Không phải lúc làm đẹp báo cáo tài chính!
Trong bối cảnh nhiều bất ổn vĩ mô như hiện nay, điều quan trọng doanh nghiệp cần làm không phải là làm đẹp báo cáo tài chính mà phải tập trung quản trị rủi ro. Đó là điều bà Thái Thị Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách tư vấn quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp, nhấn mạnh khi trao đổi với NCĐT.

Huy động vốn là bài toán khó của doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất vay cao và chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Bà nghĩ gì về vấn đề này?  

Tôi nghĩ, trước hết doanh nghiệp cần nhìn lại mình để chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro để tối ưu hóa hiệu quả từng đồng vốn của doanh nghiệp, kể cả vốn tự có lẫn vốn vay. Quan trọng hơn, việc quản trị rủi ro, nâng cao minh bạch trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp giành được sự tin tưởng của các nhà đầu tư chiến lược như quỹ đầu tư. 

Doanh nghiệp mới rất khó tìm nguồn vốn dài hạn, do họ chịu sức ép hoàn trả trong giai đoạn đầu nhưng không có nhiều tài sản cố định để thế chấp vay vốn ngân hàng. Quỹ đầu tư thì ngại kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp gặp rủi ro, thiếu tầm nhìn dài hạn và kiểm soát nội bộ chưa tốt. Vậy doanh nghiệp phải tự xoay xở bằng cách nào?  

Vốn của doanh nghiệp đến từ 3 nguồn: vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ thị trường vốn hoặc phát hành trái phiếu. Tuy vậy, cả 3 hình thức này đều không dễ dàng, nhất là đối với doanh nghiệp mới thành lập. Do đó, việc tìm nhà đầu tư chiến lược rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tự xoay xở như hợp tác với nhà cung cấp, khách hàng để kéo dài thời hạn trả nợ và ưu đãi cho đối tác để 2 bên cùng có lợi. 

Trong quản trị doanh nghiệp, điểm yếu chung của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?  

Đó là công tác dự báo và lập kế hoạch. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt khâu này sẽ dự báo được luồng tiền cần có và luồng tiền chi ra một cách hợp lý. Đó cũng là cách doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Quản trị rủi ro là vấn đề tương đối mới ở Việt Nam. Làm cách nào giúp doanh nghiệp áp dụng tốt trong kinh doanh?

 Thực ra, trong bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp đã có những yếu tố liên quan đến quản trị rủi ro. Một doanh nghiệp muốn hoạt động được phải có quản trị rủi ro. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là quản trị rủi ro vẫn còn là vấn đề mới ở Việt Nam, kể cả đối với những doanh nghiệp lớn. 

Trước đây, doanh nghiệp thường không thoải mái nếu chuyện rủi ro được đề cập đến nhưng hiện nay điều này đã thay đổi. Nguyên nhân là thế giới toàn cầu hóa ngày càng phẳng hơn. Một cuộc khủng hoảng nhà đất xảy ra ở Mỹ, chẳng hạn, chỉ 3 tháng sau đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì thế, quản trị rủi ro là việc bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. 

Trong quá trình tư vấn quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chúng tôi luôn tư vấn cho họ: thay vì phòng ngừa rủi ro một cách bị động thì nên dự báo trước rủi ro cũng như khả năng chịu đựng rủi ro của mình để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. 

Một số công ty Việt Nam bắt đầu tách bạch vai trò điều hành và giám sát của 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Đây có phải là xu hướng mới trong quản trị công ty ở Việt Nam?  

Đúng là đã xuất hiện xu hướng này trong mô hình quản trị công ty tại nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân. Quản trị công ty theo hướng này chắc chắn sẽ nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư cũng như công chúng. Xu hướng tách bạch này sẽ cần thêm thời gian để hình thành rõ nét hơn, bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không thay đổi nếu không có áp lực từ nhà đầu tư và công chúng. 

Nhưng quản trị theo chuẩn quốc tế chưa hẳn đảm bảo cho sự thành công khi áp dụng trong điều kiện Việt Nam. Điều này đã xảy ra ở một vài doanh nghiệp tư nhân, nơi Chủ tịch Hội đồng Quản trị thuê người ngoài về làm Tổng Giám đốc nhưng không thành công.

Có nhiều nguyên nhân phía sau việc này. Bản thân nguồn nhân lực cao cấp, được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng Tổng Giám đốc của các doanh nghiệp cũng cần thêm thời gian hoàn thiện. Nhưng ít nhất sự thay đổi này đã là tín hiệu vui. 

Các công ty lớn cũng đã nhận ra họ có thể tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm tổn thất nếu áp dụng mô hình quản trị công ty hiện đại, trong đó có việc tách bạch 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp cũng cần cân nhắc các mặt được và chưa được. Nhìn dài hạn xu hướng này sẽ là chủ đạo trong các công ty Việt Nam. 

Mối liên hệ giữa quản trị công ty tốt với sự tăng giá cổ phiếu có thúc đẩy các công ty niêm yết đầu tư nhiều hơn cho vấn đề này?  

Theo tôi là có. Một báo cáo của Công ty Tài chính Quốc tế (thuộc Ngân hàng Thế giới) hồi năm ngoái cho rằng doanh nghiệp thực hiện tốt quản trị công ty thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Tôi nghĩ các doanh nghiệp cần nhìn vào điểm này để thay đổi. 

Để cân bằng giữa 2 mục tiêu tăng trưởng kinh doanh và quản trị rủi ro trong tình hình hiện nay, theo bà, doanh nghiệp cần làm gì?  

Trong bối cảnh nhiều bất ổn vĩ mô như hiện nay (lạm phát cao, lãi suất tăng, ảnh hưởng của chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng), điều quan trọng một doanh nghiệp cần làm không phải là làm đẹp báo cáo tài chính và đuổi theo lợi nhuận bằng mọi giá mà phải tập trung quản trị rủi ro.

Ngoài ra, cũng cần tìm những giải pháp sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm bớt chi phí hoạt động không hợp lý, ngừng triển khai những dự án chưa cần thiết để giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Khó khăn là cơ hội để mỗi doanh nghiệp tự đánh giá và rà soát lại mình và chuẩn bị cho thời cơ mới.
Theo(SAGA.VN)

Các tin khác