Ngành nào dẫn dắt nền kinh tế phục hồi?

Xây dựng là ngành ít lệ thuộc vào cầu bên ngoài lại có khả năng hấp thụ cầu nội địa lớn, thu hút nhiều lao động phổ thông, hiệu ứng lan tỏa cao thông qua việc sử dụng nhiều lao động trong nước đồng thời dễ lựa chọn chính sách và kiểm soát đầu ra.

Xem hìnhXây dựng là ngành ít lệ thuộc vào cầu bên ngoài lại có khả năng hấp thụ cầu nội địa lớn, thu hút nhiều lao động phổ thông, hiệu ứng lan tỏa cao thông qua việc sử dụng nhiều lao động trong nước đồng thời dễ lựa chọn chính sách và kiểm soát đầu ra.

Nếu địa chỉ của chính sách kích cầu tập trung vào ngành này, xây dựng ắt sẽ là ngành dẫn dắt quá trình phục hồi.

Ngành xây dựng và bài toán giải quyết thất nghiệp

Thất nghiệp là mối quan tâm hàng đầu, là vấn đề nóng trong nghị trường của kỳ họp Quốc hội lần này. Điều đó thật dễ lý giải vì tín hiêu phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn yếu ớt trong khi đó khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động tạo nên vòng xoáy suy giảm kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn.

Do chưa xây dựng được hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên các ngành, các doanh nghiệp và các đia phương khó có được con số tin cậy về lao động thất nghiệp. Tuy nhiên kết quả điều tra cục bộ ở một vài địa phương cho thấy tình trạng thất nghiệp rất đáng ngại.

Đánh giá nhanh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương - trong các tháng 2, 3, 4/2009 cũng cho thấy lao động trong các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu thì lao động thời vụ và lao động có tay nghề thấp giảm rất mạnh. Nhóm lao động nhập cư bị ảnh hưởng nặng nề do gánh năng chi phí như tiền nhà, điện nước còn số lao động trở về quê tăng sức ép lên thị trường lao động địa phương.

Dù Quốc hội đã chấp thuận hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% xuống 5% trong năm 2009 và cho phép bội chi ngân sách đến 8% GDP thì điều dư luận quan tâm hơn cả là địa chỉ của gói kích cầu lên tới 8 tỷ USD (145.000 tỷ đồng) sẽ đi về đâu và minh bạch quá trình thực hiện gói kích cầu sẽ ra sao.

Theo người viết, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2009 là duy trì việc làm, nhằm đảo ngược vòng xoáy luẩn quẩn của suy giảm kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, sẽ hữu ích nếu xác định được ngành có khả năng dẫn dắt quá trình phục hồi, để trên cơ sở đó xác định được những ưu tiên trong xây dựng chính sách có chỉ báo giúp giám sát về mức độ phục hồi nền kinh tế.

Ngành dẫn dắt quá trình phục hồi của nền kinh tế cần đáp ứng các tiêu chí: (i) ít phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường thế giới; (ii) dư địa cầu nội địa lớn; (iii) có khả năng hấp thụ nhiều lao động phổ thông ; (iv) có hiệu ứng lan tỏa cao đối với nền kinh tế, thông qua sử dụng nhiều đầu vào sản xuất trong nước và (v) khả năng và mức độ tác động của các can thiệp chính sách cao, đặc biệt là khả năng tác động lên cầu đối với đầu ra.

