Lợi nhuận ngân hàng: Phú quý giật lùi?

Sáu tháng đầu năm hầu hết các NH đều hồ hởi công bố doanh thu, lợi nhuận làm nhiều người ngoài cuộc ngạc nhiên. Tuy nhiên, 6 tháng còn lại hoạt động của NH có thể không còn "màu hồng"

Kịch bản này được tính đến bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng bị kiềm chế cả từ chính sách vĩ mô lẫn e ngại rủi ro từ các ngân hàng khi quá rộng tay cho vay trước đó…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Theo đó, kể từ ngày 1/8, mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND áp dụng đối với tổ chức tín dụng là 1,2%/năm, thay vì 3,6%/năm như trước. Như vậy, với khoản vốn gửi dự trữ bắt buộc của ngân hàng tại NHNN, lãi suất đã giảm 2/3 so với trước. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh hoạt động tín dụng tăng cao do giải ngân gói vốn hỗ trợ lãi suất thì hoạt động phi tín dụng cũng đã đóng góp một tỷ lệ tương đối vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng trong 2 quý đầu năm, khi thị trường vàng biến động mạnh và doanh thu từ sàn giao dịch vàng tăng cao. Song đến nay, giá vàng đã trụ ở ngưỡng khá cao khiến nhiều nhà đầu tư e ngại tham gia, dẫn đến doanh thu từ phí giao dịch cũng như từ lãi suất cho nhà đầu tư vay vốn có phần sụt giảm.

Mảng kinh doanh ngoại tệ vốn dĩ cũng được xem là hoạt động đóng góp không nhỏ vào doanh thu của ngân hàng. Đặc biệt là quý đầu năm nay, khi tỷ giá hối đoái trên thị trường biến động. Thế nhưng, bước sang tháng 4/2009 và kéo dài đến nay, tỷ giá hối đoái trên thị trường đã đứng ở mức cao, cung ngoại tệ tại ngân hàng không đủ đáp ứng cầu do đó doanh thu từ mảng kinh doanh ngoại tệ cũng có chiều hướng giảm mạnh.

Thêm vào đó, trong hơn một tháng trở lại đây, TTCK sụt giảm với thanh khoản ngày càng yếu dần cũng ảnh hưởng đến phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng. Đồng thời, nguồn thu từ việc mở rộng tín dụng cầm cố chứng khoán và repo cổ phiếu cũng không còn như khi TTCK tăng trưởng...

Theo nhận định của tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong quý IV/2009, do ảnh hưởng bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như diễn biến tình hình thị trường còn khó khăn khiến DN ngại vay vốn. Trong khi đó, đây được xem là thời điểm tốt nhất trong năm để các ngân hàng mở rộng tín dụng. Trên thực tế, hiện nay các ngân hàng bắt đầu thắt chặt điều kiện tín dụng trong hoạt động cho vay trước động thái tăng cường thanh tra của NHNN.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank cũng cho rằng, với động thái trên của NHNN, chắc chắn các ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc phát triển tín dụng 6 tháng cuối năm. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.

Mặt khác, theo ông Tùng, lợi nhuận thu về 6 tháng đầu năm nay của không ít ngân hàng đạt mức khả quan, trong đó việc hoàn nhập khoản dự phòng rủi ro tín dụng cũng như dự phòng giảm giá chứng khoán đã đóng góp đáng kể. Do đó, khi tín dụng tăng trưởng chậm lại thì áp lực lợi nhuận sẽ xuất hiện.

Thực tế, lợi nhuận đạt được của các ngân hàng 2 quý đầu năm có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động tín dụng, chiếm trên 50%. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm nay, các ngân hàng kỳ vọng vào sự tăng trưởng tín dụng, với kế hoạch đặt ra cao hơn 60 - 70% so với năm trước.

Thế nhưng, với sức nóng của tín dụng đã đẩy dư nợ toàn ngành 6 tháng đầu năm lên 17% so với mục tiêu kiểm soát của Chính phủ cả năm nay là dưới 30%, thì khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại từ nay đến cuối năm là điều khó tránh.

Mặc dù vậy, không ít ngân hàng vẫn tự tin có thể vượt mức kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm, vì cho rằng, đã thực hiện được hơn 50% kế hoạch đề ra. Dẫu sao, áp lực cũng đang bắt đầu lớn dần.


Các tin khác