Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản tại địa phương
 
 Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 14/CT-TTg, về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Theo đó, đến nay vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát,... Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong năm 2013 và các năm tới, tình hình thu ngân sách Nhà nước dự báo tiếp tục khó khăn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ khó có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án dở dang của các bộ, ngành, địa phương.
 
  Chỉ thị số 14/CT-TTg yêu cầu các địa phương lập báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 30-6-2013 và các giải pháp xử lý nợ đọng trong thời gian tới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 Một số yêu cầu cụ thể được đặt ra với UBND các tỉnh như sau: 

+ Chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách Trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định. 

+ Nếu dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định dừng những dự án không bảo đảm hiệu quả đầu tư, chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn. Trong phạm vi cân đối ngân sách của cấp mình, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh dự án. 

+ Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao. Không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu.

+ Không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.
                                                                                                                                                                                 Theo: Baobinhduong


Các tin khác