Nghịch lý lãi suất cao và những rủi ro
Quyết định điều chỉnh tỷ giá VND/USD mới đây của ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay đã quá cao hiện nay. Mặt bằng lãi suất này đang chứa đựng những nghịch lý, kèm theo đó là những rủi ro không nhỏ cho các ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

 

Mức lãi suất cao hiện nay còn phản ánh những yếu kém về năng lực quản trị ngân hàng cũng như sự khập khiễng trong cấu trúc của hệ thống tài chính. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng cuối năm 2010 đã gác lại với mức lãi suất huy động tạm ổn định ở mức “đồng thuận” 14%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay – cái mà các doanh nghiệp vay vốn quan tâm – lại không có được hai chữ “đồng thuận” như vậy. “Trăm dâu đổ đầu tằm” là câu tục ngữ mô tả đúng tình cảnh mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải gánh chịu đối với những khoản vay ngân hàng. Với mức lãi suất cho vay hiện nay của hầu hết các ngân hàng từ 18% đến 20%/năm thì mức lãi gộp của ngân hàng đã lên đến 4 – 6% (thay vì chỉ 2% như thông điệp chính sách ở trên), là mức quá cao so với điều kiện bình thường cũng như so với các ngành sản xuất khác đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Trong điều kiện lạm phát càng cao, với một chỉ tiêu lợi nhuận nhất định, thì khe hở giữa lãi suất huy động – cho vay càng được ngân hàng đẩy lên càng lớn. Câu hỏi là tại sao các doanh nghiệp không trực tiếp phát hành trái phiếu qua thị trường vốn nhằm giảm chi phí trung gian khi qua ngân hàng? Câu trả lời chủ yếu nằm ở khía cạnh thể chế, nhưng Chính phủ cũng cần phải định vị lại vai trò của hệ thống ngân hàng cũng như vị trí của cấu trúc tài chính Việt Nam hiện nay.

Một nghịch lý khác là, trong khi các doanh nghiệp khu vực tư nhân đang phải gồng mình gánh chịu mức lãi suất vay vốn quá cao thì các doanh nghiệp và các dự án công lại đang được hưởng những ưu đãi với những nguồn vốn chi phí rẻ một cách tuyệt đối lẫn tương đối. Đối với những dự án có nguồn vốn ngân sách thì xem như chi phí vốn tài chính bằng 0, trong khi chi phí vốn kinh tế lại không nhỏ. Điều đáng nói, trong điều kiện lạm phát như hiện nay thì người dân đã phải nộp hai thứ thuế (một là, thuế theo nghĩa đen của nó và hai là, thuế lạm phát). Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp hay dự án được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng được lợi không kém. Những khoản vốn có được từ phát hành trái phiếu chính phủ trước đây có chi phí khá thấp (khoảng từ 10 – 11%/năm, do được nhân danh Chính phủ), đã tạo ra những đặc lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp và các dự án công. Điều này không những tạo môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế mà còn tạo ra tâm lý ỷ lại nguy hiểm, làm giảm tính hiệu quả trong phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công, chưa nói đến khả năng lợi dụng những nghịch lý ưu đãi như thế để tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Một nghịch lý khác nữa là, mặc dù than vãn lãi suất quá cao nhưng các doanh nghiệp vẫn đi vay vốn. Họ là ai? Có ít nhất ba nhóm: một là, những doanh nghiệp vẫn còn những cái nhìn lạc quan rằng tình cảnh xám xịt này sẽ chóng qua đi nên chấp nhận thua lỗ (tất nhiên chưa đạt đến “điểm đóng cửa”); hai là, những doanh nghiệp có lợi ích gắn với khu vực công, nơi có những ưu đãi về đất đai, vốn và các cơ chế khác, và tính chung, chi phí hoạt động trung bình của nhóm này vẫn thấp, thậm chí còn có lợi ích gián tiếp khác lớn hơn; và ba là, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cực kỳ rủi ro với kỳ vọng có lợi nhuận lớn mới có thể bù đắp nổi chi phí vay vốn quá cao như vậy.

Trong hoạt động cho vay của ngân hàng, tình trạng bất cân xứng thông tin luôn hiện diện, ở đó ngân hàng luôn là người bất lợi hơn về mặt thông tin so với người đi vay. Đứng ở góc độ tổng thể người ta thừa nhận rằng lãi suất cao sẽ góp phần loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn tồi và những dự án kém hiệu quả. Tuy nhiên, thật khó để phân biệt được một dự án tốt một dự án xấu khi ngân hàng không có được thông tin đầy đủ về người đi vay. Dựa trên thông tin không đầy đủ, quyết định của ngân hàng là đưa ra một mức lãi suất nhất định trên cơ sở rủi ro kỳ vọng về khách hàng. Với mức lãi suất đã ấn định, những dự án có suất sinh lợi kỳ vọng thấp hơn sẽ không hiệu quả nên không đi vay, trong khi những dự án có suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn mới có khả năng vay. Suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn hàm ẩn mức độ rủi ro lớn hơn trong khi không đảm bảo một suất sinh lợi thực tế cao. Những người đã vay vốn thì có động cơ tìm kiếm những dự án rủi ro cao trong khi ngân hàng cũng không thể giám sát và ngăn ngừa hết mọi khả năng sử dụng vốn của bên đi vay được. Hiện tượng này được gọi là lựa chọn ngược hay lựa chọn bất lợi vốn dĩ tồn tại trong hầu hết các giao dịch có sự bất cân xứng thông tin giữa các bên. Nghịch lý này không chỉ phản ánh qua tình trạng méo mó lãi suất ở mức độ cao giữa các ngân hàng hiện nay mà hơn thế nó tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và đe doạ tính bền vững của hệ thống ngân hàng.

Từ những nghịch lý này cho thấy rằng, mức lãi suất cao hiện nay không chỉ phản ánh tình trạng lạm phát của nền kinh tế, vốn có nguồn gốc sâu xa ở những bất cập về mặt cơ cấu kinh tế, về khía cạnh tài khoá, vấn đề đầu tư công và lĩnh vực tiền tệ mà còn là những yếu kém về năng lực quản trị ngân hàng cũng như sự khập khiễng trong cấu trúc của hệ thống tài chính. Những cải cách, do vậy, vừa phải bao hàm cả khía cạnh tài khoá, tiền tệ, vừa phải đi đôi với những đòi hỏi cao hơn về năng lực quản trị và tính đồng bộ trong phát triển hệ thống tài chính Việt Nam.
Theo SGTT.VN


Các tin khác