Chưa biết chuyện sẽ đi tới đâu, nhưng đằng sau việc này vẫn là những câu hỏi nhức nhối về cơ chế kinh doanh của DNNN; những “lỗ hổng” về quản lý, sự lẫn lộn giữa vai trò can thiệp thị trường và sự yếu kém trong kinh doanh…
Điều này đã làm bức tranh về khu vực kinh tế công ngày càng xấu đi. Làm gì để xử lý triệt để tình trạng này? Và câu trả lời từ nhiều chuyên gia kinh tế vẫn là: đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN để nâng cao tính quản trị, kiểm soát.
Tiến trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã bị chậm lại khoảng 3 năm. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2007-2010 số DNNN cổ phần hóa chỉ đạt 25% theo phương án được phê duyệt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp lớn phải trì hoãn cổ phần hóa.
Trong đó, bên cạnh diễn biến xấu của thị trường chứng khoán, còn bắt nguồn từ những bất cập về cơ chế, chính sách mà cụ thể là cơ chế định giá tài sản của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Một rào cản lớn khác là do Nhà nước “ngại” bán tài sản quốc gia với giá rẻ.
Lo ngại này là có cơ sở khi hiện trên thị trường niêm yết hơn 70% cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách. Thực tế, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp được IPO trong thời gian qua bán ở mức rất thấp.
Dù vậy, việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa vẫn hết sức cần thiết. Đây là một bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay phần lớn DNNN vẫn bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả, kém minh bạch, quản trị yếu và thiếu vốn. Do vậy, cổ phần hóa những doanh nghiệp này là lời giải hữu hiệu để khắc phục những điểm yếu này.
Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh tới yêu cầu về thúc đẩy cổ phần hóa trong những tháng còn lại của năm 2011 và cả năm 2012. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/7/2011, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa 3.949 DNNN, chiếm 67% tổng số doanh nghiệp sắp xếp lại.
Từ đầu năm đến nay, đã có 4 DNNN lớn thực hiện cổ phần hóa là: Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Miền Trung và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.
Kết quả các vụ IPO này có khác nhau, thậm chí có vụ bị coi là thất bại. Nhưng theo các chuyên gia, nên nhìn theo chiều hướng khác chứ không chỉ trông vào mức giá hay tỷ lệ phần trăm cổ phần bán ra được. Thậm chí, có nhà đầu tư còn nhận định bán được 1% lúc này đã là rất quý.
Điều quan trọng là sau khi IPO, các DNNN lớn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Với mô hình này, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ chế độ công khai thông tin về tài chính theo quy định, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cùng tham gia giám sát. Sự minh bạch tăng lên sẽ tạo sức ép đối với lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác quản lý, điều hành sao cho hiệu quả.
Mặt khác, giá IPO thấp là cơ hội tốt để thu hút nhà đầu tư tham gia, tạo nguồn lực vốn dài hạn để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng khác là sự chậm chạp trong tiến trình cổ phần hóa sẽ được khai thông bởi những quy định mới của Nghị định 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2011). Nghị định đã mở rộng phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tham gia tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Về xác định giá đất trong giá trị doanh nghiệp, nghị định mới hướng dẫn cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai. Riêng đối với diện tích đất doanh nghiệp được thuê tiếp tục sử dụng phải trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Không tính tiền thuê đất và giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp vì giá thuê đất các địa phương đều phải tính toán, xác định lại sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc cơ bản trong quá trình định giá doanh nghiệp cổ phần hóa thời gian tới.
(Nguồn: ĐTTC)