1. Tổng quan sự khác nhau của hệ thống báo cáo tài chính Việt Nam và Quốc tế.
Khác với VAS, IAS mặc dù đưa ra rất chi tiết các định nghĩa, phương pháp làm, cách trình bày và những thông tin bắt buộc phải có trong các báo cáo tài chính nhưng họ không đưa ra những biểu mẫu báo cáo bắt buộc tất cả các công ty phải tuân theo vì họ hiểu các công ty có quy mô, đặc điểm ngành nghề kinh doanh rất khác nhau. Chế độ kế toán Việt Nam không những đưa ra một hệ thống tài khỏan kế toán thống nhất bắt buộc mà còn đưa ra các biểu mẫu báo cáo tài chính thống nhất bắt buộc cho tất cả các doanh nghiệp áp dụng (hầu hết các quốc gia trên thế giới không làm như vậy).
2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
2.1 Lãi từ hoạt động kinh doanh không theo thông lệ quốc tế và khó có ý nghĩa để so sánh và quản trị. Lãi từ hoạt động kinh doanh (Operating Profit/ Income) của một công ty rất quan trọng, nó là nguồn lãi quan trọng nhất và ổn định nhất của một doanh nghiệp. Khác với các nguồn lãi từ các hoạt động tài chính hay các hoạt động khác về nguyên tắc thường không ổn định và khó dự đoán. Chính vì vậy trong chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế lãi kinh doanh là các khoản lãi lỗ từ các họat động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, không bao gồm các khoản thu nhập và chi phí tài chính (chi phí lãi vay). Tuy nhiên theo VAS 21 “Trình bày các báo cáo tài chính” thì “Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh” bao gồm cả lợi nhuận và chi phí tài chính.
Để dễ hiểu hơn chúng ta hãy xem ví dụ sau. Công ty X trong năm 2009 có doanh thu bán hàng là 100 tỷ đồng, giá vốn hàng bán là 60 tỷ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý chung tương ứng là 12 tỷ và 8 tỷ. Trong năm công ty có hoạt động bán cổ phiếu lãi 50 tỷ và chi phí lãi tiền vay là 10 tỷ. Với các thông tin trên, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009 của công ty X được trình bày theo chuẩn mực (thông lệ) quốc tế và Việt Nam như sau.
Theo IAS, công ty X có lãi kinh doanh là 20 tỷ, đó là kết quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty mà chưa gồm thu nhập tài chính và chi phí lãi tiền vay. Điều này cho phép các nhà đầu tư có thể dự đoán, trong những năm tới nếu các điều kiện khác không thay đổi, lãi kinh doanh của công ty cũng sẽ ở mức 20 tỷ, cộng một tỷ lệ tăng trưởng nào đó. Tuy nhiên nếu theo VAS, công ty X có “lãi thuần kinh doanh” lên đến 60 tỷ do nó bao gồm lãi kinh doanh theo IAS cộng thêm khoản lãi kinh doanh chứng khoán 50 tỷ và trừ chi phí lãi vay 10 tỷ. Theo cách trình bày này các nhà đầu tư dễ nhầm lẫn tai hại rằng lãi kinh doanh của công ty X là 60 tỷ, năm tới nếu không có gì đặc biệt nó cũng ở mức tương tự. Tuy nhiên khoản lãi 50 tỷ bán cổ phiếu chỉ là một trường hợp đặc biệt và nó sẽ không xuất hiện trong năm tới!
EPS là một trong những chỉ tiêu được sử dụng thường xuyên nhất đối với các nhà đầu tư, và cũng ảnh hưởng lớn đối với giá cổ phiếu công ty. Tuy nhiên VAS và các hướng dẫn về nó vẫn còn chưa đầy đủ cũng như việc triển khai thực hiện nó còn có nhiều vấn đề.
EPS cơ bản: Theo VAS 30, thông tư số 21/2006/TT-BTC hướng dẫn VAS 30 và IAS 33, EPS cơ bản đều được tính theo công thức sau:
EPS cơ bản = Tổng lãi/(lỗ) thuần thuộc các cổ đông phổ thông .
