GS TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá – Du lịch: Bạo lực xã hội thể hiện tâm trạng bất an
Gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực mà ở nhiều lứa tuổi, kể cả tuổi vị thành niên. Nhiều ý kiến khác nhau bàn về nguyên nhân của thực trạng này.

GS.TS Vũ Gia Hiền, người thường xuyên tiếp xúc với thính giả trực tiếp trên sóng phát thanh tư vấn tâm lý về giáo dục, hôn nhân, gia đình đã có cuộc trao đổi với báo Lao Động về vấn nạn bạo lực hiện nay - ông nói:

- Nguyên nhân của bạo lực trong thời gian qua xuất hiện từ học đường, đến xã hội và ngay trong các gia đình, là do suy thoái đạo đức nội tâm, dường như xã hội đang thay đổi từ giá trị “cái nết đánh chết cái đẹp” thành “cái đẹp đè bẹp cái nết”, làm cho người ta hướng ra bên ngoài và vì thế thay bằng nén chịu để tự hoàn thiện mình thì lại có xu hướng bung ra giải quyết mâu thuẫn bởi các mối quan hệ bằng mọi giá, từ áp đặt đến khống chế và cuối cùng là giết người.

Người xưa có xu hướng tự chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh ứng xử, nên khi gặp mâu thuẫn với người khác, hay khi gặp khó khăn về kinh tế, cuộc sống… người ta thường kiềm chế được cho nên ít để xảy ra bạo lực.

Trái lại, ngày nay có xu hướng can thiệp vào thế giới xung quanh, hình thành tâm lý phản ứng với những gì mình không đồng ý, trong đó có cả việc ứng xử và cạnh tranh kinh tế, cướp bóc… bất chấp lương tâm, nên đã đẩy xã hội đến các hiện tượng bạo lực. Đó là thực trạng suy thoái đạo đức, nó nguy hiểm hơn bất cứ các loại nguy hiểm nào.

Trước thực trạng này, có nhiều người đưa ra ý kiến giải quyết khác nhau, ông có thể cho biết quan điểm riêng của mình?

- Tôi cho rằng phải trở về với đạo lý làm người đã được ông cha ta đúc kết, có gốc tương thân tương ái và lấy con người làm trung tâm. Chúng ta nói quá nhiều về đạo đức, đạo lý… nhưng so với quan niệm kinh tế thì gần như đạo đức, đạo lý chỉ chiếm tỉ trọng rất ít; phần nữa lại đề cập đến khoa học, mà càng khoa học thì càng lý trí, càng lý trí thì có thể càng bạo lực. Tôi có thể đưa ra một ví dụ: Có hai cặp vợ chồng, một cặp nói chuyện với nhau có tỉ lệ tình cảm nhiều hơn, còn cặp kia khi nói chuyện thì lý trí nhiều hơn. Ta hỏi cặp vợ chồng nào ít bạo lực?

Theo tôi, cái quan trọng để làm thay đổi hiện tượng bạo lực hiện nay thì phải tăng tỉ trọng giáo dục giá trị làm người. Việc dạy làm kinh tế là cần thiết nhưng ở đấy con người đã có bản năng nên họ dễ bộc lộ mà không cần phải giáo dục nhiều về động cơ, chỉ nên dạy về kỹ năng, kỹ thuật, làm việc có hiệu quả; còn động cơ thì phải là giáo dục cách ứng nhân xử thế, ý thức công dân trong cộng đồng. Sinh ra là con người, nhưng nếu không học làm người thì sẽ trở thành “quỷ dữ” đội lốt con người.

Có lẽ sự khác nhau giữa giá trị làm người và không xứng đáng làm người là ranh giới bạo lực, bên này không bạo lực sẽ là những người làm người, còn những kẻ bạo lực ở bên kia cũng là người nhưng thiếu năng lực làm người. Khi làm người, người ta phải biết đau khi làm đau người khác, biết nhục khi làm nhục người khác… mới xứng là con người làm người; chiến thắng bản năng động vật đã đưa con người thành người như hiện nay. Nếu ai đó hành xử với người khác bằng bạo lực thì tự họ trở về gần với bản năng động vật, gọi là tha hoá, biến chất.

Người ta cho rằng kinh tế là chìa khoá của cuộc sống, mà ở đây ông lại cho rằng “cái quan trọng là giáo dục giá trị làm người”, như vậy có phù hợp với thời đại?

- Có lẽ chúng ta phải hỏi lại mình “kinh tế phục vụ con người hay con người phục vụ kinh tế?”. Chắc sẽ có những người trả lời theo thuyết nhị nguyên, rằng “có lúc kinh tế phục vụ con người, có lúc con người phục vụ kinh tế”. Điều này có lẽ đúng theo hoàn cảnh, nhưng khi phải đương đầu trước triết học nhất nguyên người ta không cho phép “nước đôi” mà chỉ có thể trả lời “con người là quan trọng, hay kinh tế là quan trọng?”.

