Quyết liệt cổ phần hóa DNNN: Kỳ II. Vẫn “đậm” chất... nhà nước

-  Chỉ tách bạch quản lý nhà nước với chức năng đại diện phần vốn trong các DNNN, DNNN nắm cổ phần chi phối thì khu vực này mới phát triển - đó là khẳng định của ông Bùi Văn Dũng - Trưởng ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với DĐDN.

Theo ông Dũng, thực tế hiện nay, cách sử dụng quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với phần vốn của mình tại DN thường không đúng với bản chất của người đại diện phần vốn góp. Tư duy cũ về quản lý hành chính đối với phần vốn của nhà nước vẫn chưa thoát ra được ở hầu hết các DNNN, DN nhà nước nắm cổ phần chi phối, sau khi đã thực hiện cổ phần hóa (CPH).

- Cần có giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này, thưa ông?

Trước tiên phải nói, mô hình cơ quan chủ quản vẫn còn ngự trị. Đây là những cơ quan hành chính thì đương nhiên họ chỉ có thể đưa ra các biện pháp hành chính đối với những gì họ quản lý. Muốn thoát khỏi việc áp đặt các quyết định hành chính thì cần thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý phần vốn. Bộ phận này sẽ cử một hoặc nhiều người tùy từng quy mô vốn và DN để thực thi quyền đại diện cổ phần tại DN.

Mấu chốt của vấn đề là những người thực hiện quyền đại diện cổ phần đó chỉ hoạt động tại DN đúng chức năng của cổ đông đại diện phần vốn góp. Quan hệ với cơ quan cử họ đại diện cổ phần không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN. Họ sẽ phải thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp cho cơ quan mà họ đại diện theo từng niên độ thời gian mà chủ sở hữu cổ phần yêu cầu. Cơ quan cử người đại diện vốn góp sẽ chỉ thực thị quyền với DN thông quan người đại diện bằng quyền cổ đông tại DN. 

 

Quyết liệt cổ phần hóa DNNN: Kỳ I. Không sợ phản đối chỉ sợ chây ỳ

 

Những chế độ quản lý theo kiểu thực thi quyền dân chủ ở cơ sở hay thích thì đưa đoàn thanh tra vào DN thanh kiểm tra rồi yêu cầu giải trình báo cáo… bởi vì DN đó nhà nước nắm cổ phần chi phối là trái với thông lệ, thậm chí là vi phạm các nguyên tắc của thị trường. Sự chuyển biến trong mô hình quản trị DN theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường đã diễn ra khá tích cực trong các DN sau CPH. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, hoạt động của DN cần được thực hiện chế độ quản trị đúng với bản chất của DN đa sở hữu, đúng chế độ quản trị tiên tiến hiện nay. 

- Theo nghiên cứu của CIEM, có tới 80% người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN nhà nước nắm cổ phần chi phối là cán bộ công chức. Điều này ảnh hưởng ra sao tới mô hình quản trị của các DN sau CPH, thưa ông?

Với chức năng đại diện phần vốn thì một cán bộ công chức hoàn toàn có thể đảm đương được. Họ sẽ phải báo cáo thường xuyên và định kỳ, theo các tiêu chí nhất định với cơ quan quản lý. Thông qua hoạt động của DN mà họ thường xuyên nắm bắt để đề xuất những phương án, giải pháp theo thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu là người lãnh đạo điều hành DN thì phải là người có khả năng, có chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của DN.

Theo những quy định về quản lý DNNN, DN nhà nước nắm cổ phần chi phối hiện hành, DN được quyền thuê giám đốc điều hành, kể cả người nước ngoài. Đúng là thời gian qua, hai khu vực DN trên vẫn rất hạn chế trong việc thuê giám đốc, đặc biệt là giám đốc người nước ngoài. Nhưng khi tách bạch chức năng đại diện phần vốn và chức năng quản lý điều hành DN thì mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi.

- Luật DN sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 01/7/2015. Theo đó, tiêu chí về DNNN đã thay đổi. Các DN cổ phần sẽ không được gọi là DNNN nữa. Theo ông, cùng với luật và các văn bản hướng dẫn sẽ tác động thế nào tới quản trị của các DN sau CPH? 

Tư duy cũ về quản lý hành chính đối với phần vốn của nhà nước vẫn chưa thoát ra được ở hầu hết các DNNN.

Khi đã xác định rõ DN cổ phần là đa sở hữu thì những can thiệp theo kiểu hành chính sẽ không thể phù hợp được tại DN. Quyền của ai đến đâu chỉ được thực thi thông qua quyền của cổ đông, cổ phần mà mình nắm giữa tại DN. Đơn cử như câu chuyện người ta không thể bất cứ lúc nào cũng có thể đưa thanh tra vào thanh tra tại các DN đã CPH, kể cả nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đây là những việc làm của nội bộ DN, do ban kiểm soát của DN chịu trách nhiệm… 

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới mô hình quản trị hiện đại. Với kinh tế thị trường, chúng ta đi sau Châu Âu hàng trăm năm. Nhưng mô hình quản trị tiên tiến của họ sao ta lại không học tâp. OECD có hẳn một bộ quy tắc về quản trị DN rất “hoành tráng” để chúng ta có thể tham khảo áp dụng. Rất nhiều mô hình quản trị tiên tiến khác cũng dễ dàng cho các DN tiếp cận. Chúng ta cứ lấy lý do đặc thù để từ chối những kinh nghiệm được tích lũy hàng trăm năm là điều rất đáng tiếc.

- Nếu để nói về cải cách và phát triển DN, theo ông thời gian tới, chúng ta cần phải chú trọng vào nhiệm vụ trọng tâm nào?

Cải cách DN phần quan trọng nhất vẫn là các DN lớn. Khi những DN lớn phát triển nhanh, phát triển mạnh sẽ là đầu kéo cả nền kinh tế phát triển. CPH các DN lớn đầu tàu của cả nền kinh tế quan trọng nhất vẫn là tìm đối tác chiến lược. Nhưng DN này cần tìm các đối tác như các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia để hợp tác. Chúng ta có thể có những ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cần có những cam kết rất rõ ràng. Tôi cho anh cái này thì anh phải giúp tôi về mặt mở rộng thị trường, chia sẻ thị phần, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm…

Kể cả các tập đoàn tư nhân trong nước, nếu thấy họ có tiềm năng, thế mạnh gì thì có thể mời họ làm đối tác chiến lược. Mạnh dạn cho ưu đãi nhưng cũng ràng buộc về trách nhiệm. Mục tiêu cuối cùng là phải làm cho các DN lớn phát triển thật nhanh. Khi DN lớn phát triển nhanh thì cơ hội cho các DN nhỏ cũng mở ra, tất cả đều có lợi.
                                                                                                                 Theo: Dddn.com.vn


Các tin khác