Bài viết dưới đây từ tạp chí Business Strategy Review, Trường kinh doanh London, tổng kết một số bài học quản lý rất Nhật Bản tại Fujitsu.
Tầm nhìn và những chi tiết
"Đối với chúng tôi điều thú vị nhất là biến công nghệ thành lợi nhuận kinh doanh", Phó chủ tịch Kazuo Ishida chia sẻ, "Trong quá trình này đương nhiên chúng tôi gặp nhiều sai lầm. Trong thời gian làm việc tại đây tôi đã điều hành 28 dự án với số lượng thành viên từ 50 đến 800. Một vài dự án kéo dài đến vài năm. Kết thúc dự án này tôi lại chuyển sang dự án khác. Tuy nhiên tôi không bao giờ hài lòng với kết quả đạt được. Tôi luôn nhìn lại cả quá trình và rút ra bài học ở những vấn đề tôi đã có thể giải quyết tốt hơn".
Fujitsu là một công ty công nghệ với nền tảng kinh nghiệm vững chắc về công nghiệp. Phần lớn lãnh đạo công ty bắt đầu sự nghiệp từ vị trí một kỹ sư. Vì vậy họ luôn chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Những kỹ sư tại đây thiên về thực thi nhiều hơn là lý thuyết hóa, và trong quá trình làm việc họ phát triển một tầm nhìn rộng hơn về ảnh hưởng của sáng tạo công nghệ lên xã hội nói chung. Tầm nhìn và những chi tiết tại đây luôn đồng hành.
Khách hàng là thượng đế
Một trong những quan điểm phổ biến trong giới công nghệ: khách hàng là những người dẫn đường sai lầm. Khách hàng được xem như những người dùng cuối không hiểu biết nhiều về công nghệ và do đó, họ không thể nói cụ thể họ muốn gì ở công nghệ.
Một trong những hệ quả là những công ty công nghệ cố gắng giữ chân những nhân viên tài năng nhiều hơn là cố gắng giữ chân những khách hàng hào phóng. Fujitsu, ngược lại, luôn coi khách hàng là thượng đế. Những lãnh đạo của Fujitsu thường xuyên trao đổi với khách hàng về những thay đổi mới nhất, tiềm năng trong công nghệ.
Một trong những nhà máy của Fujitsu |
Kazuo Ishida kể lại câu chuyện về những ngày đầu ông làm việc tại Fujitsu ở vị trí kỹ sư. "Tôi đến nơi làm việc của khách hàng và bắt đầu làm việc cùng với họ. Họ đã tưởng như tôi trở thành đồng ngiệp của mình. Đến bây giờ ở vị trí Phó chủ tịch, tôi vẫn dành ít nhất một nửa thời gian để làm việc với khách hàng".
Phát triển cùng khách hàng
Richard Christou, Phó chủ tịch Fujitsu, đồng thời cũng là người phương Tây duy nhất trong ban lãnh đạo công ty, chịu trách nhiệm phát triển thị trường quốc tế, chia sẻ "Bạn không thể định hình tương lai chỉ bằng cách bán hàng công nghệ. Bạn nhất thiết phải xây dựng một quy trình tương tác liên tục với khách hàng".
Khách hàng không đứng yên tại chỗ. Fujitsu coi khách hàng là những cơ hội phát triển. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bán hàng càng nhiều càng tốt cho mỗi khách hàng. Chiến lược lâu dài tại Fujitsu là tạo dựng nên sự phát triển của khách hàng, và Fujitse sẽ cùng phát triển theo đó.
"Chúng tôi theo dõi chi tiết quá trình làm việc với những công ty Nhật và những cơ hội phát triển cùng họ, cũng như những khách hàng khác của chung tôi khi họ mở rộng hoạt động kinh doanh và bước ra thị trường quốc tế. Khi công ty mở rộng hoạt động, họ cần những hệ thống hoạt động thống nhất, tương thích, những hệ thống mà họ đã quen dùng và có thể nhận được sự hỗ trợ, phục vụ nhanh nhất, dễ dàng nhất", Kenji Ikegai, Phó chủ tịch Fujitsu, chia sẻ.
