Sau khi trạm thu phí cầu Đồng Nai đưa vào hoạt động gây kẹt xe hôm 8-4, nhiều nhà xe tiếp tục than phiền “ra ngõ gặp trạm”, trạm thu phí đang “bao vây” các doanh nghiệp vận tải. Chủ các nhà xe cho hay không tăng giá cước lợi nhuận sẽ giảm, còn tăng được giá cước thì hành khách thiệt thòi.
Ngày 9-4, chúng tôi đã theo một xe tải 3 trục (tải trọng 10 tấn đến dưới 18 tấn) đi từ Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương) chở hàng về huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Tài xế Hải lái xe dừng lại trạm thu phí ngã tư Bình Thung mua vé 20.000 đồng/lượt rồi chạy vài cây số đến tiếp trạm thu phí Bình Thắng (đều thuộc thị xã Dĩ An) trả tiền thêm 10.000 đồng/lượt để qua trạm. Anh Hải chạy tiếp ra ngã ba Tân Vạn qua cầu Đồng Nai ghé vào trạm thu phí mua vé với mức 60.000 đồng/lượt rồi hướng về quốc lộ 51.
Đến trạm thu phí T1 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa), anh Hải lấy thêm 80.000 đồng trả tiền vé để qua trạm này. Tổng cộng anh Hải đã trả phí hết 170.000 đồng cho một chiều đi với cung đường chưa đầy 30km, qua bốn trạm thu phí! Chúng tôi hỏi cùng một loại xe nhưng sao mỗi trạm thu giá khác nhau, anh Hải nói: “Chẳng thể hiểu nổi. Mấy bữa trước có ba trạm đã ngộp, nay thêm trạm thu phí ở cầu Đồng Nai mới ngán”.
Trạm như... mạng nhện!
Tìm gặp nhiều tài xế thường chạy xe tải từ TP.HCM về địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước hỏi chuyện trạm thu phí ai cũng lắc đầu ngao ngán. Anh Dũng, một tài xế thường chở nhôm từ TP.HCM cung cấp cho các điểm ở Biên Hòa, kể: “Giao hàng ngoài quốc lộ 1 đã gặp trạm, vào ra trung tâm Biên Hòa giao hàng không gặp trạm ở đường Đồng Khởi, đường Bùi Hữu Nghĩa thì gặp trạm ở quốc lộ 1K”. Anh Dũng bức xúc chỉ trong một năm đã có hai trạm thu phí ngay trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai “bao vây” xe cộ đi qua.
“Trạm thu phí ở huyện Trảng Bom rồi nay thêm trạm ở cầu Đồng Nai. Nếu đi từ TP.HCM về giao hàng ở ngã tư Dầu Giây phải qua ít nhất ba trạm. Toàn tuyến đi khoảng 60km phải trả phí cả lượt đi lượt về cho các trạm thì nhà xe chỉ có... khóc” - anh Dũng buông lời.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các tuyến đường nối các tỉnh tại khu vực Bình Dương - Đồng Nai - Bình Phước thì không có tuyến đường nào có dưới hai trạm thu phí. Tuyến đường ĐT743 nối Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới cầu Hóa An (Đồng Nai) có tới ba trạm thu phí.
Cũng tuyến đường ĐT743 nhánh nối ra quốc lộ 1 hay nhánh nối ra quốc lộ 1K cũng đều có trạm thu phí. Tuyến đường ĐT741 từ Bình Dương tới Bình Phước có tới ba dự án BOT với bốn trạm thu phí, trong đó tại Bình Dương có một trạm và Bình Phước tới ba trạm.
Ông Trần Thanh Bảo - trưởng phòng điều hành Công ty TNHH dịch vụ vận tải Thiên Phú, đơn vị có xe đò hoạt động ở bến xe Miền Đông (TP.HCM) - cho biết từ bến xe Miền Đông đến Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ hơn 110km mà xe phải “bò” qua đến bốn trạm thu phí gồm: trạm cầu Bình Triệu, trạm cầu Đồng Nai, trạm thu phí ngã ba Thái Lan (quốc lộ 51, Đồng Nai) và trạm Lam Sơn (quốc lộ 51, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ông Trần Bình - một chủ xe - cho biết nếu đi từ trạm thu phí Rạch Chiếc - xa lộ Hà Nội (TP.HCM) qua cầu Đồng Nai đến Trảng Bom (Đồng Nai) khoảng 40km phải qua ba trạm thu phí, trong khi Nhà nước quy định trên một trục đường khoảng cách giữa hai trạm thu phí là 70km.
