Câu chuyện chi trả cổ tức lợi nhuận được lấy từ báo cáo tài chính nào!
Câu chuyện chi trả cổ tức lợi nhuận được lấy từ báo cáo tài chính nào! Tiếp theo bài viết “Câu chuyện mua cổ phiếu quỹ thế nào!” tác giả bài viết cũng muốn tiếp tục cùng người đọc và công chúng nhận định, xem xét và đưa ra quyết định cho mình như thế nào là hợp lý đối với vấn đề “Chi trả cổ tức được lấy từ Báo cào tài chính nào!” hiện đang là đề tài cần bàn bởi sự không thống nhất từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước khi tác giả đi đến phân tích theo những gì đã nghiên cứu và để cho người đọc tự nhìn nhận thế nào là hợp lý. Xin được phép trích dẫn hai nguồn thông tin đại chúng từ hai cơ quan quản lý của Nhà nước để người đọc thấy rõ hơn sự không thống nhất cũng như nhận định rằng như thế nào là hợp lý. Cụ thể:

Trích đoạn theo ý kiến của UBCK Nhà nước  Trả lời công văn số 00166/2011/CV-TCKH ngày 19/01/2011 của Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam về nguồn chi trả cổ tức bằng tiền mặt của Tổng Công ty.

Theo Công văn số 508/UBCK-QLPH ngày 18 tháng 2 năm 2011 của Ủy Ban chứng khoán nhà nước về việc hướng dẫn trả cổ tức bằng tiền mặt. UBCK có ý kiến như sau:

1. Việc chi trả cổ tức của doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Về nguyên tắc chi trả cổ tức: theo Luật doanh nghiệp (Điều 93), công ty chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo qui định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định pháp luật và điều lệ công ty; ngay sau khi đã trả hết số cổ tức đã định công ty vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

- Về nguyên tắc kế toán: cần tuân thủ nguyên tắc thận trọng, việc chia cổ tức phải đảm bảo vốn kinh doanh dù bất cứ lý do nào.

Ví dụ, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là lãi nhưng báo cáo tài chính đã kiểm toán có ngoại trừ, lưu ý hay giới hạn phạm vi kiểm toán …và có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh (giảm lãi kinh doanh hoặc gây lỗ) thì phải tính giảm trừ tất cả các khoản ảnh hưởng này để xác định lợi nhuận để chia cổ tức.

2. Về áp dụng các nguyên tắc trên để trả cổ tức, việc Tổng công ty thực hiện quyền của công ty mẹ để chi trả cổ tức phải căn cứ trên báo cào tài kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Tuy nhiên, nếu kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ nhỏ hơn trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất thì căn cứ trên báo cáo KQHD KD của công ty mẹ.”

Trích đoạn theo ý kiến của Hội kiểm toán viên hành nghề đăng trên www.tinnhanhchungkhoan.vn “ DN được chi trả cổ tức theo lợi nhuận ghi trên BCTC nào? Trên thực tế, thắc mắc về việc DN được chi trả cổ tức theo con số lợi nhuận ghi trên BCTC nào (hợp nhất hay BCTC công ty mẹ) cũng được không ít NĐT quan tâm và đặt câu hỏi.

Ngay với trường hợp của Vinaconex, tại ĐHCĐ của Tổng công ty tổ chức ngày 29/4, một cổ đông cũng hỏi, liệu DN có được phép chia cổ tức với trường hợp BCTC kiểm toán Công ty mẹ và BCTC kiểm toán hợp nhất có sự chênh lệch nhiều như trên?

Trao đổi với ĐTCK về thắc mắc này, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết: "BCTC hợp nhất không phải là BCTC mang tính pháp lý để xử lý các vấn đề tài chính như nộp thuế, phân phối lợi nhuận… mà phải căn cứ trên BCTC công ty mẹ, vì đây mới là BCTC mang tính pháp lý".