Số bình quân gia quyền cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ
a) Tử số:
- Lãi thuộc cổ đông phổ thông nhưng lại chưa trừ các quỹ không thuộc cổ đông: VAS 30 không đề cập đến việc phải điều chỉnh giảm các khoản lãi nhưng không dành cho cổ đông phổ thông như quỹ khen thưởng khách hàng, quỹ thưởng cho Hội Đồng Quản Trị, và đặc biệt là Quỹ Khen Thưởng Phúc Lợi dành cho nhân viên. Những khoản này theo IAS nó được ghi nhận là các khoản chi phí để trừ ra khỏi lãi dành cho cổ đông. Thông thường sau một năm hoạt động có lãi, các công ty thường dành khoảng 5-15% tổng số lãi thuần sau thuế để chi cho nhân viên dưới hình thức lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi. Có những công ty tỷ lệ này năm 2009 lên đến 30% như Than Núi Béo (NBC trên sàn HNX)
b) Mẫu số: Số bình quân gia quyền của các cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ. Tuy nhiên những sự kiện chia tách cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ phiếu được tính từ ngày đầu tiên trong kỳ (xem chi tiết phần 2.3.).
2.3. EPS không điều chỉnh hồi tố hoặc điều chỉnh hổi tố chưa đầy đủ. Thông tư 21 hướng dẫn VAS 30 đã đề cập khá rõ ràng là trong những trường hợp gộp, chia tách và thưởng cổ phiếu mà không có bất cứ một sự tăng, giảm về dòng tiền, hay tài sản và nguồn vốn đối với công ty, thì cổ phiếu gộp, chia tách, thưởng mặc dù phát sinh bất cứ thời điểm nào trong kỳ cũng phải được tính vào ngày đầu tiên của năm báo cáo. Và cũng sẽ điều chỉnh tương ứng cho số cổ phiếu của những năm trước để có tính so sánh giữa các năm. Mặc dù thông tư 21 không đề cập đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (stock dividend), nhưng bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giống như thưởng cổ phiếu (bonus issue), điều này được ghi rất rõ trong IAS 33. Đề nghị chế độ kế toán Việt Nam nên bổ sung việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để việc thực hiện tại các công ty dễ dàng hơn. Kể cả trong trường hợp chưa có hướng dẫn bổ sung việc này thì các doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh cho đúng bản chất mà nó không trái với các quy định của chuẩn mực, làm như vậy là đúng với VAS 30.
Ví du: công ty A có 10 triệu cổ phiếu, ngày 30.6.2009 công ty quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, Hay chia cổ phiếu thưởng, 100 cổ phiếu hiện hữu được chia 20 cổ phiếu mới. Tính EPS năm 2009 và EPS tương ứng năm 2008 nếu tổng số lãi của A năm 2009 và 2008 tương ứng là 40 tỷ và 34 tỷ đồng. Kỳ kế toán là từ 1.1 đến 31.12 hàng năm.
Giải: Năm 2009 Năm 2008
1. Lãi thuần sau thuế (triệu đ) 40.000 34.000
2. Số cổ phiếu đầu kỳ (ngày 1.1), (triệu) 10 10
3. Cổ phiếu thưởng phát hành (triệu) 2* 2 **
4. Tổng số cổ phiếu lưu hành bq (triệu) 12 12
5. EPS cơ bản (=(1)/(4)) 3.333 đ/CP 2.833 đ/CP
* Mặc dù thưởng hay chia cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện ngày 30.6.2009 nhưng khi lập báo cáo tài chính năm 2009, công ty sẽ phải tính số cổ phiếu tăng thêm ngay từ ngày đầu năm, ngày 1.1.2009.
* * Trong báo cáo tài chính năm 2009, để thấy được xu hướng EPS qua các năm, chúng ta phải điều chỉnh (hồi tố) lại EPS năm 2008 và các năm trước đó bằng cách tăng số cổ phiếu thưởng của năm 2009 vào cả năm 2008 và các năm trước đó (thường là 5 năm, cả năm hiện tại). Nếu không điều chỉnh số 2 triệu cổ phiếu thưởng cho năm 2008, thì EPS gốc 2008 là 3.400 đ/CP (=34 tỷ/10 triệu CP) cao hơn so với năm 2009, nó không phản ánh đúng xu hướng EPS. Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết, hầu hết chưa thực hiện việc điều chỉnh hồi tố này, làm các nhà đầu tư rất khó khăn để có được thông tin chính xác về EPS .
Trường hợp phát hành quyền mua (Rights Issue): Đó là phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại. Do vậy ở đây đã bao gồm một yếu tố thưởng. Để tính được EPS khi có phát hành quyền mua, đầu tiên chúng ta cần tính giá quyền mua lý thuyết (Theoretical ex-rights price).
Ví dụ: Công ty HAP có 3.850.250 cổ phiếu đang lưu hành từ đầu năm 2006. Ngày 16/6/2006 HAP phát hành thêm 1.925.125 cổ phiếu (cứ hai cổ phiếu hiện hữu được quyền mua 1 cổ phiếu mới) với giá 25.000 đ/cp. Giá cổ phiếu ngày cuối cùng chốt danh sách phát hành ngày 15/6/2006 là 55.000đ/cp.Yêu cầu tính:
1.Giá lý thuyết quyền mua 1 cổ phiếu?
