"Cùng một xuất phát điểm như vậy, mà Hàn Quốc đã thành công. Còn chúng ta, trong cùng một khoảng thời gian đó, vẫn loay hoay với việc giải quyết những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường" - PGS-TS Trần Đình Thiên.
Vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường
Theo cách giải thích của ông, tôi hoàn toàn cảm thấy dễ hiểu. Vậy mà sao suốt 25 năm qua tại sao chúng ta lại vật vã, khổ sở đến vậy, và cũng khiến cho giới đầu từ nước ngoài vào Việt Nam luôn băn khoăn, thắc mắc, thậm chí hồ nghi về khái niệm này, để có những quyết định quan trọng khi bỏ đồng vốn ra?
Bởi vì hoá ra chúng ta chưa hiểu thế nào là kinh tế thị trường theo nghĩa đàng hoàng tử tế. Chúng ta tưởng chúng ta hiểu, bởi giáo trình Tây có đầy rẫy, đọc là hiểu. Nhưng hoá ra lại không phải là thế.
Điều cốt lõi nhất của kinh tế thị trường là chấp nhận những quyền tự do về tài sản, bao gồm quyền tự do sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Tất nhiên là tự do trong khuôn khổ luật pháp, tự do có điều kiện, chứ không phải tự do vô chính phủ.
Vai trò của nhà nước pháp quyền là đảm bảo cho những quyền chính đáng đó được thực hiện. Và, đặc biệt, không cho cái tự do vô chính phủ nó phá đám việc thực thi những quyền đó.
Ông Adam Smith bảo nhà nước là "gác đêm" cho sở hữu tư nhân là theo cái nghĩa đó. Tức là đừng để cho bọn trộm cắp lợi dụng trạng thái "tối đen" về luật pháp mà cuỗm những quyền chính đáng đó của cá nhân.
Vai trò lớn nhất của nhà nước, tựu trung lại, là bảo vệ những tài sản của những cá nhân đó để họ yên tâm vận hành tài sản đó một cách hiệu quả nhất và sáng tạo ra của cải cho xã hội, và một phần được dùng lại làm chi phí vận hành cho nhà nước.
Thị trường là cạnh tranh tự do, càng nhiều cạnh tranh tự do, càng nhiều sở hữu tư nhân hợp pháp, và sự bình đẳng giữa các chủ thể, thì nền kinh tế thị trường càng tốt. Cách hiểu của mấy chục năm qua đã khiến cho cái định hướng cao đẹp, nhưng rất xa vời kia, đã lấn át cái kinh tế thị trường.
Theo ông căn nguyên của cách hiểu sai lệch này là gì?
Đây không phải là lỗi cá nhân nào cả. Mà là hệ quả của một ý thức hệ thâm căn cố đế.
Rất may là gần đây hai khái niệm thị trường và định hướng XHCN đã dần rõ ra, và nhà nước cũng bắt đầu ngộ ra rằng vai trò chính của mình là làm sao giảm thiểu tổn thất thị trường. Đây là cách hiểu định hướng XHCN một cách hợp lý nhất.
Còn về mặt xã hội, vai trò của nhà nước là điều tiết làm sao đừng để sự chênh lệch thái quá giữa các cá nhân trong xã hội, bởi sự chênh lệch thái quá sẽ dẫn đến sự méo mó về nhân cách con người, và lớn hơn là bất ổn xã hội.
Đâu cũng vậy thôi, câu chuyện phong trào Phố Wall là vậy đó.
PGS-TS Trần Đình Thiên |
Để khắc phục cái nhận thức sai lệch này phải làm sao đây?
Chuyện này không chỉ một số nhà lãnh đạo hiểu, không chỉ giới lý luận, hay chuyên gia kinh tế hiểu, mà toàn xã hội phải hiểu kinh tế thị trường đích thực là gì. Là tư nhân, cạnh tranh, vị thế, và được đảm bảo bằng luật.
Việt Nam bây giờ càng phải làm sao phải càng thúc đẩy cho hệ thống thể chế thị trường phát triển nhanh, bởi đã hội nhập vào cái thị trường thế giới phát triển rất cao rồi. Đã ngồi trên lưng hổ rồi, không còn cửa tụt xuống đâu, gẫy cổ như chơi.
Chúng ta hay nhắc đến từ công nghệ, phấn đấu có công nghệ hiện đại. Nhưng để đảm bảo điều đó, trước hết phải có hệ thống thế chế hiện đại, đặc biệt với những nước đi sau. Bởi chỉ so thể chế tốt, những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại họ mới vào được.
