Chiến lược mới của các CIENCO: Làn sóng vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông?
 Chiến lược mới của các CIENCO: Làn sóng vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông?

Các CIENCO đang giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng thông qua việc thoái vốn tại hàng loạt công ty xây dựng thành viên và tăng tỷ trọng vốn vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Các hành động này nhằm tập trung vốn vào các dự án lớn, thực hiện chiến lược tích hợp dọc (tích hợp tiến) nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị và nâng cao khả năng sinh lời.

 Các CIENCO thoái vốn ở hàng loạt các công ty xây dựng thành viên

Trong giai đoạn 2014 – 2015, song song với việc cổ phần hóa công ty mẹ, các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (các CIENCO) cũng thực hiện hoạt động tái cấu trúc thông qua đẩy mạnh thoái vốn tại các công ty xây dựng thành viên với tốc độ nhanh.

Ví dụ, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 – CTCP (CIENCO4) trong 01/2015 đã công bố thông tin (và cơ bản hoàn thành) việc thoái vốn hoàn toàn ở 14 (trên tổng số 19) công ty thành viên thuộc lĩnh vực xây dựng công trình giao thông với tổng giá trị thoái vốn theo mệnh giá xấp xỉ 113 tỷ đồng, phương án thoái vốn có thể là bán lại trực tiếp cho lãnh đạo tại các công ty thành viên.

Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 – CTCP (CIENCO 1) trong năm 2014 cũng thực hiện chương trình thoái vốn theo hướng thoái toàn bộ hoặc thoái một phần vốn cổ phần ở 16 công ty thành viên (trên tổng số khoảng 41 công ty thành viên) với giá trị thoái vốn theo mệnh giá là 63 tỷ đồng. Việc thoái vốn quyết liệt và nhanh chóng của các CIENCO tại các công ty xây dựng thành viên có thể làm nhiều người bất ngờ, tuy nhiên, sự thoái vốn này là khá hợp lý.

Trên thực tế phần lớn các công ty thành viên trong lĩnh vực xây dựng của các CIENCO4 hay CIENCO1 đa số có quy mô nhỏ và chủ yếu đảm nhận vị trí thầu phụ và khả năng sinh lời hạn chế, trong khi năng lực thi công cốt lõi vẫn chủ yếu nằm ở công ty mẹ. Việc thoái vốn ở các công ty này không những không ảnh hưởng đến năng lực thi công cốt lõi của công ty mẹ mà còn giúp công ty mẹ tập trung vốn để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn có khả năng sinh lời tốt.

>>>PPP-Cửa mở cho tư nhân đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng lớn

Chiến lược mới của các CIENCO

Chiến lược phân bổ vốn của các CIENCO đang thay đổi. Việc thoái vốn ở công ty xây dựng thành viên và tập trung vốn đầu tư cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông cho thấy sự chuyển đổi chiến lược theo hướng cắt giảm tỷ trọng vốn vào mảng xây dựng và tăng tỷ trọng vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Các hành động này nhằm tập trung vốn vào các dự án lớn, thực hiện chiến lược tích hợp dọc (tích hợp tiến) để hoàn thiện chuỗi giá trị và nâng cao khả năng sinh lời.

Sơ đồ: Chuỗi giá trị của các CIENCO

 

Nhằm thực hiện chiến lược đầu tư vào hạ tầng giao thông, CIENCO1 trong năm 2014 đã rót 122,1 tỷ đồng vào lĩnh vực này, trong đó, góp 38,9 tỷ đồng vào Công ty CP BOT Cầu Việt Trì, 34,2 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC, 49 tỷ đồng vào CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Trong khi đó, CIENCO4 trong tháng 11/2014 công bố góp vốn thành lập Công ty BOT Thái Nguyên – Chợ Mới.

Chiến lược của CIENCO1 và CIENCO 4 khá tương đồng với CTCP Tasco: Khởi đầu với lĩnh vực cốt lõi là xây dựng khi tiềm lực còn hạn chế, sau đó, khi tiềm lực tài chính đủ mạnh thì tiến sang đầu tư hạ tầng giao thông nhằm mở rộng khả năng tăng trưởng, hoàn chỉnh chuỗi giá trị, ổn định hóa dòng tiền (lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông có đặc trưng là có dòng tiền thu ổn định sẽ giúp giảm rủi ro cho hoạt động của công ty) và cải thiện khả năng sinh lời.

Việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa giúp giải quyết đầu ra cho lĩnh vực xây dựng cốt lõi, vừa mở rộng sự tăng trưởng sang lĩnh vực mới có triển vọng. Với nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, các CIENCO cần tập trung các nguồn vốn phân tán thông qua việc bán vốn ở hàng loạt các công ty con trong lĩnh vực xây dựng. Các CIENCO có nhiều lợi thế khi đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông khi họ tận dụng được kinh nghiệm của mình về kỹ thuật xây dựng, giá thành công trình giao thông. Vấn đề thách thức lớn nhất với các CIENCO lúc này có lẽ là năng lực tài chính và năng lực lựa chọn, triển khai và vận hành dự án.

Các CIENCO có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của CII và Tasco?

Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, các CIENCO vẫn được coi là đi sau so với những công ty như Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) và CTCP Tasco, chiến lược phát triển của các CIENCO có xu hướng tiệm cận với mô hình của CII và Tasco. Do đó, kinh nghiệm thành công của CII và Tasco rất đáng để các CIENCO học hỏi. Để đảm bảo thành công trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông cần hai yếu tố: (1) Năng lực tìm kiếm, triển khai và vận hành dự án phù hợp, (2) Năng lực tài chính, cân đối dòng tiền. Xét về năng lực tài chính, năng lực tài chính mạnh của CII đáng để các CIENCO học hỏi. Năng lực tài chính của CII được hình thành dựa trên các yếu tố:

- Một cơ cấu cổ đông mạnh về tiềm lực tài chính, bao gồm cả cổ đông chiến lược nước ngoài. CII trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ lớn của cổ đông lớn là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh thông qua việc góp vốn cổ phần và cho vay đầu tư các dự án.

- Một ngân hàng chính (main bank) là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết hợp tác toàn diện và hỗ trợ trong dài hạn về nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay cho các dự án của công ty.

- Sự kết hợp đa dạng các công cụ tài trợ và tái cấu trúc công ty theo hướng tách thành các mảng chuyên ngành (tách công ty hay spin-off) nhằm huy động vốn từ các đối tác chiến lược quan tâm đến từng mảng hoạt động khác nhau, từ đó, tăng cường năng lực huy động vốn tối đa trong toàn hệ thống. Trong năm 2014, CII công bố chiến lược tái cấu trúc thành 5 công ty thành viên chủ lực: Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII, Công ty nước CII, Công ty Xây dựng CII, Công ty bất động sản CII và Công ty Dịch vụ Hạ tầng CII. Thông qua việc tái cấu trúc này, trong năm 2015, CII đã thu được 30 triệu USD từ việc bán cổ phần của Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII cho một tập đoàn hạ tầng của Phillipines. Bên cạnh đó, CII kết hợp đa dạng các công cụ tài trợ như: Vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi trong việc huy động vốn.

Lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn, chính vì vậy, việc tăng cường tiềm lực tài chính thông qua phát hành cổ phiếu là hết sức cần thiết đối với các CIENCO. Việc cổ phần hóa các CIENCO gắn với bán cổ phần cho đối tác chiến lược đã góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho các CIENCO tuy nhiên, quy mô vốn hiện nay vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, việc tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu của các CIENCO là hết sức cần thiết. Với CIENCO4, Tổng Công ty đang có kế hoạch trong năm 2015 sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.000 – 1.200 tỷ đồng.

Làn sóng mới của vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông

Việc thoái vốn của Nhà nước khỏi các CIENCO (hiện Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn khỏi CIENCO 4 và CIENCO1) sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vốn vào các CIENCO, qua đó đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Qua kinh nghiệm của CII và Tasco cho thấy, đây còn là kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Sự gia tăng vốn đầu tư tư nhân mạnh mẽ vào các công ty như CII, Tasco, các CIENCO như CIENCO1 và CIENCO 4 báo hiệu một làn sóng mới mạnh mẽ của vốn tư nhân, bao gồm cả vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam./.
                                                                                                                         Theo: Cafef.vn


Các tin khác