KTĐT - Đến cuối tháng 6 trong khi tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng trên 17% thì dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh CK của các TCTD ước tăng 28,3%.
Từ năm 2007 đến nay, các chính sách, đặc biệt chính sách tín dụng của NHNN đã tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán. Các tổ chức/các quỹ đầu tư luôn theo dõi chặt chẽ những tín hiệu phát đi từ NHNN. NHNN tiếp tục "nắn" dòng tiền Năm 2008 và những tháng đầu 2009 đã cho thấy sự tác động của chính sách tín dụng lên TTCK. Năm 2008 lạm phát tăng cao và xu hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN là thắt chặt tiền tệ trong 6 tháng đầu năm. Sang năm 2009, với việc nới lỏng tín dụng và tài khóa (thông qua các gói kích cầu), thanh khoản của nền kinh tế đã tăng lên. Nhưng chỉ từ khi NHNN ban hành cơ chế LS thỏa thuận của TCTD đối với nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành, sử dụng thẻ tín dụng thì vốn cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán mới tăng rất nhanh. Đến cuối tháng 6 trong khi tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng trên 17% thì dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh CK của các TCTD ước tăng 28,3%. Đây mới chỉ là số tăng của các khoản dư nợ có ghi rõ mục đích vay kinh doanh CK, còn trên thực tế sẽ cao hơn nhiều vì nhiều khoản vay tiêu dùng, nhưng thực chất đổ vào CK. Mọi người còn nhớ 2 tuần đầu tháng 6 khi TTCK nóng (ngày 10.6 giá trị giao dịch trên thị trường đạt mức 5.300 tỉ đồng trên hai sàn) thì đồng thời rộ lên tình trạng nhiều NHTMCP quy mô nhỏ và trung bình thiếu vốn. LS huy động và LS đi vay trên thị trường liên NH liên tục xu hướng tăng. Mấy tuần nay, TTCK sụt giảm về khối lượng và giá trị giao dịch thì LS huy động VND ổn định và LS trên thị trường liên NH đã giảm. Sự tăng nóng cho thấy lợi nhuận kinh doanh trong TTCK tăng cao hơn nhiều so với các TT khác, dẫn đến sự đầu cơ và tập trung vốn của XH vào đây. Trước những dư luận về tiền đâu đổ vào thị trường? NHNN đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo và nhắc nhở các NH kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh CK, cộng với việc tăng cường thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa của NHNN đã khiến các NĐT tổ chức đã dự đoán trước NHNN sẽ có những động thái tiếp theo để "nắn" dòng tiền. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản của TTCK sau ngày 15.6 ngày càng suy giảm. Song hành cùng câu chuyện lạm phát Thông tin về giới hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 ở mức 25%-27% đang tác động khá mạnh đến thị trường. Với những người bi quan, động thái này cho thấy NHNN đang siết lại tín dụng, TTCK sẽ bị ảnh hưởng và giảm sâu. Tuy nhiên, một số người khác thì cho rằng vấn đề kiềm chế tăng trưởng tín dụng thì NHNN có ý định, nhưng hiện vẫn còn ý kiến phản đối thắt chặt tín dụng đột ngột vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý kích cầu và ảnh hưởng tới TTCK. Vì vậy, NHNN đang dừng ở mức giới hạn mức tăng trưởng dư nợ 25% cho các NHTM nhà nước, VCB, Vietinbank. Còn các NHTMCP khác thì mới yêu cầu giảm tín dụng phi sản xuất và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Việc thị trường phản ánh nhanh với thông tin mà hoảng loạn hay sụt giá cũng là bình thường, nhưng sau đó sẽ hồi phục dần vì một chính sách khắc nghiệt "thắt chặt tín dụng" khó mà ban hành trong lúc này. Qua những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm cho thấy hầu như các yếu tố của tổng cầu đều giảm. Vì vậy, nhiều khả năng lạm phát không thể lên đến 2 con số. Lạm phát nếu chỉ dưới 9% thì chính sách tiền tệ khó thay đổi nhiều, chỉ khi nào lạm phát từ 11%-12% và có xu hướng tăng nữa thì mới thật sự có sự đảo chiều trong chính sách so với hiện tại. Khả năng này nếu xảy ra cũng phải từ cuối tháng 8.2009 trở đi. Vì vậy, trong quý III/2009 NHNN sẽ chưa thắt quá chặt tín dụng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vốn tín dụng NH vẫn có thể chảy mạnh vào các thị trường CK và BĐS vì NHNN đã có chỉ đạo gắt gao về vấn đề này. Mặt khác, trong một bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay, cộng thêm diễn biến của TTCK thời gian qua, hầu hết các NHTM cũng đang tự kiềm chế cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh CK vì sợ rủi ro. Chính các NHTM cũng phải chuẩn bị sẵn, không bị động trước những thay đổi trong điều hành CSTT của NHNN. Bài học này các NHTM đã phải học kỹ từ năm 2007 đến nay (đặc biệt qua việc ban hành Chỉ thị 03 về tỉ lệ được phép cho vay kinh doanh CK). Tâm lý của các NĐT trong những ngày tới có thể bình tĩnh lại, TTCK giảm rồi sẽ hồi phục, nhưng mong muốn có những dòng tiền lớn, bất ngờ chảy mạnh vào thị trường như giữa tháng 6 thì rất khó. Theo Lao động |