Theo ông Mai, BCTC hợp nhất của một DN không phải thể hiện lãi/lỗ của DN đó trong năm tài chính, mà thể hiện thực trạng tài chính, kết quả hoạt động và các thay đổi tình hình tài chính của toàn bộ tập đoàn/hệ thống/nhóm công ty mẹ-con. Chính vì vậy, với BCTC hợp nhất, tình hình tài chính của Công ty mẹ không được thể hiện chính xác, mà chỉ có tác dụng xem xét sự phân bổ và sử dụng hiệu quả của toàn hệ thống.

Do đó, ông Mai khuyến cáo: NĐT khi mua cổ phiếu của công mẹ thì nên tập trung chú ý vào tình hình tài chính thể hiện qua BCTC công ty mẹ, chứ không phải BCTC hợp nhất, vì đây mới là tài liệu thể hiện tình hình tài chính của DN mà họ đầu tư. Việc xem xét BCTC hợp nhất chỉ giúp NĐT có cái nhìn tổng quan về cả hệ thống.”

Thất sự, sau khi đọc xong hai trích đoạn trên cho ta thấy sự không thống nhất về chính sách cũng như sự phù hợp trong xử lý mà một bên là UBCKNN và một bên là Hội kiểm toán viên hành nghề và cả hai đều do Bộ Tài chính quản lý. Vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ đông các đối tượng quan tâm và cả sự quản lý của nhà nước về vấn đề này thì như thế nào và đó là vấn đề mà chúng ta không ngừng đặt câu hỏi.

Tác giả không nói ra là ai đúng ai sai, mà thử đi phân tích rồi hồi sau sẽ rõ thế nào. Trước hết ta có thể hiều rằng: Mục đích của báo cáo tài chính là để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Hệ thống báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Đối với công ty mẹ, công ty mẹ có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất để phản ánh tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ của cả Tập đoàn.

Muc đích của Báo cáo tài chính hợp nhất là : Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính của Tập đoàn, Tổng công ty như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là Công ty mẹ hay các Công ty con trong tập đoàn.

Cung cấp thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá thực trạng tình hình tài chính và kết quả kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ của Tập đoàn, Tổng công ty trong năm tài chính đã qua và dự đoán trong tương lai.

Thông tin của Báo cáo tài chính hợp nhất là căn cứ quan trọng cho việc đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, hoặc đầu tư vào Tập đoàn hoặc Tổng công ty của các chủ sở hữu, của các nhà đầu tư, của các chủ nợ hiện tại và tương lai v.v...

Với thông tin cơ bản trên cho ta thấy rằng với mục đích của các báo cáo là như thế nào. Tuy nhiên, cách thức sử dụng, đối tượng cũng như cơ sở dẫn liệu cho mục đích khác nhau là khác nhau.

Cụ thể, việc quản lý đối với cơ quan ban ngành cho mục đích tính thuế, các nghĩa vụ khác cũng như việc phân chia lợi ích cho các nhà đầu tư thì phải căn cứ trên tư cách pháp nhân của doanh nghiệp mà ở đó các cổ đông, thành viên góp vốn vào nguồn vốn chủ sở hữu theo từng thời điểm.

Do đó, việc chi trả cổ tức cho cổ đông hay thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước thì Báo cáo tài chính công ty mẹ làcơ sở duy nhất để xem xét và thực hiện các vấn đề này và điều nảy mới đảm bảo tính phù hợp và hợp lý.

Ta có thể đơn cử một vài tình huống mà nếu dùng Báo cáo Hợp nhất để thực hiện các vấn đề trên thì tình huống này giải quyết thế nào:” Trường hợp Công ty mẹ đồng thời là Công ty con bị một công ty khác sở hữu toàn bộ hoặc gần như toàn bộ và được các cổ đông thiểu số trong công ty chấp thuận thì Công ty mẹ này không phải lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất” vậy cơ sở nộp thuế hay chia cổ tức cho cổ đông của công ty mẹ này thế nào nếu không dùng báo cáo của công ty mẹ. V.v...

Như vậy, có thể nhìn nhận cụ thể vấn đề thực tế chi trả cổ tực lợi nhuận được lấy từ báo cáo nào. Chúng ta thật sự nhìn sâu, xem xét một cách cẩn trọng cũng như tác động của vấn đề này đối với thị trường tài chính đang diễn ra.

Theo saga.vn

Các tin khác