Nói tóm lại, muốn định hướng thì phải có đối tượng để định hướng trước. Tức là phải có thị trường thì mới định hướng XHCN được. Thị trường càng lành mạnh thì định hướng càng hiệu quả, và càng đỡ tốn kém (về chi phí định hướng).
Từ lập luận nói trên, tôi thấy Nghị quyết Đại hội XI, tuy không dùng những từ đạo to búa lớn, nhưng đã tiếp cận được tư duy phát triển đúng.
Tại sao Việt Nam chậm tiến?
Vấn đề chính của Việt Nam hơn hai chục năm qua là gì?
Chúng ta đưa quá ít những nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường vào thực tiễn, mà quá chú trọng phần quản lý nó theo cách hành chính, vì sợ nó chệch hướng. Như tôi đã nói, cái định hướng tốt nhất là phải tạo ra cái đối tượng cần định hướng (thị trường), và để cho nó phát triển bình thường nhất.
Đó là lý do tại sao doanh nghiệp Việt Nam phát triển hơn 20 năm rồi, nhưng vẫn yếu, và thị trường vẫn kém phát triển. Hay nói một cách nhẹ hơn là phát triển khấp khểnh, không đồng bộ.
Nói một cách hình ảnh là không nên quá chú trọng tới việc giáo dục giới tính cho một cô bé con mới 5-6 tuổi, tôi xin lỗi các chuyên gia về giáo dục và bình đẳng giới, đúng không ạ?
Nhưng, theo ông, khoảng thời gian vừa rồi có phải là vẫn chưa đủ dài cho cô bé con đó trở thành một cô gái nở nang, hay theo cách nói của các cụ là "xôi ra xôi, oản ra oản" không?
Thời đại này là thời đại của tốc độ, của thay đổi tới chóng mặt. Hàn Quốc chẳng hạn, cũng trong khoảng thời gian đó, họ đã bước từ cái xã hội kém phát triển, như chúng ta, sang xã hội phát triển loại cao.
Ông có nhớ trong cuộc hội thảo Hàn - Việt cách đây mấy năm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chính (cựu) Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã nói rằng Việt Nam và Hàn Quốc có cái xuất phát điểm giống nhau là đều đi lên từ đống tro tàn của chiến tranh không?
Có. Cùng một xuất phát điểm như vậy, mà Hàn Quốc đã thành công. Còn chúng ta, trong cùng một khoảng thời gian đó, vẫn loay hoay với việc giải quyết những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường. Ví dụ như lực lượng doanh nghiệp, ví dụ như sự vận hành của các thị trường, ví dụ như câu chuyện cạnh tranh tự do, bình đẳng...
Ông lý giải thế nào về sự rụt rè, e ngại, vừa làm vừa run, nặng về định hướng, hơn là phát triển thị trường? Do thiếu quyết tâm chính trị, hệ thống think-tank có vấn đề, hay do cái mà gần đây người ta hay nói vui là "Việt Nam là nước khó có thể phát triển"?
Hoặc giả nguyên nhân chính là những yếu tố tác động từ bên ngoài khiến chúng ta e ngại? Chẳng hạn khủng hoảng kinh tế - tài chính, cuối những năm '90 ở châu Á, và lặp lại 10 năm sau trên toàn thế giới?
Những điều anh nêu đều có lý cả. Nhưng nói một cách tận cùng là suốt mấy ngàn năm phát triển của Việt Nam cái cấu trúc phát triển của ta nó quá bền vững, như chúng ta hay nói là con trâu đi trước cái cày đi sau, và con người đi sau rốt.
Cái hệ thống thể chế dựa trên ba nhân vật ấy nó tích đọng lại quá lâu nên phá vỡ nó rất khó. Nhất là việc cái cấu trúc thể chế đó đã giúp dân tộc này xử lý thành công bao nhiều cuộc chiến tranh...
Bởi sự luôn phải gồng mình lên đương đầu với bao cuộc chiến tranh, nên nó luôn cảnh giác với mọi thế lực từ bên ngoài. Mọi luồng gió mới từ bên ngoài vào luôn được đón nhận với một tâm lý cảnh giác cao độ.
Hơn nữa, hệ thống đó lại thành công trong các công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, nên mặc nhiên người ta thấy đó là một hệ thống rất tốt.
