Học cách 'tấn công' khách hàng của Obama

Tiếp thị điện tử (E-marketing) trở thành giải pháp quảng bá rất hữu hiệu cho DN, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Từ một DN nhỏ chưa tên tuổi, có thể tận dụng Internet để trở thành một “ngôi sao”, như những gì TT Barack Obama đã làm trong chiến dịch tranh cử - GS. John Quelch chia sẻ tại bàn tròn với VEF.VN chiều 30/3.

Từ ứng cử viên nhỏ bé thành "ngôi sao" truyền thông

Tiếp thị điện tử là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, và có nhiều người vẫn nhầm lẫn nó với thương mại điện tử. GS. John Quelch chỉ ra rằng thương mại điện tử chỉ đơn thuần là bán hàng qua mạng Internet, trong khi tiếp thị điện tử rộng hơn rất nhiều, thông qua nhiều kênh để đưa thương hiệu và sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng.

Tiếp thị trực tuyến cho phép tiếp cận với những khách hàng mà sử dụng các phương pháp truyền thống rất khó tiếp cận. Đồng thời, khách hàng có thể ngồi nhà, lên mạng và mua hàng một cách dễ dàng.

Nhưng hạn chế của phương thức hiện đại này an toàn về thông tin cá nhân và an toàn về giao dịch. Bên cạnh đó, khối lượng thông tin ồ ạt trên Internet cũng khiến các chiến dịch tiếp thị dễ bị "chìm nghỉm".

Ba hình thức tiếp thị điện thử phổ biến nhất hiện nay là tạo ra những trang web để bán hàng, đặt các banner quảng cáo và sử dụng công cụ tìm kiếm hoặc "tấn công" các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để quảng bá.

Một ví dụ điển hình của thành công trong sử dụng tiếp thị điện tử là Tổng thống Mỹ Barack Obama khi chạy đua vào Nhà Trắng vài năm trước. Đối thủ Hillary Clinton sử dụng các phương pháp truyền thông và quyên được những khoản tiền lớn từ các nhà tài trợ "sộp" cho chiến dịch. Trong khi đó, ông Obama lại dùng Internet để đi sâu sát vào các cơ sở và thu được những món tiền nhỏ từ rất nhiều người. Tổng số người tài trợ cho chiến dịch của ông Obama lên tới 6 triệu - một con số khổng lồ biến Obama thành một "ngôi sao" của mạng Internet và giới truyền thông. Tên và liên lạc của những người này đều được lưu và chắc chắn sẽ tiếp tục được sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2012.

"Bài học cốt lõi cho thấy những thương hiệu nhỏ, chưa có tên tuổi, nếu biết cách sử dụng Internet thì có thể tiệm cận với lượng khách hàng lớn và rất trung thành," GS John Quelch nhấn mạnh. "Hơn nữa mội trường như các mạng xã hội hay diễn đàn là nơi văn hóa truyền miệng rất phát triển. Nếu doanh nghiệp nào biết cách chăm sóc khách hàng của mình một cách tốt nhất thì có thể tận dụng được văn hóa này."

GS. John Quelch trao đổi tại buổi bàn tròn trực tuyến. Ảnh: LAD

Đối với các DN lớn, đã có thương hiệu thì có thể tận dụng tính hội tụ của tiếp thị điện tử. Thói quen của người sử dụng Internet là tìm kiếm những thương hiệu lớn do đó việc các doanh nghiệp phải làm là làm thế nào cho thương hiệu của họ trở nên dễ nhớ.

"Kinh nghiệm tiếp thị lâu năm chỉ ra rằng người làm tiếp thị hiệu quả là người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng của mình," giáo sư cho biết. "Nếu chỉ trao đổi một chiều như thông qua quảng cáo trên TV chẳng hạn, thì sẽ không thể hiệu quả bằng cách ngồi xuống nghe khách hàng nói chuyện, như thế sẽ có được những khách hàng trung thành."

Theo GS John Quelch thì tiếp thị trực tuyến là một giải pháp tốt cho DN muốn quảng bá trong thời kỳ suy thoái. Ông dẫn ví dụ ở Mỹ trong 2 năm gần đây, nhiều người ở nhà nhiều hơn nên họ có thời gian tiếp cận với các phương tiện truyền thông như TV hay Internet, từ đó họ đặt mua hàng qua mạng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, trong thời suy thoái, con người mong muốn có sự liên kết với bạn bè người thân. Họ cũng lo ngại nếu bị mất việc thì có thể dựa vào các mối quan hệ trên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm. Chính vì thế, đây là "miếng bánh" rất béo bở cho các nhà tiếp thị số.

VN có thể xây dựng trường kinh doanh độc lập

Trường ĐH Kinh doanh Quốc tế Châu Âu - Trung Quốc (CEIBS), nơi GS. John Quelch đang làm hiệu trưởng, được thành lập năm 1994 bởi một thỏa thuận giữa Liên minh Châu Âu và Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc. Chỉ sau chưa đầy 20 năm hoạt động, ngôi trường kinh doanh độc lập này đã vươn lên vị trí số 17 trong bảng xếp hạng các trường kinh doanh tốt nhất thế giới do Financial Times bình chọn.

CEIBS được hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính, chương trình giảng dạy và tuyển chọn giảng viên. Những nhà tài trợ ban đầu hiện nay không còn can thiệp vào trường nữa mà vốn hoạt động chủ yếu dựa vào học phí do SV đóng góp và tài trợ từ các cựu SV.

Từng là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh London, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, hiện nay lại làm việc tại châu Á, GS John Quelch cho rằng về nguyên tắc và nền tảng thì các chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) đều tương tự như nhau. Điểm đặc sắc của CEIBS là hiểu biết về thị trường trung quốc vì thế trường thu hút được các bạn trẻ Trung Quốc muốn có tư duy toàn cầu và cả những bạn trẻ  toàn cầu muốn hiểu về thị trường Trung Quốc.

"Không có một trường nào ở Trung Quốc có được sự cạnh tranh như thế cũng như không có trường quốc tế nào có được kiến thức riêng về thị trường tại Trung Quốc," GS John Quelch khẳng định.

Giáo sư cũng cho rằng mô hình này có thể áp dụng tại Việt Nam. Chẳng hạn như Trường Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội có chất lượng khá tốt và ngày càng quốc tế hóa cao. Nếu trường liên kết với các đối tác nước ngoài và lựa chọn những giảng viên chất lượng cao thì có thể xây dựng theo mô hình trường kinh doanh độc lập.

Theo Vef.vn


Các tin khác