NĐT có quyền đòi hỏi báo cáo tài chính phải phản ánh trung thực nhất tình hình tài chính của DN. Tuy nhiên, khi kiểm toán các DN niêm yết, các công ty kiểm toán gặp rất nhiều áp lực.
Đầu tiên là việc đáp ứng mức độ kỳ vọng của các NĐT. Đối với những người trong ngành, khi đọc báo cáo tài chính đã kiểm toán thì ngầm hiểu báo cáo chỉ ở mức độ "trung thực" và "hợp lý”, không thể chính xác hoàn toàn được.
Hơn nữa, đối với các DN niêm yết, báo cáo tài chính dễ bị "soi" hơn so với các loại hình DN khác. Nếu có vấn đề phát sinh cũng thu hút sự chú ý nhiều hơn. Vô hình trung tạo áp lực lên kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán các DN niêm yết. Thứ hai là hệ thống kiểm soát nội bộ của các DN trong nước vẫn chưa theo kịp chuẩn quốc tế, vì vậy rủi ro càng lớn hơn.
Có những ngành mang tính đặc thù, khi thực hiện kiểm toán không dễ gì làm rõ những vấn đề trong báo cáo tài chính của DN được, điển hình là ngành thủy sản.
Chẳng hạn, kiểm toán công ty thủy sản thì khoản mục khó nhất là hàng tồn kho và các khoản phải thu. Đối với khoản mục hàng tồn kho, khi kiểm vùng nuôi của DN, kiểm toán viên không thể biết có bao nhiêu cá hoặc tôm trong ao, nên chủ yếu dựa theo báo cáo của DN, không thể xác minh tính trung thực và hợp lý được.
Do đó, kiểm toán viên thường loại trừ khoản mục hàng tồn kho trong ý kiến kiểm toán. Thực tế, ý kiến ngoại trừ chỉ thích hợp với các DN chưa niêm yết.
Tuy áp lực là vậy, nhưng mức phí kiểm toán các DN niêm yết lại không cao. Chủ yếu các công ty kiểm toán nhắm đến việc xây dựng tên tuổi, vị thế trong ngành. Do đó, các công ty kiểm toán phải cân đối giữa lợi ích và chi phí, tức thù lao kiểm toán và khối lượng công việc bỏ ra.
Từ đó phát sinh tình trạng phí kiểm toán không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến thực tế là các công ty kiểm toán không thể tập trung quá nhiều nguồn lực chỉ để kiểm một DN niêm yết.
Liên quan đến mức phí kiểm toán hiện nay, qua trao đổi với các công ty kiểm toán nhỏ thì hầu hết đều cho rằng chỉ duy trì dịch vụ kiểm toán, không có ý định đẩy mạnh hoạt động này vì các công ty thường cạnh tranh nhau bằng cách giảm phí kiểm toán (chưa kể việc phải chi hoa hồng ngược lại cho khách hàng – thường là giám đốc hoặc kế toán trưởng).
Hoạt động các công ty kiểm toán nhắm đến là quyết toán thuế, được cho là mảnh đất màu mỡ để khai phá. Chính vì suy nghĩ chỉ duy trì mảng kiểm toán như hiện nay nên một số công ty kiểm toán không mặn mà nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng không muốn mất khách hàng nên thường "mắt nhắm mắt mở" khi kiểm các DN niêm yết.
Một vấn đề nữa tồn tại hiện nay là đa số kiểm toán viên đều xác định làm kiểm toán để tích lũy kinh nghiệm rồi "bay nhảy" qua các công ty khác. Các công ty khác ở đây chính là khách hàng đang thực hiện kiểm toán. Để duy trì quan hệ (ở góc độ cá nhân) đối với DN, kiểm toán viên thường có xu hướng "dĩ hòa vi quý”, có phát hiện sai sót cũng không làm căng.
Hội đồng quản trị: Khó ăn, khó nói
Với lý lẽ trên, có thể thấy hiện nay NĐT không thể trông chờ vào đội ngũ kiểm toán, mà buộc phải trông đợi trách nhiệm của HĐQT. Trong hội thảo Việt Nam Holding lần 8 "Xây dựng hội đồng quản trị hiệu quả, vai trò chiến lược cho phát triển bền vững", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra khá nhiều quan điểm.
Theo ông, giá trị của thành viên HĐQT là "nhìn ra tiền", "suy nghĩ thành tiền" chứ không phải "làm ra tiền", đồng thời biết giám sát để làm ra tiền theo cách nhìn và suy nghĩ đó. Vai trò của đội ngũ này không chỉ giúp DN phát triển hiệu quả, mà còn có thể bảo vệ được quyền lợi của cổ đông.
Nói như thế vì hiện tại ở Việt Nam, nhiều thành viên HĐQT thiên về điều hành hơn là quản lý chiến lược và giám sát. Thậm chí, "chạy theo" lợi ích ngắn hạn. Vì vậy, chiến lược họ đưa ra yếu và hệ thống giám sát, đánh giá yếu, kém hiệu quả. Đồng thời, ông Cung cũng cho rằng, ở Việt Nam, HĐQT nắm hết quyền lực trong công ty, nắm cả quyển cổ đông, quyền điều hành, quyền quản trị.
Bởi vì, đa số thành viên HĐQT vẫn là cổ đông lớn, hoặc người đại diện của cổ đông lớn, và cũng chưa có sự tách biệt rõ nét giữa chủ sở hữu và người quản lý. Trong khi đó, thành viên không điều hành không phải là thành viên độc lập, mà là thành viên "rất phụ thuộc" vào chủ tịch HĐQT và các thành viên điều hành khác.
