Theo TS Vũ Tiến Lộc, các luật khác về đầu tư đã thấy rõ sự chồng chéo, rườm rà. Các địa phương khác nhau đang có những thủ tục về trình tự khác nhau để thu hút đầu tư. Theo khảo sát của VCCI bằng việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và thủ tục đầu tư liên quan tới xây dựng luôn là những cản trở trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Mặt khác, trong tương quan so sánh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN, môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng giảm sức cạnh tranh. “Nếu như trước đây chúng ta từng là nơi thu hút hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài và ở ASEAN thì hiện nay chúng ta đang có một vị trí khá khiêm tốn” -TS Vũ Tiến Lộc cho biết. Do đó, theo TS Vũ Tiến Lộc, để tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì Luật Đầu tư sửa đổi và các văn bản có liên quan phải đảm bảo được tính hấp dẫn, công bằng, minh bạch và thống nhất cho các nhà đầu tư.
“Tôi hy vọng năm 2014, Quốc hội sẽ sửa đổi các luật liên quan tới đầu tư, trong đó có những điều về thủ tục đầu tư – đây là yêu cầu cấp bách để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cấu trúc trong thời gian tới”– TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Việc thực hiện các dự án đầu tư hiện nay được áp dụng theo Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. Những văn bản pháp luật này với nhiều nội dung tiến bộ đã xác lập những bước tiến bộ quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn bản pháp luật tới nay cho thấy đã nảy sinh nhiều bất cập, cần tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Tại hội thảo, nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp được đưa ra cho rằng cần thiết phải thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong thực hiện dự án đầu tư.
Một số ý kiến đưa ra những hạn chế như quy định pháp luật về quy trình, thực hiện đầu tư phức tạp, chồng chéo và không thống nhất; thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện đầu tư; quy định ưu đãi đầu tư chưa nhất quán và phù hợp thực tiễn….
Đại diện Eurocharm bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực hiện cải cách TTHC nhằm làm đơn giản hóa và đổi mới TTHC, trên cơ sở đó để thu hút được các nhà đầu tư trên các lĩnh vực đầu khác nhau. Các TTHC càng đơn giản bao nhiêu thì càng giảm thiểu thủ tục cho các nhà đầu tư bấy nhiêu, cải thiện được môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Đại diện Eurocharm cũng cho biết, một số doanh nghiệp ở Châu Âu cũng đưa ra một số quan ngại về thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp, quan liêu khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam như: xin đăng ký kinh doanh, giải phóng mặt bằng, xin giấy phép xây dựng, việc thực thi các phán xét trọng tài trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh…
“Các báo cáo đã đưa ra ra nhiều vấn đề về sự chồng chéo, các cơ chế trong các lĩnh vực đầu tư về đất đai, về đăng ký…Eurocharm rất đồng tình với những vấn đề đã nêu và cho rằng, các khó khăn về sự không rõ ràng, không nhất quán sẽ có tác động tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài” – đại diện Eurocharm cho biết.
Đề xuất các giải pháp cải cách TTHC
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI đã trình bày Báo cáo Nghiên cứu đánh giá quy trình và thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư do VCCI nghiên cứu bằng việc lấy ý kiến của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh. Kết quả của báo cáo sẽ phục vụ cho việc xây dựng Đề án cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư do Thủ tướng giao Bộ Tư pháp trình trong tháng 9/2013. Ông Tuấn cho biết, theo kết quả khảo sát gần đây của VCCI, thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng được đánh giá là một trong nhóm các thủ tục khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khảo sát PCI cũng cho thấy những kết quả gần tương tự. Các nhóm thủ tục liên quan đến hải quan, đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng thuế, và đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư là 5 nhóm thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp FDI cho biết gặp nhiều khó khăn nhất.