Cũng theo Masahiko Yamada, chủ tịch một bộ phận kinh doanh trong công ty: "Ban đầu tôi luôn chú trọng đến công nghệ và chi phí. Nhưng sau này tôi mới biết khách hàng mới là ưu tiên hàng đầu". Rất nhiều công ty quá tập trung vào hợp đồng, trong khi Fujitsu chú trọng đến mối quan hệ cũng như tiềm năng phát triển của khách hàng.
Toàn cầu hóa và môi trường văn hóa đa dạng
Masami Yamamoto nói: "Chúng tôi cho rằng sự phát triển trong tương lai của Fujitsu phụ thuộc hoàn toàn vào việc chúng tôi có thể trở nên toàn cầu hóa hay không".
Richard Christou nhấn mạnh và cụ thể hóa quan điểm này "Tôi nghĩ chúng tôi có thời gian hai năm để trở nên toàn cầu hơn. Chúng tôi phải trở nên quyết đoán hơn vì nếu không thể vươn ra thị trường thế giới rộng hơn, chúng tôi sẽ thất bại".
Những cố gắng toàn cầu hóa đầu tiên bắt đầu từ việc xuất khẩu dịch vụ, sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đây cũng là mô hình toàn cầu hóa kiểu Mỹ phổ biến trong hai thập kỷ 1960 và 1970.
Đến thập kỷ 1980, 1990, một xu hướng mới đặt ra cho các công ty đang toàn cầu hóa là phải trở nên vừa toàn cầu, vừa bản địa, để có thể kết hợp sức mạnh toàn cầu hóa và những đặc trưng riêng của từng thị trường bản địa. Một trong những ví dụ điển hình là việc McDonald bắt đầu cung cấp thực đơn riêng cho từng quốc gia.
Đến nay, một mô hình toàn cầu hóa mới được phát triển, khi những công ty Ấn Độ bắt đầu vươn ra thị trường thế giới. Ưu tiên hiện nay là giữ vững những giá trị cốt lõi để có khả năng rộng mở và thấu hiểu những nét đặc trưng của từng thị trường và từng nền văn hóa riêng. Tại Fujitsu, chiến lược toàn cầu hóa đặt ra là giữ vững những giá trị cốt lõi Nhật Bản.
Niềm tin thầm lặng
Sự tôn trọng cá nhân và tính nhân văn là nét đặc trưng của nền văn hóa Nhật. Không phải sự cạnh tranh quyết liệt công khai, mà chính tính sáng tạo tập thể và đoàn kết, mới là nét đặc trưng trong hoạt động kinh doanh của các công ty Nhật.
Tại Fujitsu, chiến lược không hướng vào việc tạo nên những sản phẩm thật sự độc đáo, không thể thay thế. Chiến lược tại Fujitsu coi cải tiến công nghệ là một phần tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, môi trường sống và làm việc. Đây là một niềm tin rất sâu sắc và thầm lặng.
Cùng sáng tạo chứ không dẫn đầu
Những công ty công nghệ thường tập trung rất lớn cho sáng tạo. Tuy nhiên tại Fujitsu, trọng tâm là cùng sáng tạo với khách hàng.
Fujitsu luôn trao đổi rất kỹ với khách hàng về những cải tiến tiềm năng công nghệ có ảnh hưởng tốt đến khách hàng. Sau khi đã thống nhất, họ cùng tổ chức dự án và làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu.
Giá trị của kinh nghiệm
Fujitsu có một đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm. Họ hiểu công ty và khách hàng thấu đáo. Rất nhiều lãnh đạo công ty đã dành toàn bộ sự nghiệp cho hoạt động tại công ty. Với vị trí khởi điểm là những kỹ sư, họ rèn luyện được tinh thần chi tiết, ham sáng tạo, làm việc chặt chẽ với khách hàng và họ hiểu rằng mọi vấn đề đều có thể cải tiến.
Tác giả: Giang Sơn (theo Business Strategy Review)