Để hỗ trợ thị trường, nhiều giải pháp đã được đưa ra, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn đó những vấn đề như: nợ xấu cao, nhiều DN gặp khó khăn khi tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, sức tiêu thụ thị trường thấp, thị trường BĐS vẫn "đóng băng". Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và các lĩnh vực còn chậm. Ts. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Đánh giá về sự chuyển biến nền kinh tế 5 tháng qua, ông có nhận định như thế nào?
Những chuyển biến tích cực này thể hiện cả hai mặt. Thể hiện qua con số về lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ quốc tế, lãi suất và cả thương mại… là tương đối khả quan. Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt sản xuất kinh doanh thì có thể thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tiếp cận vốn còn khó khăn, trong đó lý do cơ bản không phải do lãi suất mà do nợ xấu chưa được bắt tay vào xử lý. Ngoài ra, nội tại ngân hàng có những vấn đề khó khăn của mình.
Bên cạnh đó, tổng cầu rất yếu và 3 khoản nợ vẫn còn: nợ xấu, tồn kho vẫn còn cao mặc dù đã giảm đáng kể, và nợ xây dựng cơ bản vẫn hết sức lớn.
- Theo ông tại sao các DN vẫn gặp khó khăn, hàng tồn kho vẫn nhiều mặc dù họ đã được tiếp cận vốn giá rẻ?
Khía cạnh đầu tiên là mức tăng tiêu dùng là thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm. Thứ hai, tổng đầu tư xã hội cũng giảm rất mạnh, trong 4 tháng đầu năm 2013 tổng đầu tư xã hội chưa đạt tới 30% GDP. Thứ ba, xuất khẩu Việt Nam vẫn là một điểm sáng, nhưng tổng số tăng xuất khẩu đã bắt đầu giảm dần. Đằng sau vấn đề đó là do vấn đề chính sách. Việt Nam đã có một loạt chính sách ra đời, nhưng việc thực hiện vẫn còn rất chậm.
- Vậy những chính sách đó có phải chưa hỗ trợ hoặc giải quyết được những khó khăn của DN, nên chưa thể đi vào cuộc sống?
Đúng như vậy. Thực ra báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đôi khi đưa tin lại nhấn quá nhiều vào một chính sách này hay một chính sách khác. Ví dụ, chúng ta hiện nay đang nhấn mạnh quá nhiều vào gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua nhà. Thật ra, Nghị quyết 02 là một tổng thể các chính sách, nếu liệt kê một cách ngắn gọn thì sẽ bao gồm những chính sách như sau: Một là vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó kéo lãi suất xuống thấp. Điều này đã làm được và có ít nhiều ý nghĩa.
Hai là về vấn đề lãi suất. Đây chỉ là một câu chuyện có điều kiện để tiếp cận được tín dụng, điều quan trọng hơn là xử lý nợ xấu. Chúng ta chỉ mới ký được văn bản cho ra đời công ty AMC (công ty mua bán nợ xấu) mà chưa bắt đầu triển khai. Có thể hiểu rằng, AMC không phải là biện pháp "thần kỳ" gì cả mà chỉ là một trong các biện pháp tổng thể để xử lý nợ xấu. Ba là việc giãn, giảm, miễn thuế cho DN, kể cả trong lĩnh vực BĐS. Việc này đã có những cái đã triển khai nhưng có những việc vẫn phải chờ Quốc hội xem xét, quyết định. Ví dụ, thế thu nhập DN.
Nếu nhìn tổng thể, chúng ta có thể thấy việc xử lý vẫn chưa đồng bộ và còn quá chậm.
- Ông có nói rằng, việc xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ năm 2012, nhưng quá trình xử lý có phần chậm trễ do thiếu tính kiên quyết và triệt để?
Nguyên nhân là do thiếu sự giải trình với xã hội trước những phản ứng của thị trường về dòng tiền, lợi ích nhóm liên quan đến trục trặc trong hệ thống ngân hàng. Do đó, việc thành lập công ty AMC chỉ là một giải pháp quan trọng trong tổng thể giải pháp liên quan đến việc giải quyết nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, phải đảm bảo thị trường mua bán nợ có thanh khoản và tối thiểu hóa chi phí của Nhà nước. Nguồn tiền cho hoạt động của AMC có thể do Ngân hàng Ngân hàng Trung ương bơm tiền hoặc là phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, AMC nên trực thuộc Chính phủ chứ không "nằm" trong NHNN hay Bộ Tài chính, đồng thời nên để nhiều cơ quan tham gia để đảm bảo tính minh bạch, chống lợi ích nhóm.
- Vậy ông có nhận định gì về đáy của khó khăn kinh tế?
Có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, tăng trưởng có khả năng chỉ khoảng 5%. Nếu tăng trưởng 5% so với tăng trưởng quý I hoặc so với cả năm 2012 thì rõ ràng nền kinh tế vẫn đi ngang, và đâu đó đáy nền kinh tế vẫn ở phía trước. Thứ hai, khả năng nhiều hơn nếu chúng ta thực hiện quyết liệt, mặc dù đã chậm những giải pháp trong Nghị quyết 02 thì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được từ 5,2 - 5,5%. Như vậy, kinh tế Việt Nam bắt đầu có sự khởi sắc.
Theo: dddn.com.vn