2.EPS năm 2006? Biết rằng lãi thuần sau thuế năm 2006 là 16 tỷ đồng.
3.Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và 2004? Biết rằng lãi thuần năm 2005 là 14,58 tỷ và EPS gốc năm 2004 là 4,492 đ/cp.
- Trước khi phát hành: 2 CP x giá 55.000 đ/CP = 110.000 đ
- Giá lý thuyết quyền mua mỗi CP bình quân =135.000 đ/3 = 45.000 đ/CP.
- Số cổ phiếu trước ngày phát hành quyền mua là 3.850.250 CP sẽ được nhân với tỷ lệ giữa giá thị trường ngày cuối cùng trước khi phát hành (55.000đ/CP) và giá lý thuyết quyền mua (45.000đ/CP)
- Số cổ phiếu bình quân của cả năm được tính theo 2 giai đoạn là:
Giai đoạn trước khi phát hành cổ phiếu giá thấp. Vì nó có yếu tố thưởng do vậy giống như việc tính EPS điều chỉnh cho việc thưởng cổ phiếu nêu ở trên, chúng ta phải nhân số cổ phiếu với hệ số thưởng này. Hệ số thưởng bằng:
Giá thị trường ngày cuối trước khi chốt sổ phát hành = 55
Giá lý thuyết quyền mua 45
Như vậy số cổ phiếu bình quân của cả năm sẽ được tính như sau:
3.850.250 cp x 5,5 tháng/12 tháng x 55/45 = 2.156.853 cp
(3.850.250 + 1.925.125) x 6,5 tháng/12 tháng = 3.128.328 cp
EPS năm 2006 = 16 tỷ/ 5.285.181 cp = 3.027 đ/cp
Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và năm 2004 (Khi lập báo cáo năm 2006 để so sánh với năm 2005, 2004):
Giá thị trường ngày cuối trước khi phát hành mới
Lưu ý: Hệ số điều chỉnh này là đảo ngược của hệ số điều chỉnh số cổ phiếu ở phần trên.
- EPS gốc năm 2005 = 14,58 tỷ đ/ 3.850.250 cp = 3.787 đ/cp
- EPS điều chỉnh năm 2004 = 4.492 đ/cp x 45/55 = 3.675 đ/cp
Khi phân tích tăng trưởng EPS các năm, nhà đầu tư cần phải so sánh các EPS đã điều chỉnh chứ không phải so sánh EPS gốc.
2.4. Không trình bày EPS pha loãng (Diluted EPS) trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
Các công ty có thể phát hành các cổ phiếu tiềm năng như như trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, các quyền mua hay chứng quyền (options or warrants) mà nó sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai. Khi đó EPS của công ty sẽ thay đổi rất lớn do công ty tăng một lượng lớn cổ phiếu phổ thông nhưng không có thêm dòng tiền vào. Trong những hợp như vậy, nếu nhà đầu tư dùng EPS cơ bản để dự đoán EPS cho tương lai có thể sẽ dẫn đến những sai lầm rất nghiêm trọng. Bởi vậy IAS 33 yêu cầu bắt buộc báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty phải trình bày cả hai chỉ tiêu EPS cơ bản và EPS pha loãng trên bề mặt của Báo Cáo Kết Quả Kinh Doanh với mức độ nổi bật như nhau.
a) Lãi: Là lãi dùng để tính EPS cơ bản và được điều chỉnh bởi các ảnh hưởng sau thuế của các khoản:
a) Các khoản lãi suất tiền vay trong kỳ của các trái phiếu chuyển đổi tiềm năng
b) Các khoản cổ tức của các cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi tương lai mà chúng đã được trừ ra khỏi khi tính lãi cho EPS cơ bản.
c) Các khoản thay đổi khác trong thu nhập và chi phí (phí, chiết khấu, tiền thưởng) mà chúng là kết quả của việc chuyển đổi các trái phiếu chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
b) Số cổ phiếu: là số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông dùng để tính EPS cơ bản cộng với các cổ phiếu phổ thông mà chúng sẽ được phát hành từ việc chuyển đổi tất cả các cổ phiếu tiềm năng (trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi) thành các cổ phiếu phổ thông. Chúng ta luôn phải giả định các cổ phiếu tiềm năng này sẽ được chuyển đổi thành các cổ phiếu phổ thông vào ngày đầu tiên của kỳ báo cáo.
