Muốn hưởng lương hưu tối đa: Phải đóng BHXH thêm 5 năm
 Cùng thời gian đóng, người về hưu trước 1/1/2018 sẽ được lương hưu cao hơn về hưu sau ngày này
              Muốn hưởng lương hưu tối đa: Phải đóng BHXH thêm 5 năm
 

Giải quyết nguy cơ vỡ quỹ

Chiều 15/5, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về cách tính lương hưu mới, khi để hưởng lưu hưu tối đa, người lao động phải đóng BHXH thêm 5 năm so với hiện nay (Điều 56, Luật BHXH năm 2014), Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nói rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu. Các nước trên thế giới đều phải làm, dù chính phủ và người lao động đều không muốn. Bản chất của tăng tuổi hưu là tăng thời gian đóng và giảm thời gian hưởng, giúp cân đối Quỹ BHXH.

Theo Thứ trưởng Huân, lâu nay mọi người đều mặc định về hưu là được hưởng lương tối đa (bằng 75% lương tính đóng bảo hiểm – PV). Nhưng luật mới sẽ thay đổi công thức tính, giảm tỷ lệ hưởng. Trước nay để hưởng lương hưu tối đa, chỉ phải đóng bảo hiểm 30 năm, tới đây phải đóng 35 năm.

“Đây là giải pháp để đẩy lui nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Nếu so sánh số năm đó và số được hưởng thì có thể giảm, nhưng con số tuyệt đối mức lương vẫn đảm bảo cho người nghỉ hưu”, ông Huân nói.

Theo Điều 56, Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018, đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức lương tính nộp BHXH. Từ năm đóng thứ 16 trở đi, mỗi năm cộng thêm 2%. Như vậy, lao động nữ phải mất 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì 25 năm như luật hiện nay) để được hưởng lưu hưu mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH.

Với nam, từ năm 2018, phải đóng 16 năm mới được hưởng lương hưu bằng 45% lương tính đóng BHXH; từ năm 2019 là 17 năm; 2020 là 18 năm; 2021 là 19 năm, và tới năm 2022 là 20 năm. Như vậy, từ năm 2022, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay) mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH.

Nghĩa là tới tuổi nghỉ hưu, để được hưởng 75% lương, người lao động phải tham gia BHXH liên tục từ năm 25 tuổi (thay vì mốc tính bình quân từ 30 tuổi như hiện nay). Nếu không, để được hưởng mức lương tối đa 75%, người lao động phải đi làm và đóng bảo hiểm thêm tuổi (dù đã tới tuổi hưu) tùy vào số năm đóng bảo hiểm còn thiếu; hoặc đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu.

Ví dụ, nếu 30 tuổi mới tham gia BHXH, người lao động phải làm việc và đóng bảo hiểm thêm 5 năm dù đã tới tuổi hưu, tới lúc đủ điều kiện hưởng mức 75% lương thì lao động nữ đã 60 tuổi và nam đã 65 tuổi. Nếu không, người lao động phải chấp nhận hưởng lương dưới mức tối đa (mỗi năm còn thiếu sẽ bị trừ lương 2%).

Nguyên thứ trưởng cũng bị hạch họe

Liên quan Điều 60 trong Luật BHXH 2014, về quyền được rút bảo hiểm một lần, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, đây là chính sách để đảm bảo an sinh lâu dài. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu rút BHXH một lần là có, do người lao động lương thấp, nhiều khoản chi trước mắt, còn 10-20 năm sau chưa nghĩ tới. Trong khi đó, khi còn sức khỏe người lao động nên tích lũy, để khi về già có lương hưu lo cho mình. Nếu không, khi về già sẽ đẩy gánh nặng an sinh cho nhà nước, xã hội.

Người lao động sẽ phải làm và đóng bảo hiểm thêm 5 năm để được hưởng lương hưu mức tối đa. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Huân, Quốc hội đang giao Chính phủ nghiên cứu thêm về quy định ở Điều 60, để có căn cứ đánh giá tác động, mặt tích cực, hạn chế của quy định này. Dự kiến, chiều 19/5, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xin ý kiến. Ông Huân cho biết, đã có một số chủ doanh nghiệp lo lắng, vì người lao động đang có ý định tổ chức cuộc đình công mới để phản đối Điều 60.

Có nhiều ý kiến cho rằng, BHXH Việt Nam đang thiếu minh bạch, người nộp bảo hiểm không biết tiền của họ được quản lý ra sao, sử dụng thế nào. Đặc biệt, nhân sự của BHXH Việt Nam quá lớn, cồng kềnh gây tốn kém… Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, BHXH của Việt Nam mới dừng ở mức cơ bản, do Nhà nước bảo lãnh, nên sinh ra trì trệ.

“Tôi cũng buồn về vấn đề này. vVì có người lao động mới có BHXH để tạo việc làm cho nhân viên. Nhưng giữa mong muốn và thực tế còn nhiều khoảng cách, người khen thì ít nhưng người chê lại nhiều”, ông Huân nói.

Ông dẫn câu chuyện của nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Duy Đồng. “Anh Đồng từng phụ trách mảng BHXH trước tôi nay đã nghỉ hưu, có lần anh kể, mình mới ký bổ nhiệm cho nó, mà mình vừa về hưu đi ký bảo hiểm đã bị nó hạch họe rồi”, ông Huân kể.

Theo ông Huân, Chính phủ đang tích cực giải quyết vấn đề này, đã giao BHXH Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí… Mục tiêu hướng tới là chuyển sang bảo hiểm dịch vụ, sau này đơn vị nào làm tốt sẽ chuyển quỹ cho đơn vị đó làm.

Tới tuổi nghỉ hưu, để được hưởng 75% lương, người lao động phải tham gia BHXH liên tục từ năm 25 tuổi (thay vì mốc tính bình quân từ 30 tuổi như hiện nay). Nếu không, để được hưởng mức lương tối đa 75%, người lao động phải đi làm và đóng bảo hiểm thêm tuổi (dù đã tới tuổi hưu) tùy vào số năm đóng bảo hiểm còn thiếu; hoặc đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu
                                                                                            Theo: cafebiz.vn


Các tin khác