Thống kê dữ liệu 64 doanh nghiệp ngành xây dựng 6 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động xây lắp của các doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức ổn định. Trong bối cảnh bất động sản gặp khó khăn, không ít đơn vị đang gần như dựa hoàn toàn vào mảng xây lắp để tìm kiếm thanh khoản, giải quyết bài toán công ăn, việc làm cho đội ngũ nhân viên.
Trong số 64 doanh nghiệp nói trên, chỉ có 13 doanh nghiệp báo lỗ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, lại đạt mức thu nhập trên mỗi cổ phần khá cao.
Nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp xây lắp có kết quả kinh doanh tốt, dòng tiền tăng mạnh trở lại
CTCP Lilama 18 (mã LM8) có vốn điều lệ 80,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013, đã ghi nhận 673 tỷ đồng doanh thu hoạt động xây lắp, tăng nhẹ so với mức 635 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012, nhưng tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu cũng tăng mạnh từ mức 87,87% lên 93,31%. Tuy nhiên, việc cắt giảm tới hơn 30% chi phí quản lý doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm được 50% chi phí lãi vay đã giúp Công ty duy trì được hiệu quả sinh lời so với cùng kỳ năm 2012. Mức thu nhập 2.832 đồng/cổ phiếu cho nửa đầu năm 2013 là con số đáng mơ ước với hầu hết các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây lắp.
Tương tự Lilama 18, nhiều doanh nghiệp thuộc các họ Sông Đà, HUD, hay các đơn vị thi công công trình công cộng, cũng ghi nhận lợi nhuận lớn, trong đó, đáng kể nhất là CTCP Đầu tư và xây dựng thủy lợi Lâm Đồng (mã LHC). Tuy nhiên, đây là trường hợp ngoại lệ, bởi LHC có tới 25 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hạch toán từ công ty con là Công ty Khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành xây lắp đang niêm yết hiện nay có quy mô không lớn, tuy nhiên, đây lại là điều may mắn cho cổ đông của các doanh nghiệp này. Thực tế cho thấy, từ giai đoạn năm 2006, trào lưu các doanh nghiệp ngành xây lắp kiêm thêm chân bất động sản rất phổ biến. Doanh nghiệp nào càng có quy mô lớn, có điều kiện về quỹ đất sẵn sàng, thì càng sa đà vào đầu tư bất động sản và hiện nhiều doanh nghiệp đang mắc cạn với các dự án này.
Top 10 DN ngành xây lắp có lợi nhuận lớn nhất 6 tháng đầu năm
(nguồn: Stoxplus)
Nơi trú chân của đại gia bất động sản
Ngành xây lắp, vốn chỉ được coi là “nhặt bạc cắc”, lại đang là ngành trú chân an toàn cho nhiều đại gia bất động sản.
Ngay tại Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX), là đơn vị ghi nhận số lỗ lớn nhất trong các doanh nghiệp báo lỗ quý II/2013, với mức lỗ xấp xỉ 405 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm gần 437 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết hơn cơ cấu doanh thu của PVX, thì mảng xây lắp đang là động lực giúp PVX duy trì sự tồn tại.
Báo cáo tài chính tổng hợp của PVX cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu 1.851 tỷ đồng tổng doanh thu thuần, mảng xây lắp đóng góp tới 1.811 tỷ đồng, trong khi chỉ có giá vốn gần 1.733 tỷ đồng, tức mang lại lợi nhuận gộp khoảng 80 tỷ đồng. Các mảng hoạt động khác, dù chiếm nguồn lực không hề nhỏ của Tổng công ty, nhưng gần như không mang lại doanh thu. Nếu chỉ chuyên tâm vào hoạt động xây lắp, không dàn trải đầu tư vào hệ thống công ty con, bất động sản, thì việc PVX thua lỗ như hiện nay gần như không có.
Dòng tiền doanh nghiệp xây lắp vẫn tốt
Mặc dù trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng phải đối mặt với tình trạng không thu được tiền từ chủ đầu tư, nhưng thống kê cho thấy, dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp xây lắp lại tăng lên đáng kể.
Tại Lilama 18, dòng tiền thu về từ sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nay đạt 691 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 là 580 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý II/2013, công ty này cũng có số dư tài khoản tiền và tương đương tiền 125,68 tỷ đồng. Tại CTCP Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), thu tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng đat 114 tỷ đồng, gần gấp đôi con số cùng kỳ năm 2012 là 68 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, tổng khối lượng xây lắp dù tăng so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp lại chuyển được tình trạng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh từ âm sang dương, cho thấy, dòng tiền đã quay trở lại với khối này.
Theo:baoxaydung.com.vn