Gần đây, việc xin rút niêm yết của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) và CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) đã thu hút mối quan tâm của công chúng đầu tư. Có nhiều ý kiến khác nhau về tình huống này, một số cho đó là chuyện bình thường, là quyền của DN; trong khi số khác thì cho rằng, TTCK không phải là nơi ai thích thì đến, thích đi thì đi.
Chuyện của DN
Trước tiên, có thể cần phải nhìn nhận là, đối với những thị trường như Anh, Mỹ, hay thị trường gần trình độ Việt Nam hơn như Ấn Độ, các nước Đông Nam Á đều diễn ra việc tự nguyện rút niêm yết.
Nói cách khác, đây là chuyện bình thường và là quyền của DN. Khi niêm yết, DN nộp hồ sơ đăng ký là do họ tự quyết định, thì khi DN muốn "ra đi", đó cũng là quyết định trong nội bộ DN. TTCK, về bản chất là một kênh thu hút vốn cho DN, không phải là một "hội kín" hay tổ chức gì đặc biệt để mà ngăn cấm.
Việc có công ty xin rút niêm yết tại thời điểm này ở TTCK Việt Nam cũng không phải là chuyện gì bất thường xét trong tình hình hiện nay của thế giới.
Từ giai đoạn khủng hoảng tài chính tới nay, nhiều công ty trên thế giới đã có đề nghị rút niêm yết tại các thị trường lớn như Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn cũng đã có yêu cầu rút niêm yết chéo một số chứng chỉ lưu ký tại các thị trường của Mỹ, lấy lý do là thanh khoản thấp và các gánh nặng về công bố thông tin, trong khi giá trị cổ phiếu không phản ánh nền tảng cơ bản của công ty và ảnh hưởng kế hoạch huy động vốn.
Một số công ty khác rút niêm yết tự nguyện, vì họ có nguy cơ bị bắt buộc rút niêm yết do không đáp ứng một số yêu cầu đối với công ty niêm yết tại một số thị trường như Nasdaq.
Nói chung, việc suy giảm của nguồn tiền vào chứng khoán trong thời gian qua đã xóa đi những lợi thế của một công ty niêm yết, nhưng lại duy trì gánh nặng chi phí đáp ứng nhu cầu công bố thông tin và tuân thủ quy định pháp lý, tạo áp lực buộc một số công ty phải ra quyết định "đi vào bóng tối" (going-dark) hoặc "phi đại chúng hóa" (going-private) tại Mỹ. Tình huống này cũng được tìm thấy ở những thị trường xung quanh Việt Nam như Singapore.
Nhắc lại chuyện từ năm 2002, từ khi đạo luật Sarbanes-Oxley có hiệu lực, thì năm sau đó ở Mỹ, số công ty xin rút niêm yết tăng lên đáng kể, trong đó nhiều công ty đã viện ra lý do vì những gánh nặng và chi phí tăng thêm cho việc tuân thủ các quy định của đạo luật này.
Điều này cho thấy, lựa chọn đăng ký niêm yết hay tự nguyện rút niêm yết là do bản thân lãnh đạo DN tự cân nhắc lợi - hại và là chuyện của nội bộ DN. Vai trò của cơ quan quản lý ở đây có lẽ nên là tạo nền tảng pháp lý sao cho quyền lợi của cổ đông được đảm bảo và DN có thể lựa chọn phương án nào phù hợp với mình nhất, hơn là áp đặt một quan điểm "tốt - xấu" đối với lựa chọn rút niêm yết của DN.
Còn nếu ai đó cho rằng, nếu cho phép chuyện xin rút niêm yết diễn ra dễ dàng có thể tạo thành một "phong trào" xin rút niêm yết thì cần nghĩ tới hai điểm.
Thứ nhất, rút niêm yết, có lợi hay có hại, cũng giống như việc đăng ký niêm yết vậy. Công ty khi muốn rút niêm yết sẽ phải cân nhắc kỹ những yếu tố này và bản thân các cổ đông khi bỏ phiếu cho quyết định này cũng sẽ phải suy nghĩ kỹ.
Vì vậy, cái gọi là phong trào hay chạy theo số đông là hành động thiếu suy nghĩ cẩn trọng và không phải là tình huống có thể dễ dàng xảy ra. Người ta có thể có hành vi bầy đàn với những diễn biến giá ngắn hạn, nhưng với những quyết định quan trọng có nhiều thời gian để suy nghĩ, không thể đơn thuần giả định rằng các công ty sẽ có hành vi bầy đàn hay chạy theo phong trào một cách ngây thơ.
Thứ hai, nếu có tình huống chạy theo phong trào này, thì nhiều khả năng các DN xin rút niêm yết cũng chính là những công ty trước đây đã "niêm yết theo phong trào", không xác định mục tiêu lợi ích dài hạn trong việc niêm yết cổ phiếu và như vậy, nhiều khả năng là các công ty có thanh khoản thấp và không huy động được vốn đáng kể qua TTCK.
Một TTCK vững mạnh có lẽ cũng không cần những công ty như vậy niêm yết cho "đông vui". Đây sẽ là một cơ hội để sàng lọc lại điều kiện niêm yết và chất lượng cổ phiếu, để TTCK có thể thật sự phản ánh vai trò kênh huy động vốn cho công ty niêm yết.