Do đó, cần phải thay đổi được tư duy của HĐQT thì quyền lợi của NĐT mới được đảm bảo thay vì trông đợi vào đội ngũ kiểm toán độc lập như hiện nay.
Nhiểu DN cũng đồng tình rằng NĐT không trông đợi nhiều vào đội ngũ kiểm toán vì trên thực tế, dù Bộ Tài chính định kỳ kiểm tra hồ sơ của các công ty kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng muốn làm được điều đó cần kết hợp với các giải pháp khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của toàn ngành.
Việc quy định mức sàn đối với phí kiểm toán các DN niêm yết cũng là một giải pháp đáng để suy nghĩ. Quy định mức sàn có thể căn cứ vào phạm vi vốn điều lệ của DN niêm yết. Điều này hạn chế hiện tượng phá giá để giành khách hàng của nhau. Ngoài ra, mức chế tài cũng nên xem xét điều chỉnh theo hướng nặng hơn.
Ví dụ: Ngoài việc "treo" chứng chỉ hành nghề của kiểm toán viên, Bộ Tài chính có thể áp mức phạt đối với công ty kiểm toán, căn cứ vào mức độ sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Như vậy khi tiếp nhận khách hàng mà công ty kiểm toán đánh giá là rủi ro cao, công ty kiểm toán có thể từ chối kiểm toán; và khi đã ký hợp đồng mới nhận thấy mức độ rủi ro cao thì phải mạnh dạn đưa ra ý kiến kiểm toán trung thực, không thể có tình trạng thỏa hiệp khi kiểm toán DN được.
Cuối cùng là công bố rộng rãi tên công ty kiểm toán vi phạm, để NĐT đánh giá chất lượng dịch vụ của từng công ty kiểm toán và đưa ý kiến lựa chọn kiểm toán viên ở các kỳ đại hội cổ đông.
*Giáo sư Tomas Casas Klett đến từ Đại học St.Gallen, Thụy Sĩ: Thay đổi cách thức để có HĐQT hiệu quả Hiện Trung Quốc là nước thay đổi nhiều về cơ cấu sở hữu, giảm sở hữu của nhà nước trong các ngành nghề quan trọng. Việt Nam cũng vậy, để quản lý và định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động lâu dài của DN trong một thị trường minh bạch có sự tham gia của cổ đông, vai trò của HĐQT bắt buộc nâng cao. Cụ thể, trước đây quyền lực quản lý nằm trong tay các tổ chức, ngân hàng hoặc các gia đình giàu có, điều này cũng đồng nghĩa với khả năng nảy sinh những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cổ đông có quyền lực, thành phần quản lý của công ty và các cổ đông thiểu số. Đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam cần thiết sử dụng những mô hình quản trị trung gian để thể hiện tính minh bạch, mạnh dạn cơ cấu đội ngũ quản trị… Điều này không chỉ giúp tăng lợi ích cho cổ đông, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài mà các DN còn có thể nâng cao vị thế trên thị trường, giúp DN phát triển ổn định và hiệu quả. *Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Người đứng đầu đang tư lợi riêng Thực trạng rất phổ biến là chủ tịch HĐQT thường kiêm giám đốc điều hành và là người đại diện theo pháp luật, tức là người điều hành có nhiều quyền lực nhất trong công ty. Vì vậy, quyền lực tập trung vào một người và người đó vừa là người tìm ra chiến lược, vừa điều hành, nên nguy cơ lạm dụng vị thế được giao là rất lớn. Nguy cơ này đặc biệt cao trong công ty có tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn. Như vậy, bản thân HĐQT của nhiều công ty Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu, như vi phạm bổn phận hay nghĩa vụ của người quản lý, nhất là nghĩa vụ trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông. Đồng thời, lợi ích của cổ đông thiểu số và người có liên quan rất dễ bị tổn thương, không cân đối, hài hoà lợi ích giữa công ty và cổ đông, giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Hoạt động của HĐQT nói chung và từng thành viên có nguy cơ bị "bị hình thức hóa" và kém hiệu quả. Việc tranh chấp quyền điều hành công ty cũng vì vậy trở nên phổ biến. Ngoài ra, vai trò của ban kiểm soát rất mờ nhạt do được thành viên HĐQT chỉ định, thường "đóng dấu cho HĐQT trong trường hợp cần thiết" chứ không giữ vai trò giám sát hoạt động của HĐQT. Trong thời gian tới, việc sửa Luật DN sẽ chú trọng đến việc thay đổi một số vấn đề liên quan đến HĐQT, như sẽ đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong việc xây dựng mô hình HĐQT. *Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Luật Kinh doanh Việt: Vai trò của thành viên HĐQT độc lập chỉ là "cho có” Việt Nam mới chỉ "bắt chước" các nước về việc có thành viên độc lập trong HĐQT. Đó là quy định đối với công ty đại chúng, nhưng thực sự họ vẫn chưa thể hiện vai trò của mình, tức đưa ra các ý kiến phản biện trước các chiến lược kinh doanh của công ty. Đồng thời, do số lượng những chuyên gia am hiểu ngành nghề công ty và có thể đưa ra lời khuyên kịp thời chưa nhiều, nên vai trò của họ trong HĐQT vẫn chỉ là "cho có". |