Các trạm thu phí mọc lên bao quanh khu vực cửa ngõ TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu - Nguồn: Hà Mi - Đồ họa: N.Khanh
Đường xấu, phí cao
“Mạng nhện” trạm thu phí ở các tuyến đường nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước, Bình Dương - Đồng Nai trở thành nỗi lo của nhà xe, tài xế. Nhưng họ còn ám ảnh hơn khi ở không ít nơi trạm thu phí mọc lên, đường cứ xấu và giá vẫn tăng. Cụ thể tại Bình Phước, đoạn quốc lộ 13 chưa đầy 70km nhưng được “chẻ” tới hai dự án BOT: Tham Rớt (giáp Bình Dương) - Bình Long và An Lộc (Bình Long) - Chiu Riu (huyện Lộc Ninh).
Trong đó, dự án An Lộc - Chiu Riu đang thi công bầy hầy nhưng đã được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho đặt trạm thu phí tại km 105+700 thuộc xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, cách trạm thu phí đã có tại km 90+300 của dự án Tham Rớt - Bình Long chưa đầy 30km. Không những vậy, sau khi dự án An Lộc - Chiu Riu hoàn thành, chủ đầu tư còn có thể được đặt thêm một trạm thu phí ở cuối dự án (dù dự án này chỉ dài hơn 32km).
Cũng tại Bình Phước, nếu như trước đây ôtô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn qua mỗi trạm thu phí của dự án quốc lộ 13 Chơn Thành - Bình Long chỉ phải đóng 10.000 đồng/trạm thì đầu năm 2015 đã tăng lên tới 20.000 đồng/trạm. Việc tăng giá được HĐND tỉnh Bình Phước ra nghị quyết. Không chỉ vậy, HĐND tỉnh Bình Phước cũng đã thông qua nghị quyết cho phép tăng phí dự án đường ĐT741 (Đồng Xoài - Phước Long).
Mức tăng phí của các dự án này đều từ 50%, cá biệt dự án quốc lộ 13 Chơn Thành - Bình Long tăng tới 100% trong lúc nhiều đoạn đường còn rất xấu. Cùng trên quốc lộ 13 nhưng mức thu phí của Bình Phước cao hơn dự án BOT thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (thu 15.000 đồng/trạm).
Tăng vé xe do qua nhiều trạm thu phí
Theo ông Trần Thanh Bảo, trong vòng hai tháng qua doanh nghiệp này đã ba lần giảm giá vé xe đò tuyến bến xe Miền Đông đến Bà Rịa - Vũng Tàu (từ 100.000 đồng/vé còn 85.000 đồng/vé/hành khách). Với mức phí cầu Đồng Nai là 690.000 đồng/xe 16 chỗ/tháng, sắp tới doanh nghiệp này phải tăng giá vé xe đò để bù đắp chi phí phát sinh.
Còn ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nói việc phát sinh trạm thu phí cầu Đồng Nai buộc các doanh nghiệp vận tải yêu cầu các chủ hàng điều chỉnh giá cước vận tải hàng để bù đắp chi phí, việc tăng cước phí vận tải hàng hóa đồng nghĩa với tăng giá thành sản phẩm. Trong khi đó, các hãng taxi ở TP.HCM cho rằng việc có thêm trạm thu phí sẽ ảnh hưởng đến hành khách vì khách đi qua trạm thu phí nào thì phải trả thêm tiền qua trạm thu phí đó (ngoài tiền cước taxi).
Trước tình hình kẹt xe ở trạm thu phí cầu Đồng Nai trong ngày đầu thu phí (8-4), ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết nếu để tái diễn kẹt xe như vậy vào dịp lễ 30-4 sắp tới thì sẽ khó giải tỏa khách ùn ứ ở bến xe Miền Đông, vì nếu để xảy ra kẹt xe tại trạm thu phí trên thì xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang không kịp quay đầu xe vào bến xe Miền Đông rước khách.