Điều này giống như ta bước đi, chỉ có thể bước chân trái hay chân phải chứ không thể bước hai chân cùng lúc. Khắc nghiệt của cuộc sống đến đâu chăng nữa thì ai cũng thấy “kinh tế là phương tiện quan trọng của cuộc sống chứ không thể là cuộc sống”. Có lẽ có một số người nhầm rằng kinh tế “quan trọng hơn con người” nên họ đánh đổi bằng mọi giá. Nếu ai đó nghĩ rằng “kinh tế hơn con người” thì những người đó rất dễ rơi vào vòng xoáy của bạo lực dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với cuộc sống gia đình cũng vậy, việc giáo dục làm người được đề cao thì gia đình đó chắc chắn sẽ không có bạo lực. Cho dù theo triết lý đạo đức, hiếu nghĩa… thì những triết lý đó cũng không thể được coi trọng hơn giá trị làm người. Không ít các gia đình lấy các giá trị tôn giáo, triết lý sống … như một tiêu chuẩn trên con người mà đã đẩy mọi người vào bạo lực dưới các hình thức phản ứng ngược.

Giáo dục làm người có thể được đặt thành giá trị trung tâm để từ đó làm giảm và đẩy lùi bạo lực nhưng làm như thế nào trong thực tế hiện nay, ông có thể phân tích thêm về điều này?

- Có lẽ chúng ta lại phải trở về với kinh nghiệm của người xưa dạy rằng “Tự biết đủ là đủ”. Ở đây chúng ta không nhìn ngạn ngữ này dưới góc độ tiêu cực, “chỉ biết lấy mình” mà phải thấy ở đấy đã chỉ ra cho mỗi con người phải “tự bình an trong cuộc sống của mình”. Kẻ trộm, kẻ cắp, kẻ cướp… đều là những kẻ “không tự mình biết đủ”. Buôn gian bán lận… cũng chỉ vì không tự biết đủ. Tham nhũng, hối lộ… cũng là những hiện tượng không biết đủ. Ta phải hiểu từ “đủ” ở đây là sự trọn vẹn được cân đối giữa năng lực và môi trường sống.

Vậy là chúng ta đã có thực tế để trả lời bạo lực nhiều như hiện nay là do nguy cơ nhiều gia đình bất hạnh xuất hiện. Chúng ta thử thống kê quanh ta xem có bao nhiêu cặp vợ chồng ly hôn, và những gia đình ly hôn ấy để lại hậu quả như thế nào?

- Không chỉ vậy, những gia đình chỉ lo kiếm tiền, không lo nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn, để con cái rơi vào vòng xoáy xã hội đã để lại gánh nặng bạo lực khó lường. Rồi những người nghèo không chú trọng đến giá trị cuộc sống bằng những nỗ lực, thấy thiên hạ giàu thì xuất hiện lòng tham mà thành bạo lực.

Đối với đời sống vợ chồng cũng chỉ vì không chia sẻ, không lấy tình cảm làm đầu và sự ích kỷ chỉ biết đến mình cũng là nguyên nhân bạo hành. Trẻ em không được giáo dục kiềm chế, trong khi đời sống tâm linh chân chính không được coi trọng cũng là vấn đề dẫn đến bạo lực. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tìm lại giá trị đích thực – giá trị làm người vì con người, giáo dục lại từ đầu, kể cả người lớn chúng ta cũng cần được giáo dục lại, vì chúng ta đã có những năm tháng sai lầm mà hôm nay chỉ là hệ quả của nó.

Ông cho rằng giá trị làm người phải được đề cao hơn hết, như vậy đối tượng chính của chống bạo lực là gì?

- Có lẽ chúng ta phải xem lại chính mình và điều đó nói lên bạo lực là cái giá phải trả từ những sai lầm của chúng ta trước đây và hiện trạng khách quan của thời đại. Ví dụ: một vụ bạo lực nào đó xuất hiện thì cả hàng trăm tờ báo đưa tin, bình luận. Điều này có cái lợi là cảnh tỉnh xã hội, nhưng có cái hại do mặt trái sinh ra đã được người xưa nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì tỏ” và có một số học theo cái sai của người sai.

Việc này không chỉ đổ lỗi cho những kẻ gây bạo lực mà loài người cũng phải chịu trách nhiệm về đồng loại của mình. Có vẻ như sai lầm nếu chúng ta không giáo dục tốt về văn hoá tâm linh để trong lúc con người đối diện với bạo lực thì chính lúc đó đời sống tâm linh của họ được trỗi dậy làm cho tính người của họ thức tỉnh. Đã lâu chúng ta không coi trọng đời sống tâm linh trong giáo dục, vì thế cũng để lại hậu quả “sống dối trá” mà không bị phát hiện thì vẫn không bị cắn rứt lương tâm.

Xin cảm ơn ông!

Theo laodong.com.vn

GS.TS Vũ Gia Hiền

Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Âu Việt TP.Hồ Chí Minh; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch; Giảng viên thỉnh giảng Học viện Quân Y; Giảng viên kiêm chức Học viện Chính trị Hành chính quốc gia HCM.

Một số sách đã xuất bản: “Tìm hiểu quá trình tiến hoá vũ trụ và sinh giới”, NXB Chính trị Quốc gia, 2003; “Triết học từ góc độ biện chứng duy vật”, NXB Chính trị Quốc gia 2006; “Tâm lý học và chuẩn hành vi”, NXB Lao Động 2006; “Phương pháp nghiên cứu khoa học và viết bài luận văn”, NXB Lao Động 2006.
 


Các tin khác