Cần đảm bảo quyền lợi cổ đông
Điều cần quan tâm là khi công ty rút niêm yết, quyền lợi của cổ đông sẽ được đảm bảo ra sao. Bản thân mỗi nước có một bộ luật khác nhau về lĩnh vực chứng khoán, về công bố thông tin của công ty đại chúng và mức độ bảo vệ nhà đầu tư khác nhau, do đó cũng có quy trình khác nhau về việc rút niêm yết. Quy trình rút niêm yết ở Mỹ có thể đơn giản hơn so với một số thị trường có trình độ thấp hơn khác, vì Mỹ có những quy định khác về công bố thông tin và bảo vệ nhà đầu tư.
Ở thị trường kém phát triển hơn, cơ quan quản lý sẽ phải có quy định rõ ràng hơn như các quy định về mua lại cổ phiếu, tùy theo thị trường mà có nơi quy định giá sàn, có nơi không và cách thức xác định giá mua lại cũng rất khác nhau.
Cho nên, nếu nói tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuyện này thì khó mà nói phải tham khảo kinh nghiệm của nước nào. Tuy nhiên, có hai điểm mà nhiều nước cùng đề cập trong các quy định của mình.
Thứ nhất là làm sao đảm bảo quyền lợi của cổ đông khi bán lại cổ phiếu cho công ty (nếu công ty đề nghị mua lại cổ phiếu) và thứ hai là quy định bảo vệ cổ đông thiểu số quyết định vẫn giữ lại cổ phiếu của công ty sau khi rút niêm yết.
Điều thứ nhất liên quan đến quy định chào mua lại cổ phiếu, cách xác định giá mua lại và các chi tiết có thể tham khảo quy định của nhiều thị trường đang phát triển khác ở Ấn Độ, Đông Âu và trong khu vực Đông Nam Á, để điều chỉnh cho phù hợp thực tế TTCK Việt Nam sao cho thuận lợi cho cả DN và cổ đông.
Điều thứ hai, chủ yếu nhắm tới vấn đề công bố thông tin sau khi rút niêm yết. Có một số nhà nghiên cứu trường hợp của Mỹ cho rằng, thực tế trong giai đoạn sau khi Sarbanes -Oxley có hiệu lực ở Mỹ, số công ty xin rút niêm yết tăng lên là do ở một số DN, việc điều hành không hiệu quả và thiếu minh bạch và họ e ngại tác động của đạo luật Sarbanes-Oxley sẽ phơi bày những mảng tối trong cách điều hành, nên quyết định "đi vào bóng tối". Tuy các nghiên cứu này còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng nó hoàn toàn có thể là sự thật. Nếu là như vậy, lợi ích của cổ đông thiểu số tại các công ty sau khi rút niêm yết có thể bị tổn hại.
Trong trường hợp một số thị trường phát triển như Mỹ, việc rút niêm yết không nhất định đồng nghĩa với việc không còn nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng. Tùy vào số cổ đông của công ty mà công ty còn những nghĩa vụ công bố thông tin gì.
Điều này có thể là một gợi ý để cơ quan quản lý tham khảo phương hướng xử lý các tình huống công bố thông tin sau khi rút niêm yết, ví dụ duy trì một số quy định công bố thông tin nếu số cổ đông còn lại trong công ty vượt quá một con số nhất định (một số nước dùng các con số như 300 hay 500 cổ đông chẳng hạn làm mức giới hạn).
Nói tóm lại, việc xin rút niêm yết tuy có thể là lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam, nhưng không bất bình thường so với những gì đã và vẫn đang diễn ra trên các TTCK thế giới, nên không có gì phải quá lo ngại về tác động của nó (nếu có tác động xấu, có thể nó chỉ phản ánh hiện trạng thị trường nhiều hơn là gây ra vòng xoáy gì tệ hại hơn).
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần cân nhắc các giải pháp xử lý phù hợp với điều kiện Việt Nam, sao cho quyền lợi của cổ đông được đảm bảo, mà DN cũng có thể thuận tiện rút niêm yết.
Thực hiện việc rút niêm yết mà ai cũng tạm hài lòng (dù gì đây không phải là tin vui để mà hoàn toàn hài lòng), thì sẽ giới hạn được những tác động xấu về tâm lý có thể xảy ra cho thị trường.
Lợi ích và thiệt hại có thể xảy ra đối với công ty xin rút niêm yết Lợi ích Thiệt hại * Giảm gánh nặng trách nhiệm của ban lãnh đạo trong việc giám sát tuân thủ quy định về minh bạch thông tin và điều hành DN. * Giảm chi phí công bố thông tin. * Không phải công bố những thông tin mà trước khi niêm yết công ty còn xem là bí mật kinh doanh. * Linh hoạt hơn trong các quyết định kinh doanh, không phải qua nhiều tầng nấc biểu quyết và ràng buộc. * Hình ảnh của công ty có thể bị tổn hại, đối tác và công chúng có thể thắc mắc về nguyên nhân thật sự của việc rút niêm yết có phải là do công ty hoạt động không tốt. * Công ty không minh bạch thông tin có thể dẫn đến nhiều hành vi tổn hại lợi ích của cổ đông thiểu số * Cổ phiếu kém thanh khoản hơn. * Khi TTCK tốt trở lại và trở thành kênh thu hút vốn hiệu quả thì lại phải tốn chi phí và thời gian xin niêm yết trở lại.
THEO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN