước đang có 260 KCN được thành lập ở tất cả các địa phương, với tổng diện tích là khoảng 71.395 ha đất. Ấy thế nhưng, mới chỉ có khoảng 46% đất trong các khu công nghiệp này được lấp đầy, điều đó có nghĩa là gần 38.000 ha đất đang bị bỏ hoang hoặc qui hoạch treo phục vụ cho mục tiêu phát triển khu công nghiệp. Lý giải câu chuyện tỉnh nào cũng ào ào thu hồi đất nông nghiệp để phát triển KCN… rồi bỏ hoang như thế nào?

“Vỡ mộng KCN” đó là cách nói của Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kinh tế của Quốc hội ông Lê Quốc Dũng khi ông này cùng các đoàn đại biểu Quốc hội đi khảo sát tình hình phát triển KCN ở nhiều tỉnh, thành phố phát hiện tỷ lệ lấp đầy rất thấp.

 

Khu công nghiệp (Ảnh có tính chất minh hoạ)

Được phân cấp mạnh, lãnh đạo nhiều địa phương luôn muốn tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ bằng mọi giá nên đua nhau trải thảm đỏ để lôi kéo, mời gọi các nhà đầu tư.

Theo ông Lê Quốc Dũng, thực tế đã khác xa với kỳ vọng của lãnh đạo nhiều địa phương. Nhiều địa phương có ý đồ làm ăn lớn, làm nhanh, làm vội, không cân đối, cứ tưởng mở ra là doanh nghiệp vào, nhưng thực chất là số lượng doanh nghiệp chỉ có thế thôi. Hiện nay cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp, thực chất hoạt động chỉ hơn 360.000 doanh nghiệp. Đây là sự phát triển không cân đối, không hợp lý, lấy đất giá rẻ để đấy, nhiều địa phương cũng không đủ tiền để xây dựng điều kiện hạ hầng như giao thông, điện, nước, xử lý môi trường… Có thực trạng xí phần, nhận chỗ. Có khi diện tích thì rất lớn, nhưng chỉ làm nhà xưởng để đấy, hoạt động thì lèo tèo, cuối cùng thì trống nhiều, cả nước hiện nay chỉ có 50% số KCN lấp đấy với diện tích lớn, nhiều khu công nghiệp để mấy trăm ha vài năm nay. Bác Giang, Hà Nam, Hải Dương có… rất nhiều.

Ông Phạm Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, cho rằng nguyên nhân là do phát triển KCN ở ta đã được nhìn nhận quá lạc quan. Nhưng cũng không thể phủ nhận có “ẩn chứa” các lợi ích nhóm: “Địa phương lách được gì thì cứ lách, thực tế có chính sách hỗ trợ địa phương khó khăn, hỗ trợ phát triển khu công nghiệp. Địa phương xin được cứ xin, chưa kêu gọi được cũng cứ xin cứ làm, để có hỗ trợ từ ngân sách, không kêu gọi được thì cứ để đấy. Làm việc theo hệ thống nhiệm kỳ, hết nhiệm kỳ là thôi, xoay được cái gì thì xoay, chạy được cái gì thì chạy, không cần tính xa. Cuối cùng thì khổ mỗi nông dân mất đất, thu hồi của dân rồi để thì có tội thật!”.

Còn chuyên gia kinh tế GSTS Phạm Tất Thắng thẳng thắn: Nhiều các địa phương xây dựng các khu chế xuất nhưng là để lách một việc là sử dụng các quỹ đất nông nghiệp có lý do chính đáng và khi đã có được một cái khu chế xuất rồi sau đó thì đợi một thời gian, lại làm một số các thủ tục khác để chuyển đổi theo mục đích khác có lợi hơn. Trên thực tế, nhiều khu chế xuất của chúng ta chỉ mới dừng lại ở cái khâu giải toả đất đai, xây dựng một cái hàng rào và làm một con đường vào thế thôi, chứ nội bộ trong đó chưa làm được cái gì. Chính vì vậy không hấp dẫn được các nhà đầu tư kể cả trong nước và ngoài nước, đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên đất.

Hiện tượng bỏ trống KCN cũng xuất phát từ nguyên nhân dự báo và quản lý đầu tư cả trong nước và nước ngoài của địa phương và cả trung ương chưa chuẩn. Không ít nhà đầu tư thiếu nghiêm túc, xin dự án và rồi xí chỗ mà không làm gì. Ông Phạm Bá Tùng, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam thừa nhận một thực tế, đã đến lúc phải thận trọng hơn trong phát triển: “Sẽ có 2 điều tỉnh rút kinh nghiệm trong việc phát triển KCN. Một là phải lựa chọn nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN để tránh việc chậm tiến độ và hiệu quả thấp. Thứ 2 là sẽ giãn tiến độ xây dựng mới các KCN để phù hợp với tình hình thực tế là đất khu công nghiệp đang bị bỏ hoang, tỷ lệ lấp đầy thấp”.

Trong khi đó, hệ lụy của KCN bỏ hoang quá rõ, trước tiên là người nông dân mất đất và có sự lãng phí đến xót xa về đất nông nghiệp. Thứ đến là sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiếp đến là việc giải quyết ra sao về việc làm cho người nông dân mất đất lúa, đất nông nghiệp, rồi cả câu chuyện đầu lưỡi "trồng cây gì, nuôi con gì?

Trước thực trạng này, Chuyên gia Phạm Tất Thắng lo lắng: “Ở các địa phương người dân không được vào các khu chế xuất khu công nghiệp lại nhao ra thành phố. Các thành phố và các khu công nghiệp lúc đó xảy ra tình trạng tắc nghẽn, tạo nên một cái vùng xoáy rất xấu cho việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Điều này nếu như không xử lý được thì rất nguy hiểm. Có một câu mà người ta hay nói “li nông bất li hương” là rất đúng nhưng trên thực tế thì có bao nhiêu % thanh niên đến tuổi lao động tìm được việc làm ở khu nông thôn của mình? Chúng ta thử nhìn lại khu nông thôn của chúng ta hiện nay chỉ có ông bà già và người khuyết tật còn lại thôi, còn thanh niên trai tráng đi hết, phụ nữ cũng đi. Đây là một vấn đề cực lớn nếu như không giải quyết ở tầm vĩ mô”.

Người ta sẽ giật mình với những con số, rằng vào thời điểm này, mỗi ngày các KCN thải 225.000m3 nước thải công nghiệp mà mới chỉ có chừng 30% số đó được xử lý và cũng chỉ có 50% của 30% số nước được xử lý ấy đạt tiêu chuẩn quy định... Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi tường của Quốc hội thông tin, cả 2 mục tiêu đảm bảo công nghệ và môi trường trong KCN đều không đạt được: “Tôi đã đi giám sát 50- 70 KCN từ Bắc đến Nam, tỷ lệ khu công nghiệp, có nhà máy nước tập trung rất thấp, theo báo cáo 60-70% nhưng trên thực tế vận hành thì tỷ lệ ít hơn nhiều.”.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, chúng ta phải tăng cường khâu giám sát. “Nếu không xử lý sớm vấn đề môi trường, hậu quả sau này sẽ tốn kém hơn. Việc mở các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nên cơ quan quản lý thường nặng về đầu tư, còn về công nghệ, môi trường giai đoạn đầu thường hay nhượng bộ. Vì thế số lượng doanh nghiệp công nghệ cao, bảo đảm công nghệ môi trường là còn ít. Còn về mặt chính sách pháp luật, các khu công nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ sở sở sản xuất đều phải tập trung xử lý nội bộ đạt tiêu chuẩn rồi sau đó xử lý tập trung. Thế nhưng do kiểm soát yếu, do điều kiện kinh tế, đặt vấn đề môi trường cao thì các doanh nghiệp không chịu nổi. Chúng ta thỏa hiệp, nhượng bộ thì tình hình ngày càng phức tạp hơn về môi trường”- ông Khải nói./.
                                                                                                                                   Theo vov.vn


Các tin khác