Theo bà Mai, hiện số lao động được đóng BHXH rất thấp, tính đến hết 31/12/2014, số người tham gia BHXH trên cả nước đạt 11,6 triệu người, chiếm gần 20% tổng số lao động (khoảng 58 triệu người - số liệu của Cục dân số Bộ LĐTB&XH năm 2014). Trong 11,6 triệu người tham gia, có khoảng 9 triệu người tham gia BHXH diện bắt buộc (chiếm khoảng 70% số người) và khoảng hơn 196.000 người tham gia BH tự nguyện.
Bên cạnh số lao động không được đóng BHXH chiếm số đông và tăng cao thì số lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp bị nợ BHXH, bị “bùng” đóng BHXH có chiều hướng gia tăng.
Theo con số mới nhất được đại diện của Bảo hiểm Xã hội công bố, chỉ riêng năm 2014, các doanh nghiệp trên cả nước đã nợ hơn 7.200 tỷ đồng tiền BHXH. Tổng lũy kế tính đến hết ngày 30/11/2014, các doanh nghiệp đã nợ 11.114 tỷ đồng tiền đóng BHXH. Đầu năm 2014, BHXH và các cơ quan chức năng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc vỡ quỹ BHXH và không có tiền để trả lương hưu do lực lượng lao động Việt Nam đang già hóa nhanh chóng. Thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước, từ 10 - 20 năm nữa, sẽ có hàng triệu người trong độ tuổi lao động nghỉ hưu, dân số Việt Nam sẽ già hóa nhanh chóng từ năm 2035 trở đi và áp lực đè nặng lên xã hội khi những người già không có lương hưu và các chế độ khác.
Theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam, trong tổng số nợ đọng BHXH hơn 11.114 tỷ đồng như trên, có hơn 7.825 tỷ đồng là nợ BHXH; hơn 2.759 tỷ đồng nợ BHYT; hơn 529 tỷ đồng nợ BHTN. “Tổng số nợ đọng tính tới thời điểm 30/11/2014 chiếm tới 6,24% so với tổng số phải thu, tăng hơn 455 tỷ đồng (4,3%) so với cùng kỳ năm ngoái”.
Một số tỉnh có tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội cao như Lai Châu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hòa Bình, Bình Định, Phú Yên… Đặc biệt, quá bức xúc cho vấn nạn nợ BHXH nên năm 2014, cơ quan bảo hiểm của TPHCM đã tiến hành phát đơn kiện nợ BHXH đối với hơn 1.700 doanh nghiệp nợ BHXH, số tiền mà các doanh nghiệp này nợ BHXH TP HCM lên tới 1.455 tỷ đồng.
Tại buổi hội thảo, bà Mai cho rằng để tỷ lệ đóng BHXH cần sửa đổi chính sách, trong đó nên mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách tham gia và Nhà nước cần hỗ trợ 14%. Hai là mở rộng đối tượng phi chính thức, thông qua việc hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Mai, hiện tỷ lệ lao động không được đóng BHXH cao vì có nhiều lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do trong các mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp tự doanh không đăng ký thành lập nên không tham gia đóng BHXH hoặc tự nguyện tham gia.
Còn ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - búc xúc kiến nghị, cần bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Tại kỳ họp của UB Thường vụ Quốc Hội tháng 9/2104, xung quanh việc góp ý điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã họi (sửa đổi) các Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị sửa đổi luật, theo đó lao động làm việc thời vụ, hoặc công việc có thời hạn từ 1 – 3 tháng tại các doanh nghiệp phải được doanh nghiệp đóng HBXH bắt buộc. Đây là kiến nghị nhằm tránh hiện tượng trốn đóng BHXH của các DN.
Hiện theo Khoản 1 và 2, Điều 2 Luật BHXH khi người lao động làm việc đủ 3 tháng tại DN, bắt buộc DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Chính vì vậy, để lách luật, trốn tránh trách nhiệm, nhiều chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng dưới 3 tháng, sau đó ký mới tiếp theo để né tránh trách nhiệm BHXH đối với cơ quan BHXH và người lao động.
Theo: Dantri.vn