UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm ngưng việc bắt buộc áp dụng sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình đã được phê duyệt; Giám đốc Sở Xây dựng tổng hợp các vấn đề còn tồn tại và khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình báo cáo Bộ Xây dựng, đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh lộ trình sử dụng vật liệu không nung phù hợp với thực tế tại địa phương và tinh thần Quyết định số 1469 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sử dụng vật liệu xây dựng Việt Nam từ năm 2020 đến 2030.
Về lộ trình sử dụng vật liệu không nung, khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong tất cả công trình xây dựng, không phân biệt qui mô, nguồn vốn và khu vực đô thị. Việc bắt buộc sử dụng trên địa bàn tỉnh chỉ áp dụng khi nào ngành Xây dựng giải quyết được các vấn đề vướng mắc trong thời gian qua.
Việc thực hiện các bước chuyển tiếp do tạm dừng sử dụng vật liệu xây dựng không nung như sau: các công trình đã và đang thi công bằng vật liệu xây dựng không nung, giao Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, có các giải pháp kỹ thuật cần thiết nhằm thực hiện các công trình đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng và mỹ thuật. Đối với các công trình đã phê duyệt sử dụng vật liệu xây dựng không nung đang xây dựng (phần khung, móng) cần chuyển đổi về vật liệu xây dựng truyền thống, giao chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra cụ thể từng công trình, đưa ra giải pháp kỹ thuật tối ưu để tiếp tục triển khai thi công. Đối với các công trình chưa triển khai, giao chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế điều chỉnh cho phù hợp. Về thẩm quyền phê duyệt hồ sơ điều chỉnh, thống nhất giao chủ đầu tư kiểm tra và phê duyệt.
Thực hiện tinh thần Kết luận số 230/2014 của UBND tỉnh, ngày 1-10-2014, Sở đã có tờ trình xin ý kiến Bộ Xây dựng về kế hoạch điều chỉnh lộ trình sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh. Theo quy định dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng 100%, kể từ ngày 15-1-2013; các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50%, kể từ ngày 15-1-2013 đến hết năm 2015, sau 2015 sử dụng 100%.
Thời điểm ban hành kế hoạch điều chỉnh, trên địa bàn tỉnh có 80 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng sản lượng khoảng 46,12 triệu viên. Đến nay, 23 lò đã tạm ngưng hoạt động, 57 lò còn hoạt động. Đối với gạch không nung, hiện toàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất dòng sản phẩm nặng, tổng công suất khoảng 15,9 triệu viên/năm. Dự báo đến năm 2015, nhu cầu sử dụng gạch không nung cần khoảng 110 triệu viên. Thời gian qua, hầu hết công trình xây dựng trong tỉnh thuộc diện phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung đều phải đặt hàng từ các cơ sở ở Long An, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai,… Mặt khác, năng lực các cơ sở kiểm tra, thí nghiệm ở địa phương còn hạn chế, chỉ có thể thí nghiệm, kiểm tra về cấp độ bền, độ hút nước, còn chỉ tiêu về độ co khô phải thuê các đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Thao tác xây, tô, xử lý kỹ thuật của công nhân, thợ xây chưa thuần thục, cần có quá trình học tập để hoàn thiện kỹ năng.
Theo: Đồng khởi điện tử