Ngành     Tỉ trọng trong tổng việc làm     Độ co giãn của việc làm theo tăng trưởng (2005 - 2007)     Độ phụ thuộc vào thị trường thế giới     Dư địa cầu nội địa     Hấp thụ lao động phổ thông     Hiệu ứng lan tỏa     Can thiệp chính sách
Nông lâm nghiệp     50%     -0.45     Cao     Vừa phải     Thấp-vừa phải     Vừa phải     Vừa phải  
Chế biến     13%     0.57     Cao     Vừa phải     Cao     Vừa phải     Thấp-vừa phải
Thương nghiệp, dịch vụ nhỏ     12%     0.42     Thấp     Vừa phải     Cao     Thấp - Vừa phải     Thấp-vừa phải
Xây dựng     5%     0.50     Thấp     Cao     Cao     Cao     Cao
Thuỷ sản     4%     0.54     Cao     Thấp     Vừa phải     Vừa phải     Vừa phải
Vận tải, kho bãi, thông tin     3%     0.04     Thấp-vừa phải     Cao     Thấp-vừa phải     Cao     Vừa phải - Cao
Khách sạn, nhà hàng     2%     0.19                             
Khác     11%     0.24-5.7                             

Nguồn:  Tác giả tham gia cùng Trung tâm Phân tích và Dự báo kinh tế (CAF).
Trong các ngành kinh tế quốc dân, xây dựng chứng tỏ là ngành cần nhận được sự ưu tiên hơn cả để trở thành ngành dẫn dắt quá trình phục hồi của nền kinh tế, vì ngành này thỏa mãn các tiêu chí ở mức độ vượt trội so với các ngành kinh tế khác.

Ngành xây dựng đã đạt mức tăng trưởng 12% năm 2007 nhưng lại là ngành duy nhất tăng trưởng âm -0.4% năm 2008 do chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong năm 2009, do giá nguyên vật liệu đầu vào, giá nhân công đã xuống rất thấp, kỳ vọng về sự tăng trưởng trở lại hai con số là có thể;

Lao động trong ngành xây dựng hiện có gần 2,5 triệu chiểm trên 5% lao động nền kinh tế quốc dân. Điểm đáng lưu ý là hệ số co dãn về cầu lao động của ngành xây dựng đối với tăng trưởng rất cao là 1,42 tức là nếu ngành này tăng trưởng 10% sẽ tạo ra cầu về việc làm tăng thêm 14,2% tương đương 350,000 lao động. Hơn thế nữa lao động trong ngành xây dựng phổ biến là lao động thủ công;

Dư địa cầu nôi địa của ngành xây dựng còn rất lớn. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản của chính sách kích cầu của Việt Nam với các nước phát triển khác. Trong khi các nước phát triển hạ tầng cơ sở đã ở mức hoàn thiện thì ở Việt Nam hạ tầng quá yếu kém.

Sự tăng trưởng của ngành xây dựng có hiệu ứng lan tỏa cao đối với các ngành vật liệu xây dựng, vận tải, kho bãi, tạo thêm nhiều việc làm, kích thích tiêu dùng nội địa, giảm sức ép việc làm và giảm tổn thương cho người lao động trong khu vực nông thôn qua đó gây nên những tác động tích cực cộng hưởng cho ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Kỳ vọng lựa chọn chính sách

Đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư xã hội. Chính điểm yếu này lại là điểm mạnh trong định hướng và triển khai thực hiện chính sách kích cầu đầu tư công vào ngành xây dựng.

Người viết cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm hạ chi phí giao dịch, khuyến khích vốn của khu vực tư nhân tham gia mạnh vào xây dựng bất động sản giúp hạ giá sản phẩm và kích hoạt lại thị trường bất động sản. Nhanh chóng đưa vào thực hiện thuế tài sản và đẩy mạnh thu hồi đất với những dự án treo nhằm chống đầu cơ, tăng thêm quĩ đất phục vụ xây dựng bất động sản. Khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho các doanh nghiệp xây dựng bất động sản làm ăn hiệu quả vay để tăng mạnh nguồn cung, qua đó kích hoạt ngành xây dựng sử dụng nhiều lao động và đầu vào sản xuất trong nước.

Nếu chính sách kích cầu đặt đúng địa chỉ thì sự tăng trưởng của ngành xây dựng sẽ rất ấn tượng trong năm 2009 và lạm phát kỳ vọng sẽ giảm.

Thị trường chứng khoán sẽ kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành này để dẫn dắt quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Theo VnEconomy

Các tin khác