Không ai không thể thay thế
TBKTSG- Bộ máy doanh nghiệp cũng như một đội bóng, luôn cần một huấn luyện viên và những cầu thủ giỏi, đủ sức đưa đội đến thành công. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị và một tầm nhìn đúng, bộ máy sẽ gặp bất ổn khi một nhân viên chủ chốt ra đi.
Không thể thay thế?

    Suốt một thời gian dài sau khi huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Jose Mourinho chia tay Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea, hình ảnh của ông vẫn hằn sâu trong tâm trí những cổ động viên trung thành của đội bóng thành London. Họ chưa thể quên được “người đặc biệt” vì chính ông, với sự đầu tư hào phóng của tỉ phú người Nga Roman Abramovich đã đưa Chelsea từ một đội bóng thường thường bậc trung của giải bóng đá ngoại hạng Anh lên một đẳng cấp mới, trở thành một thế lực không chỉ ở trong nước mà còn trên đấu trường châu lục.

    Những người sau đó được chọn để thay thế cho vị trí của Mourinho như Avram Grant, “bố già” Felipe Scolari hay “phù thủy” Guus Hiddink vẫn không làm yên lòng các cổ động viên Chelsea. Thậm chí có những lúc giới truyền thông còn tung tin Abramovich nén giận để mời “người đặc biệt” Mourinho quay trở lại.

    Và rồi người được chọn để thay thế Mourinho là Carlo Ancelotti, chiến lược gia đến từ Italia, người được các cổ động viên AC Milan tôn là “vua Carlo”. Vị huấn luyện viên này không những dần dần lấy lại được niềm tin của các cổ động viên Chelsea mà còn có được sự kính nể của các trụ cột trong câu lạc bộ - các học trò cưng của Mourinho trước đây.

    "Điều mà các nhà lãnh đạo cần ưu tiên là tạo dựng một môi trường để người tài bên trong luôn muốn ở lại và người giỏi bên ngoài luôn muốn đầu quân. Đó chính là một trong những bí quyết thành công của một công ty vĩ đại.
"


   Ngay mùa giải đầu tiên Ancelotti đã đưa Chelsea quay trở lại ngôi vô địch đã mất vào tay kình địch Manchester United kể từ khi Mourinho rời thành London. Hiện câu lạc bộ đang tạm dẫn đầu và thi đấu rất ổn định ở cả giải ngoại hạng và đấu trường Champions League. Không ồn ào và cá tính như “người đặc biệt”, nhưng Ancelotti vẫn có cách riêng để động viên, truyền lửa cho các cầu thủ của mình. Hẳn cổ động viên và các cầu thủ Chelsea không thể quên hình ảnh vị huấn luyện viên người Ý nén nỗi đau mất cha, nửa đêm quay lại gặp gỡ các cầu thủ trước trận đấu với đối thủ cùng thành phố Arsenal. Và khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc trận đấu, lúc cả đội đang ăn mừng chiến thắng thì ông lại lặng lẽ ra sân bay quay trở lại quê nhà bên linh cữu người cha thân yêu. Chắc chắn hình ảnh này sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm trí các cầu thủ và cổ động viên Chelsea.

  Chelsea dưới thời Mourinho nổi tiếng với lối chơi chặt chẽ, chắc chắn và hiệu quả, ngày hôm nay với Carlo Ancelotti, Chelsea đang chơi thứ bóng đá không những rất chặt chẽ mà còn có phần hiệu quả hơn. Kỷ lục 675 phút không để lọt lưới trên sân nhà cách đây năm năm đã bị phá vỡ bằng kỷ lục mới 781 phút giữ nguyên vẹn mành lưới dưới thời “vua Carlo”. Ngoài khả năng phòng ngự kín kẽ, đội bóng của Ancelotti còn phô diễn khả năng ghi bàn vô cùng ấn tượng. Trong khoảng thời gian trên (tương đương tám trận đấu), đội bóng của ông đã sút tung lưới đối phương tổng cộng 32 lần nhiều gấp đôi so với 15 bàn thời kỳ Mourinho. Tuy sự nghiệp của Ancelotti tại Chelsea chưa nhiều, nhưng có lẽ ông chủ Abramovich đã bắt đầu hài lòng vì sự lựa chọn của mình. Đội bóng của nhà tỉ phú người Nga không những giành chiến thắng mà còn ghi nhiều bàn thắng, một trong những tiêu chí của bóng đá đẹp mà Abramovich mong muốn.

  Người tài cần môi trường để thể hiện

   Không một đội bóng nào muốn phụ thuộc một cá nhân, dù người đó là siêu sao hay huấn luyện viên đẳng cấp. Doanh nghiệp cũng vậy, chẳng ai muốn công ty mình phụ thuộc vào một trưởng phòng hay thậm chí một tổng giám đốc. Nói thì dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản. Câu lạc bộ Chelsea cũng cần đến hai năm mới tìm được người có khả năng đủ tầm thay thế. Các ví dụ tương tự về việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi người đứng đầu hay thậm chí một vài vị trí chủ chốt ra đi không phải là hiếm. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để không rơi vào tình trạng lao đao khi một nhân viên quan trọng trong bộ máy ra đi.