Văn hoá tự chịu trách nhiệm
Nhất là đối với một đất nước trải qua khá nhiều cuộc chiến tranh trong quá trình một ngàn năm từ khi có nền độc lập của mình, đúng không ông? Nhưng xét cho cùng, chiến tranh tuy nhiều, nhưng vẫn chỉ là những cái bất thường, còn hòa bình và phát triển mới là cái bình thường trong quá trình phát triển của một xã hội.
Theo tôi, suy cho cùng là phải suy như vậy, chứ chúng ta hay có thói quen qui lỗi ngắn hạn, qui cho ông nọ, ông kia, hay cho giai đoạn nọ, giai đoạn kia. Tất nhiên ai cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về những quyết định của mình cả. Nhưng chúng ta phải nhìn như thế để đánh giá cho nó công bằng hơn, thấy gốc rễ vấn đề ở chỗ nào mà thay đổi.
Hơn nữa, cái xã hội của chúng ta còn dựa trên mô hình của phương Đông, của đồng thuận xã hội, và ảnh hưởng nặng nề của Khổng Giáo. Xã hội đại đồng đâu phải phát minh của ông Karl Marx, ông Lenin đâu, mà là phát minh của ông Khổng Tử, và những đệ tử của mình. Một cấu trúc xã hội mà mỗi người đều có tham gia vào đó, mỗi người đóng một vai trò chức năng khác nhau.
Khi có đổi mới, đó là một cuộc cách mạng thực sự - chuyển sang kinh tế thị trường. So với với nhiệm vụ hội nhập của dân tộc Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy đổi mới nó tiến chậm.
Nhưng nếu nhìn vào tiến trình lịch sử, thì quả là một phần tư thế kỷ đổi mới vừa rồi cũng làm được một việc lớn: đó là rung, là lắc cái cấu trúc "tĩnh" đã hình thành hàng ngàn năm đó, khiến nó phải năng động.
Tức là không chỉ văn hóa thể hiện bản thân, mà có cả cái văn hóa chịu trách nhiệm về sự thể hiện đó?
Cũng có thay đổi rồi, nhất là với lớp trẻ, chứ không phải hoàn toàn vẫn như vậy.
Nhưng nói chung tập tính, đặc điểm tâm lý cố hữu đó của người Việt, hoàn toàn không còn tương thích với yêu cầu phát triển hiện nay nữa. Cho nên tôi nói việc thay đổi lối tư duy này sẽ thực sự là một cuộc cách mạng.
Chúng ta cũng nên tự tin rằng hơn một phần tư thế kỷ đổi mới vừa rồi, cũng có những cái chúng ta nhập cuộc với thế giới đâu phải quá chậm. Viễn thông, điện thoại di động, internet, chẳng hạn. Hay Đặng Thái Sơn, hay Ngô Bảo Châu chẳng hạn.
Tất nhiên những cái đơn lẻ đó cũng chưa đủ chứng tỏ là Việt Nam đã nhập cuộc tốt. Nhưng, chí ít, nó cũng cho thấy nếu thực sự quyết tâm thì cũng có thể làm được cái gì đó.
Và điều làm được đó nó giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác tự ti rằng dân tộc chúng ta không thể khẳng định được gì trước loài người, ngoài việc đánh thắng mấy đế quốc to, trong quá khứ. Bởi tuy là cá thể, nhưng những cá thể đó là dấu hiệu của năng lực Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ cơ cấu công nghiệp, bởi cũng sắp đến năm 2020 rồi, khi Việt Nam phấn đấu đạt mức cơ bản là nước công nghiệp, chúng ta định làm cái gì trên thế giới, trong cái chuỗi giá trị của loài người? Tôi nghĩ Việt Nam phải tạo ra một cái riêng.
Ta hãy so sánh Đài Loan với con chip của PC. Chính con chip đó đã định vị Đài Loan trong cuộc chơi. Thậm chí, người Đài Loan còn tự đặt cho mình một vị thế là thiết kế sản phẩm vi tính cho loài người.
Còn Việt Nam, do mới nhập cuộc, nên chủ yếu đi theo người ta, chứ chưa nghĩ đến chuyện nghĩ ra cái gì mới. Nhưng đây là chuyện cần thiết, và cấp thiết.
Hay Việt Nam sẽ chỉ là người đi hút dầu thô, đào mỏ, hay xúc cát đi bán cho loài người? Và được bao lâu?
Ý ông nói là phải có sản phẩm made by Vietnam, chứ không chỉ made in Vietnam?
Tất nhiên. Nhưng đầu tiên phải made in Vietnam đã, bởi bây giờ thế là đã khó rồi.
Xin cám ơn ông.
Theo: vietnamnet.vn