Báo ĐTCK từng có bài phản ánh về việc cổ phiếu của CTCP Quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad (VNX) được giao dịch trên UPCoM với giá trên dưới 3.000 đồng/CP, nhưng HĐQT VNX quyết định mua lại 41.910 cổ phiếu từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với giá 34.000 đồng/CP để làm cổ phiếu quỹ. Nhìn lại câu chuyện này từ hai phía người bán và người mua cho thấy, những quy định pháp lý đang là rào cản khiến cho SCIC khó thoái vốn, cổ đông bức xúc và DN lâm vào thế kẹt.
Xét từ phía người bán, SCIC đang phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 117/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nội bộ SCIC cũng có các quy định chặt chẽ về định giá, bán đấu giá, bán thỏa thuận, thời điểm bán...… vốn nhà nước. Nguyên tắc cơ bản của các quy định này là SCIC không thể bán vốn nhà nước với giá thấp hơn mức giá đấu thành công bình quân trước đó. Nghĩa là, nếu chiếu theo quy định hiện hành, trong trường hợp cụ thể tại VNX, rất khó để SCIC có thể thoái vốn ở mức giá thấp hơn 34.000 đồng/CP, mức giá đã được một đơn vị tư vấn định giá và chào bán thành công hồi đầu năm nay. Điều đáng nói là, trong bối cảnh TTCK suy giảm mạnh như hiện nay, rất nhiều cổ phiếu có thị giá thấp hơn nhiều lần so với giá đấu thành công khi cổ phần hóa trước đó, khiến việc thoái vốn nhà nước tại những DN này dễ lâm cảnh bế tắc.
Từ phía người mua, Ban lãnh đạo VNX cho rằng, việc mua cổ phiếu quỹ với giá 34.000 đồng/CP sẽ giúp Công ty hoạt động ổn định, có lợi cho Nhà nước. Ban lãnh đạo VNX cũng rất rõ về các nguyên tắc mà SCIC phải tuân thủ. Bởi vậy, khả năng VNX thương thảo giảm giá bán là không thể. Tuy nhiên, các cổ đông còn lại tại VNX sẽ rất thiệt thòi nếu Công ty quyết định mua cổ phiếu quỹ với giá như trên.
Bên cạnh đó, Điều 91 Luật Doanh nghiệp quy định, trong trường hợp số cổ phiếu mua lại không quá 10% thì HĐQT có quyền quyết định. Tại VNX, số cổ phiếu mua lại khoảng 4%, thuộc thẩm quyền của HĐQT và HĐQT quyết định giá mua lại. Song cũng có một nguyên tắc được quy định trong Luật Doanh nghiệp, đó là giá mua lại không được cao hơn giá thị trường. Không những thế, đối chiếu quy chế giao dịch tại các Sở GDCK, thì việc mua lại cổ phiếu còn phải đảm bảo yếu tố không làm ảnh hưởng tới giá thị trường.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bất kể là DN mua thỏa thuận hay chào mua công khai, thì giá mua lại phải căn cứ trên giá thị trường để đảm bảo lợi ích của cổ đông đại chúng. Ngoài ra, nếu VNX mua lại với giá 34.000 đồng/CP, thì phải mua đều cho tất cả các cổ đông có nhu cầu bán, việc mua lại cho riêng một cổ đông sẽ làm thiệt hại lợi ích của cổ đông khác.
Có thể thấy, xét trên từng góc độ, các quan điểm trên đều có lý, nhưng nó lại đẩy ban lãnh đạo DN vào thế khó, khi cổ đông phản đối và khẳng định sẽ khởi kiện để ngăn cản việc mua cổ phiếu quỹ với giá gấp 10 lần giá thị trường như tại VNX. Do đó, để SCIC có thể thực hiện việc thoái vốn nhà nước thành công, những quy định về việc bảo toàn vốn nhà nước có lẽ cần được sửa đổi sao cho hợp với quy luật thị trường hơn.
Theo: Vietstock.