Ví dụ: Ngân hàng ABC năm 2007 có lãi thuần sau thuế là 1.680 tỷ đồng và có khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân là 198,8 triệu CP, EPS cơ bản năm 2007 là 8.451 đ/CP. ACB đã phát hành hai đợt trái phiếu chuyển đổi với tổng số tiền là 1.900 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm và sẽ chuyển đổi thành 190 triệu cổ phiếu phổ thông trong vòng 1-3 năm tới. Tỷ lệ thuế TNDN là 28%. Tính EPS pha loãng của ACB năm 2007.
1. Tính số cổ phiếu phổ thông: 198,8 triệu + 190 triệu = 388,8 triệu CP.
2. Tính số lãi thuần :
Số lãi thuần hiện tại 1.680 tỷ
Cộng lãi suất tiền vay giảm (1.900 tỷ x 10%) = + 190 tỷ
Trừ thuế TNDN trên phần lãi vay (190 tỷ x 28%) = - 53,2 tỷ
Lãi thuần sau điều chỉnh 1.816,8 tỷ
3. EPS pha loãng = 1.816,8 tỷ/ 388,8 triệu CP = 4.673 đ/cp
Như vậy EPS pha loãng thấp hơn so với EPS cơ bản 3.778 đ/CP (=8.451 – 4.673) tức 45%.
3. Bảng cân đối kế toán (BCĐKT): Là một báo cáo tài chính quan trọng để phản ánh tình hình tài chính của một doanh nghiệp tại một ngày cụ thể.
3.1. Vốn chủ sở hữu bao gồm cả những khoản không thuộc chủ sở hữu. Như đã đề cập ở phần báo cáo kết quả kinh doanh. Một số khoản phải trả thưởng cho nhân viên, cho hội đồng quản trị như các quỹ khen thưởng phúc lợi, thực chất là các khoản phải trả chứ không thuộc vốn chủ sở hữu nhưng vẫn được báo cáo trong mục vốn chủ sở hữu. Nó cần phải được loại ra khỏi vốn chủ sở hữu và đối xử như các khoản chi phí phải trả.
3.2. Các khoản cổ tức phải trả theo đề nghị nên được ghi giảm “Lãi chưa phân phối”. Đa phần các công ty đều chia cổ tức lần cuối hoặc duy nhất sau kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường vào cuối quý 1 và đầu quý 2 năm tiếp theo. Tuy vậy khi lập báo cáo tài chính năm, các công ty thường đã có kế hoạch chia cổ tức cho năm rồi mặc dù nó có thể được công bố hay chưa. Xét về bản chất các khoản vốn chủ sở hữu là những khoản mà công ty được sử dụng lâu dài mà không phải lo trả nợ. Những khoản cổ tức này cho dù chưa có quyết định chính thức, mới chỉ có đề nghị từ Hội đồng quản trị hay sự ước tính của ban lãnh đạo công ty thì các công ty cũng nên ghi nó vào là một khoản cổ tức (ước tính) phải trả và ghi giảm phần vốn “Lãi chưa phân phối”. Làm được điều đó sẽ làm cho Bảng cân đối kế toán phản ánh chính xác hơn tình tình tài chính, vốn chủ sở hữu của công ty.
3.3. Các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và dài hạn dưới 20% vốn vào một công ty được đầu tư nên được báo cáo theo giá hợp lý có thể thực hiện được (giá thị trường) giống như IAS hơn là báo cáo theo giá vốn như VAS hiện nay (mặc dù có sự điều chỉnh nếu giá thị trường xuống thấp hơn giá vốn). Hiện nay do giá chứng khoán trên thị trường xuống ở mức khá thấp các nhà đầu tư nên xem phần thuyết minh các báo cáo tài chính liên quan đến việc lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, xem xét việc công ty có lập dự phòng đúng và trung thực theo quy định hay không? Nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh nếu công ty có khoản đầu tư tài chính lớn.
3.4. Các khoản phải thu, phải trả thương mại không nên bao gồm cả các khoản phải thu, phải trả cho các hoạt động đầu tư tài sản dài hạn (xem phần báo cáo lưu chuyển tiền tệ).
3.5. Giá trị của hàng tồn kho có thể không phải là giá trị hợp lý có thể thực hiện được do:
1) không được lập dự phòng một cách nghiêm túc theo giá trị thuần có thể thực hiện được, nhất là với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, rất nhiều loại hàng hóa phải giảm giá rất mạnh, mà vẫn rất khó bán.
