- Ông có thể chỉ ra điểm bất cập mà DN ông đang gặp phải?
Cty CP Xây dựng Tiến Triển trúng thầu dự án làm đường, làm cầu tại Nam Định có giá trị 40 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Cty Tiến Triển đã giao cho một Cty con thực hiện. Dự án đã được hoàn thành 100% mặc dù, tính đến nay, chúng tôi mới chỉ nhận được 8 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn thu đủ 4 tỷ đồng tiền thuế của chúng tôi với dự án trên.
Những trường hợp như của chúng tôi đã được pháp luật về thuế điều chính khá rõ ràng. Tại điểm d, Điều 24, Nghị định 106/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế quy định về những trường hợp được gia hạn nộp thuế có bao gồm: “Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có số tiền thuế nợ do nguyên nhân chưa được thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước”. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên Chi cục thuế và Cục thuế Nam Định thì đều không được chấp nhận. Cơ quan thuế bắt chúng tôi làm thông báo vốn. Dự án thì DN đã hoàn thành rồi, có nghĩa là DN cũng phải đủ vốn thì mới có thể thực thi 100% hạng mục công trình. Cuối cùng thì không chỉ thu đủ 4 tỷ đồng tiền thuế, chúng tôi còn bị nộp cả tiền phạt chậm trả.
- Đây là vấn đề chỉ xảy ra với Cty Tiến Triển hay cả với các DN khác, thưa ông?
Tại Nam Định hiện có khoảng 80 DN xây dựng cơ bản. DN nào cũng bị xử lý như DN của chúng tôi. Tôi đến đây kêu cứu với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế là đại diện cho tất cả những DN đang phải chịu thiệt thòi này. Nếu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không có chỉ đạo kịp thời thì nhiều DN xây dựng cơ bản nguy mất.
Chúng tôi không phải là những DN chây ì. Những DNVVN như chúng tôi cũng chỉ có mức vốn vừa phải. Các DN đã phải ứng vốn để hoàn thành công trình đúng kế hoạch rồi, nay lại ứng thêm cả thuế là điều hết sức vô lý. Nghị định đã quy định rất rõ ràng và hợp lý. Các cơ quan thực thi cứ không thực hiện khiến DN phải chịu trận.
- Vậy, ông có đề nghị gì để giải quyết những khó khăn trên?
Trước tiên, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần có hướng dẫn với các cục thuế, chi cục thuế thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 106/2010/NĐ-CP. Cơ quan thuế chỉ thu thuế tương đương với số vốn đã giải ngân. Ví dụ trường hợp của chúng tôi, vốn ngân sách giải ngân 8 tỷ đồng thì chỉ thu 800 triệu đồng thuế, đúng theo tỷ lệ giải ngân. Những phần thu vượt cần phải trả lại cho DN, để họ còn có vốn hoặc đỡ phải chịu lãi ngân hàng một cách vô lý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần sớm giải ngân đúng tiến độ những dự án đã hoàn thành. Chúng tôi cần được thực hiện đúng cam kết trong các hợp đồng kinh tế. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. DN có vi phạm chính sách đến đâu thì bị phạt và xử lý đến đó. Còn các cơ quan quản lý mà sai cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy mới công bằng. Hơn nữa, việc đáp ứng đủ vốn cho các công trình xây dựng cơ bản như của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ cũng như Nghị quyết 11.
- Xin cảm ơn ông!
Theo dddn.com.vn