GS Võ Đại Lược: “Vứt cái mũ tập thể đi!”
 

"Có ông Bộ Trưởng Ngoại giao của một nước mới nhậm chức chỉ phát biểu vài câu sai là đã phải từ chức. Nhưng ở nước ta, không có chuyện từ chức, không có quy định quy trách nhiệm cá nhân, nên họ bám lấy cái mũ trách nhiệm tập thể để chối bỏ trách nhiệm cá nhân”, Giáo sư Võ Đại Lược nói về việc thất thoát và hiệu quả thấp trong đầu tư công. Theo ông, quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.

Giáo sư Võ Đại Lược
 
 Thưa ông, sự lãng phí trong đầu tư công thể hiện ở những khâu nào?

Có nhiều nguyên nhân khiến đầu tư công kém hiệu quả. Đầu tiên là chưa cân nhắc được thời điểm hợp lý để làm công trình. Có những con đường cần được cải tạo, mở rộng ngay nhưng chưa được làm.

Hai tuyến quan trọng nhất hiện nay là đường đi Hà Nội - Hải Phòng và từ TP.HCM đi Vũng Tàu. Hai tuyến này chiếm tỉ trọng công nghiệp 70-80% của cả nước. Nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của chúng vẫn lạc hậu. Đường sắt từ Hà Nội đi Hải Phòng, chẳng hạn, đã cũ kỹ. Đường sông cũng kém. Tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu cũng vậy. Nếu đầu tư ngay vào các tuyến giao thông quan trọng này thì sẽ có thể mang lại hiệu quả ngay. Sau đó, chúng ta mới đầu tư những nơi khác.

Chúng ta đang vướng ở chỗ là vốn đầu tư phân bổ cho các tỉnh tương đối bình quân. Tỉnh nào cũng có lý để xin phần kinh phí đó. Nếu đã phân cho các tỉnh thì buộc nguồn vốn phải bị dàn trải.

Thứ hai là tình trạng quản lý kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Điều này đã đẩy giá thành xây dựng 1 km đường cao tốc ở Việt Nam lên đến 10-12 triệu USD, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng. Trong khi ở Mỹ, con số này chỉ 5 triệu USD, ở Trung Quốc là 4,5 triệu USD. Như vậy thất thoát là khá lớn.

Chúng ta đã có quy hoạch cấp trung ương và cấp địa phương. Nếu cứ thực hiện theo quy hoạch thì không thể nói thất thoát, lãng phí theo chủ trương?

Quy hoạch của chúng ta hiện có vấn đề: quy hoạch theo cấp tỉnh, nhưng quy hoạch hạ tầng thì theo vùng, chứ không chỉ liên quan đến một tỉnh riêng lẻ. Hiện nay, có rất nhiều bản quy hoạch khác nhau. Tỉnh có quy hoạch của tỉnh, ngành giao thông, điện đều có quy hoạch của ngành. Những quy hoạch này phối hợp được với nhau thì ít mà chồng chéo nhau thì nhiều.

Ở Trung Quốc, đối với kết cấu hạ tầng quan trọng, họ cho đấu thầu quốc tế về quy hoạch. Nhưng ở nước ta, các cơ quan trong nước độc quyền về quy hoạch, khiến chất lượng quy hoạch chưa được cao. Bởi lẽ, năng lực của các cơ quan trong nước còn hạn chế.

Việc phân bổ vốn dàn trải theo địa giới hành chính tỉnh dẫn đến cơ chế xin cho, thậm chí chạy dự án. Liệu có khắc phục được tình trạng không?

Vấn đề này thì cần đến bàn tay của Trung ương. Ví dụ, kết cấu hạ tầng, làm cầu, đường, xây dựng trường đại học, xây dựng các khu công nghiệp cần phải theo khu như vùng trọng điểm phía Nam hay vùng trọng điểm phía Bắc. Giải pháp này sẽ giúp tập trung vốn tốt hơn, nhưng đòi hỏi cách phân cấp giữa Trung ương và địa phương như thế nào cho hợp lý.

Khi thảo luận dự thảo Luật Đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với việc phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu, những người ký phê duyệt dự án đầu tư công. Theo ông, điều này có làm được không?

Ý kiến như vậy là đúng. Nếu Quốc hội đưa ra luật quy định được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, trong đó nêu rõ nếu người đứng đầu vi phạm một, hai, ba hay bốn điều thì phải từ chức. Đó sẽ là một bước tiến.

Tôi biết một ông Bộ trưởng Ngoại giao của một nước mới nhậm chức chỉ phát biểu vài câu sai là đã phải từ chức. Nhưng ở ta không có chuyện từ chức, không có quy định quy trách nhiệm cá nhân. Điều này có thể khiến họ làm tùy tiện hơn, bám lấy cái mũ làm việc tập thể, trách nhiệm tập thể để chối bỏ trách nhiệm cá nhân. Cơ chế như vậy là không hợp lý. Do đó, phải cụ thể hóa để quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Những tồn tại của đầu tư công đang đe dọa thế nào đến nợ công Việt Nam?

Nợ công nếu tính theo chuẩn Việt Nam vẫn an toàn. Nhưng nếu theo chuẩn quốc tế, nợ công cao hơn và bắt đầu đến ngưỡng không an toàn. Do vậy, việc sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả mà lại gia tăng vay thì sẽ gây ra rủi ro. Trong khi đó, Hàn Quốc dù vay nhiều nhưng sử dụng nợ tốt, nên đã tạo được sự bứt phá.

Theo ông, cần làm gì để siết chặt quản lý đầu tư công?

Thứ nhất là phải kiểm soát chủ trương đầu tư công. Đầu tư vào công trình nào, lúc nào và bao nhiêu. Kiểm soát đầu tư công không chỉ là kiểm soát quy hoạch chung, mà còn phải kiểm soát đến từng công trình cụ thể. Các công trình phải được giám sát, đánh giá và phải có ý kiến các cơ quan phản biện độc lập. Có như vậy, mới giảm được những công trình kém hiệu quả.

Thứ hai, khi thi công, phải cho đấu thầu quốc tế. Nhưng chuẩn của đấu thầu phải theo hướng hiện đại. Tức không được lấy giá làm yếu tố quan trọng nhất, mà là chất lượng của công trình. Điều quan trọng nữa là phải tổ chức quản lý các công trình đó một cách tốt nhất. Một công trình mà một đơn vị vừa thiết kế, vừa thi công, vừa quy hoạch là không ổn. Ba đơn vị thực hiện phải độc lập, không có sự thông đồng. Có như vậy mới có thể tránh được thất thoát, tham nhũng.

Theo: Vietstock.vn


Các tin khác