2) chưa tính theo mức độ hoạt động bình thường của doanh nghiệp.Hầu hết các doanh nghiệp vẫn tính giá thành theo phương pháp thực tế (actual costing), phân bổ chi phí sản xuất chung cho thành phẩm theo chi phí thực tế phát sinh. Việc phân bổ theo thực tế có thể làm cho giá thành hàng tồn kho biến động lớn giữa các kỳ và nó không phản ánh đúng giá thành của hàng tồn kho. Theo IAS 2 và VAS 2 về “Hàng tồn kho”, các doanh nghiệp cần dùng phương pháp giá thành bình thường (normal costing). Các chi phí được tính và phân bổ theo mức độ hoạt động bình thường của doanh nghiệp (mức bình quân gia quyền của cả năm) như vậy giá thành sẽ đúng, ổn định hơn và có ý nghĩa hơn cho việc định giá bán.
3.6. Tài sản dài hạn không ghi nhận việc giảm giá do hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật (impairment losses). Ví dụ nếu một tài sản cố định bị hư hỏng hay bị lạc hậu về kỹ thuật không sử dụng được nữa hay bị giảm giá trị, theo IAS, công ty phải ghi nhận khỏan lỗ này ngay tại kỳ phát hiện ra việc này.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (LCTT). Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có thể bao gồm cả dòng tiền từ hoạt động đầu tư.
Báo cáo LCTT cung cấp các thông tin về các dòng tiền được chia làm ba loại hoạt động là 1) kinh doanh, 2) đầu tư và 3) tài chính (Operating, Investing & Financing). VAS 24 về Báo cáo LCTT đã định nghĩa “Hoạt động kinh doanh là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính.” và “Hoạt động đầu tư là các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền.”
Giả sử công ty A năm 2008 có lãi thuần sau thuế là 30 tỷ, chi phí khấu hao của năm là 5 tỷ, số dư các tài khoản tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn phải trả không đổi giữa đầu năm và cuối năm ngoại trừ khoản phải trả cho các nhà cung cấp về một công trình xây dựng là 40 tỷ. Theo IAS 7 và/ hoặc VAS 24 và thông tư 105/2003 TT-BTC ngày 4.11.2003 về hướng dẫn Báo cáo LCTT, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo LCTT theo phương pháp gián tiếp (phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất bởi các doanh nghiệp) sẽ như sau:
Dòng tiền hoạt động kinh doanh Tỷ đồng
Trừ tăng trong phải trả thương mại 0
Tuy nhiên có lẽ vì cách hướng dẫn tài khoản phải trả người bán bao gồm cả phải trả cho các nhà cung cấp tài sản dài hạn, vì vậy rất nhiều công ty đã không tách phần phả trả cho việc mua TSCĐ ra khỏi khoản phải trả thương mại nên họ đã lập báo cáo LCTT như sau:
Dòng tiền hoạt động kinh doanh Tỷ đồng
Như vậy theo cách 2 mà rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện, khoản phải trả để xây dựng tài sản cố định (thuộc hoạt động đầu tư) lại được ghi lẫn vào với hoạt động kinh doanh. Nó làm cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh không còn đúng ý nghĩa của nó nữa. Theo bản chất của giao dịch trên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty cho năm 2008 sẽ là 35 tỷ đồng. Nếu công ty hoạt động bình thường, các nhà đầu tư sẽ dự đoán là hàng năm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty sẽ dư ra khoảng 35 tỷ đồng để có thể tài trợ cho các hoạt động khác mà không cần đến các nguồn tài chính bên ngoài. Tuy vậy nếu nhìn vào báo cáo theo cách thứ 2, thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2008 là âm 5 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một vấn đề rất nghiêm trọng khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là số âm. Điều đó có thể làm cho các nhà đầu tư nghĩ rằng các hoạt động kinh doanh thông thường của công ty thu không đủ bù chi? Chất lượng khoản lãi của công ty 30 tỷ cũng như tình hình tài chính của công ty là có vấn đề, không bình thường? Và nếu tiếp tục như vậy công ty có thể sẽ gặp nguy hiểm. Trong các báo cáo tài chính của các công ty có đầu tư mua sắm tài sản cố định nhiều mà chưa trả tiền, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có thể bị âm rất lớn (năm 2007 rất nhiều công ty bị tình trạng này).
Tóm lại các công ty Việt Nam nên trình bày báo cáo LCTT theo đúng VAS 24 về Báo cáo LCTT. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sẽ không bao gồm các hoạt động đầu tư, do đó theo phương pháp gián tiếp, tài khoản phải trả người bán và phải thu khách hàng sẽ không bao gồm những khoản phải thu và phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư mua sắm tài sản dài hạn. Nó chỉ bao gồm các khoảnn phải thu và phải trả thương mại (Trade Paybales/ Receivables) mà thôi.
Theo http://ketoantruong.com.vn