Báo cáo nhấn mạnh một số giải pháp ngắn hạn (2013-2015) như sau: thiết kế được “bộ thủ tục hành chính” cho “chu trình” thực hiện quá trình đầu tư của doanh nghiệp gồm: giới thiệu địa điểm, quy hoạch, lấy ý kiến về thiết kế cơ sở, giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục về cam kết hoặc đánh giá tác động môi trường; thủ tục thu hồi đất, giá thuê đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….
Kết quả của việc thiết kế “mô hình chuẩn” này cần được đưa vào một thông tư liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường quy định về nguyên tắc, trình tự thủ tục liên quan đến đầu tư để UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể để áp dụng trên địa bàn.
Đối với giải pháp trung và dài hạn (sau 2015): ban hành luật về thủ tục hành chính (bao gồm cả các nguyên tắc “pháp điển hóa” quy phạm pháp luật về TTHC; các quy định về đơn giản hóa TTHC, xây dựng các luật để ‘cắt gọt” các TTHC. Nên áp dụng “một Luật sửa nhiều Luật” để cải cách thủ thục hành chính về đầu tư….
Ông Nguyễn Hùng Huế - Phó trưởng phòng KSTTHC khối Kinh tế ngành Cục Kiểm soát TTHC đã trình bày một số đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư trong Báo cáo của nhóm nghiên cứu Tổ công tác liên ngành.
Theo ông Huế, một số tồn tại, hạn chế trong quy trình TTHC khi thực hiện dự án đầu tư là: không có một số quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành dự án, thậm chí ngay cả quy định của từng thủ tục để công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện cũng không có. Thời gian hoàn thành các TTHC kể từ khi có ý tưởng đến khi dự án đi vào vận hành thường rất dài, đặc biệt với dự án có sử dụng đất trong trường hợp đơn giản nhất, đầu tư vào vị trí thuận lợi nhất, giả định mọi yếu tố đều thuận lợi thì thời gian dành cho thực hiện TTHC cũng lên đến hơn 5 tháng (155 ngày).
Có nhiều thủ tục trong quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, nội dung quản lý và cơ quan thực hiện. Xuất hiện nhiều TTHC ‘con’ trong quá trình thực hiện nên việc thực hiện trở nên phức tạp và thời gian thực hiện kéo dài hơn quy định….
Từ những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu Tổ công tác liên ngành đã đưa ra một số giải pháp cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư.
Trước hết phải đơn giản hóa các quy định về TTHC trong thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, yêu cầu chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất. Bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo nội dung xét duyệt của các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư.
Không yêu cầu nhà đầu tư phải xin giấy phép quy hoạch mà các nội dung của giấy phép đó phải được đưa vào ngay trong nội dung của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Các nội dung yêu cầu về nhiệm vụ quy hoạch phải được thể hiện ngay trong nội dung của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính trong quá trình thực hiện các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư. Không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trích đo địa chính khu đất đối với những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Đối với các trường hợp phải thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư chỉ phải thực hiện việc trích đo địa chính khu đất khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất…
Bãi bỏ thủ tục thẩm định, xác nhận nhu cầu sử dụng đất, việc xác định nhu cầu sử dụng đất là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, định mức làm cơ sở xác định nhu cầu sử dụng đất giúp cho việc giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được minh bạch, hiệu quả….
Phát biểu kết luận buổi Hội thảo, ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, Trưởng Ban I cho biết, việc Chính phủ và các Bộ, ngành đề xuất cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng có thể đem lại tác động tích cực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Việc triển khai cải cách trong thời gian tới đòi hỏi cần có nhiều nỗ lực của các bên liên quan do những tồn tại cả trong các quy định pháp luật về TTHC khi thực hiện dự án đầu tư cũng như trong bản thân quy trình và thực hiện TTHC tại các địa phương.
"Trong giai đoạn trước mắt, từ nay đến 2015, những nỗ lực cải cách cần tập trung vào việc thiết kế và triển khai áp dụng được một "bộ thủ tục hành chính" cho "chu trình" thực hiện hiệu quả quá trình đầu tư của doanh nghiệp" - ông Túc nhấn mạnh.
Theo:ddd.com.vn