    Điều đầu tiên cần nói đến chính là bản lĩnh của người đứng đầu doanh nghiệp. Người lãnh đạo phải tin doanh nghiệp mình đủ sức vượt qua khó khăn trong giai đoạn tìm người thay thế. Khó khăn là không tránh khỏi, khi người ra đi giữ vai trò và vị trí quan trọng trong tổ chức. Thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận cả những phương án tạm thời bất đắc dĩ hay thử sai. Nhưng niềm tin và ý chí của người đứng đầu không được lung lay, mà phải là chỗ dựa tinh thần cho cả tập thể. Bởi nếu bản thân người lãnh đạo không tin doanh nghiệp sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn thì còn ai có thể tin và có tâm trí để tiếp tục làm việc. Điều này Abramovich đã làm rất tốt, ông vẫn luôn cố gắng tìm kiếm những phương án thay thế Mourinho nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất của đội bóng.

    Nhưng chỉ có niềm tin không chưa đủ, điều cần thiết là hoạt động của doanh nghiệp cần dựa trên các quy trình, thủ tục để không quá lệ thuộc vào một mắt xích hay nói khác hơn là phụ thuộc quá nhiều vào linh cảm của một cá nhân trong bất kỳ quyết định nào. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần hướng đến việc xây dựng tổ chức có tính hệ thống. Việc này không đơn giản, tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức, nhưng không thể không làm. Đừng để tính ngẫu hứng chủ quan chi phối dù rằng linh cảm luôn là tố chất cần thiết của bất kỳ nhà quản trị nào. Nghệ thuật thành công ở đây là tùy tình huống cần kết hợp, gia giảm giữa sự chuẩn hóa và linh động. Tuy nhiên, về dài hạn cần hướng đến sự chuẩn hóa vì đây chính là yếu tố quyết định trong việc xây dựng thành công hệ thống. Và chỉ khi tổ chức được vận hành một cách hệ thống mới giảm được sự phụ thuộc vào một cá nhân nào đó trong tổ chức.

   Chuẩn bị đội bóng dự phòng

   Luôn sẵn sàng lực lượng dự phòng, phương án thay thế là điều các doanh nghiệp cần thực hiện. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện định kỳ công tác hoạch định nhân sự hay xây dựng bộ khung dự phòng cho các vị trí quan trọng. Tất nhiên không thể và cũng không cần cho tất cả vị trí, vì sẽ rất tốn kém và cũng không khả thi. Nếu nhân viên dự phòng đủ sức thay thế 100% thì bản thân những nhân viên này sẽ không hài lòng khi mãi phải ngồi trên ghế dự bị. Cũng như cầu thủ, nếu không được ra sân đá chính, họ sẽ dễ “nổi loạn” hoặc tự tìm kiếm cơ hội khác cho mình. Họ dễ trở thành mục tiêu của các công ty đối thủ. Cách tối ưu cho giải pháp dự phòng chính là các phương án hoán đổi hoặc kiêm nhiệm với những ai có tiềm năng hay năng lực. Tương tự như đội bóng, các huấn luyện viên giỏi luôn có nhiều phương án hoán đổi các vị trí trên sân phòng khi các cầu thủ đá chính bị chấn thương hay phải phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Việc kiêm nhiệm tạm thời cũng là một phương án có thể duy trì trong ngắn hạn. Chelsea của Abramovich cũng đã áp dụng khá thành công chiêu này khi nhờ đến “phù thủy” Hiddink làm huấn luyện viên câu lạc bộ trong nửa cuối mùa giải 2008-2009, sau khi sa thải Scolari. Dự phòng ra sao, hoán đổi thế nào hay dùng phương án tạm nào… chính là tài năng và nghệ thuật của các nhà lãnh đạo.

   Tất cả những vấn đề trên là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là ngân sách. Doanh nghiệp tuy không tiêu tiền cho công tác nhân sự như bóng đá, nhưng cũng rất cần có ngân sách cho các hoạt động nhân sự. Muốn xây dựng các quy trình, chuẩn hóa các thủ tục cũng cần phải được đầu tư từ con người cho đến hạ tầng thiết bị máy móc, phần mềm... Để có được lực lượng dự phòng, phát hiện và đánh thức các tiềm năng, doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho công tác đào tạo, hướng dẫn, kèm cặp… thậm chí tốn tiền nuôi quân để khi cần sử dụng là có ngay. Và để thay thế khi một nhân viên ra đi, chiêu mộ người tài chắc chắn không thể chỉ bằng lời nói suông. Tất cả những hoạt động trên chỉ thành công khi được xây dựng và lập một ngân sách cụ thể. Giống như các khoản chi cho marketing, các khoản chi này, nếu đúng và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp sẽ trở thành các khoản đầu tư thông minh, còn nếu sai sẽ trở thành các khoản chi rất lãng phí. Mỗi đội bóng hay doanh nghiệp tùy theo định hướng, quy mô và khả năng sẽ tự hoạch định cho mình một ngân sách phù hợp. Còn nếu không bột khó mà gột nên hồ vào thời nay, khi sự cạnh tranh về nhân sự giỏi giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt.

    Cuối cùng, dù cho các quy trình có chuẩn hóa đến đâu đi nữa, các mắt xích trong tổ chức hoạt động có hệ thống quy củ, vai trò của cá nhân vẫn vô cùng quan trọng. Chelsea mất hai năm tìm kiếm, kể cả thử sai mới tìm được Ancelotti. Đơn giản là linh cảm luôn đóng vai trò quan trọng trong sự thành công. Quy trình, thủ tục có thể học, còn linh cảm rất khó có sự giống nhau. Ancelotti tài năng nhưng vẫn là Ancelotti, còn Mourinho vẫn mãi là “người đặc biệt”. Điều mà các nhà lãnh đạo cần ưu tiên là tạo dựng một môi trường để người tài bên trong luôn muốn ở lại và người giỏi bên ngoài luôn muốn đầu quân. Đó chính là một trong những bí quyết thành công của một công ty vĩ đại.
                                                           

Các tin khác