Theo luật sư Thái Văn Chung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trạm thu phí cầu Đồng Nai chính là cửa ngõ của TP.HCM nên có mật độ xe lưu thông rất lớn. Để kẹt xe ở đây không chỉ ảnh hưởng đến vận chuyển hành khách mà còn khiến chậm giao nhận hàng về các cảng biển xuất nhập khẩu, trong khi trạm thu phí này lại không có làn thu phí tự động.
Khoảng cách đặt trạm quá gần
Theo luật sư Thái Văn Chung, khoảng cách trạm thu phí Rạch Chiếc - xa lộ Hà Nội đến trạm thu phí cầu Đồng Nai quá gần, chỉ mười mấy kilômet là bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp phản ảnh với hiệp hội việc có quá nhiều trạm thu phí dày đặc ở cửa ngõ TP đang làm cước vận tải tăng. Ông Chung cho rằng cơ quan chức năng cần xem lại quy hoạch đặt trạm thu phí tại TP.HCM và các địa phương lân cận bố trí phù hợp để việc thu phí không trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thông tư 159 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường là 70km. Trong trường hợp không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với quốc lộ).
Trong khi đó, trạm thu phí Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) nằm trên trục đường nối liền với quốc lộ 1 và chỉ cách trạm thu phí cầu Đồng Nai đặt tại quốc lộ 1 khoảng 15km, còn từ trạm thu phí cầu Đồng Nai đến trạm thu phí An Sương - An Lạc (cũng trên quốc lộ 1) chỉ hơn 30km.
Trước đó, ngay khi khởi công xây dựng cầu Đồng Nai mới (ngày 7-6-2008), chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Xây dựng số 1 đã tổ chức thu phí cầu Đồng Nai tại trạm thu phí Sông Phan, tỉnh Bình Thuận.
Trong bài trả lời phỏng vấn chúng tôi ngày 16-7-2008, ông Huỳnh Tấn Trí - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (nay là phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1) - cho biết lý do không đặt trạm thu phí tại cầu Đồng Nai vì quá gần trạm thu phí Rạch Chiếc - xa lộ Hà Nội, chỉ mười mấy cây số và cách trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa khoảng 40km. Thế nhưng đến nay, dù biết có bất cập về khoảng cách trạm thu phí, chủ đầu tư dự án xây cầu Đồng Nai vẫn đặt trạm thu phí tại cầu Đồng Nai.
Đảm bảo bài toán hoàn vốn cho nhà đầu tư
Trả lời về việc trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT hình thành thời gian qua có khoảng cách gần nhau, ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết khoảng cách giữa các trạm thu phí cách nhau 70 km/trạm không còn phù hợp nữa.
Ông Huyện cho biết hiện nay các dự án đường bộ có quy mô đầu tư lớn, đầu tư bằng hình thức xã hội hóa thì một số dự án không thể đạt khoảng cách đặt trạm thu phí như vậy nữa. Với dự án mở rộng quốc lộ 1, để đảm bảo bài toán hoàn vốn cho nhà đầu tư khi đặt trạm thu phí cự ly cách nhau 70km thì phải dùng vốn ngân sách hỗ trợ nhà đầu tư làm 20-30km của dự án.
“Sắp tới Tổng cục Đường bộ sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 70km giữa hai trạm thu phí trên một tuyến đường. Bây giờ đầu tư đường bằng hình thức BOT, không có ngân sách hỗ trợ thì một số trạm không thể đạt được khoảng cách đấy” - ông Huyện cho biết.
Chiều 9-4, Bộ Tài chính cho biết ngân sách nhà nước khó khăn nên tỉ trọng vốn ngân sách đầu tư cho dự án cơ sở hạ tầng eo hẹp. Do đó để giao thông thuận tiện, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội thì dự án xây dựng cầu, đường cao tốc... không thể chỉ trông chờ vốn từ ngân sách.
Để thu hút vốn tư nhân tham gia xây dựng các dự án cầu, đường cao tốc thì phải đảm bảo khả năng hoàn vốn và lợi nhuận hợp lý cho chủ đầu tư. Thông thường, thời gian hoàn vốn dự án BOT ngành giao thông dao động 18-25 năm. Nếu trên 30 năm mới hoàn vốn thì rất khó thu hút được nhà đầu tư.
Theo: Cafef.vn