4 kiến nghị của VCCI tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013, VCCI đã đưa ra 4 kiến nghị với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

 

 Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Namnăm 2012, VCCI đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp thúc đẩy cải cách và trợ giúp doanh nghiệp. Đến nay, sau 6 tháng kiểm lại, Chính phủ đã tiếp thu và giải quyết một số vấn đề lớn sau: 

Thứ nhất, đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp về mức phổ thông là 20%. Chính phủ đã tiếp thu và trình phương án ra Quốc hội theo hai mức: 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 22% cho doanh nghiệp lớn.

Thứ hai, đề nghị chỉ nâng lương tối thiểu 15%/năm thay vì mức Chính phủ dự kiến 25-27%/năm. Chính phủ đã quyết định ở mức 17,5%.

Thứ ba, đề nghị bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo và tiếp thị của doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội nâng từ 10-15% trần này.

Thứ tư, đề nghị khôi phục ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng đầu tư cũng như các dự án đầu tư mới cho khu vực FDI. Chính phủ đã trình Quốc hội về việc này.

Thứ năm, đề nghị thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm đại diện Chính phủ và các bên đối tác xã hội. Chính phủ đã có Nghị định về việc này.

Thứ sáu, đề nghị các giải pháp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho làm ấm lại thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp tích cực để giảm mạnh lãi suất, Chính phủ đã bố trí 30.000 tỷ để hỗ trợ người nghèo có nhà ở xã hội và hỗ trợ thị trường bất động sản.

Thứ bảy, đề nghị tăng cường các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế như nâng cấp, cải tạo Quốc lộ số 1, xây dựng cảng Quốc tế cửa ngõ Lạch Huyện, có kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống cảng biển phía Nam (Thị Vải), cảng hàng không quốc tế Nội Bài… Chính phủ đã triển khai tích cực các dự án này.

Ngoài ra, nhiều kiến nghị khác của doanh nghiệp cũng được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ.  

 
Tuy nhiên, trong bối cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 diễn ra, TS Lộc nhận định các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể vẫn tăng lên. Gốc rễ của vấn đề là do yếu tố cơ cấu: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Các biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng còn chậm và chưa đủ mạnh. Chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra rất chậm. Do vậy, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: từ chương trình tới hành động”, VCCI tiếp tục gửi tới Chính phủ 4 kiến nghị mới. Cụ thể:

Một là, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô

Nền kinh tế có một số cải thiện nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Lạm phát tuy bước đầu đã được kiềm chế nhưng luôn tiềm ẩn những yếu tố dẫn đến bùng phát trở lại. Do vậy, đề nghị Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững.  Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt dài hạn.

Hai là, đẩy mạnh cải cách cơ cấu

Những điểm yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề cơ cấu. Do vậy, Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. Các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng phải khuyến khích đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn. Theo hướng đó, đề nghị Nhà nước không thể chậm trễ hơn việc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương thoái vốn nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà nhà nước không cần nắm giữ, để chuyển một phần nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục tiêu xã hội…

Khu vực tư nhân có thể nói sẽ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này một cách mạnh mẽ hơn. Cần có một một định hướng và chính sách nhất quán từ việc sửa đổi Hiến pháp tới các chính sách, luật lệ cụ thể nhằm bảo đảm một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng và thuận lợi cho họ. Cần xác lập niềm tin để tạo ra những động lực phát triển mới trong khu vực này.

Ba là, đột phá trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Đề nghị đưa thuế thu nhập về mức thống nhất 20%, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp hoặc tối thiểu cần nâng mức trần lên 15 - 20% của doanh thu chứ không phải của chi phí. Đề nghị tiếp tục có các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích thị trường. Tiếp tục duy trì miễn thị thực đối với các thị trường du lịch trọng điểm để duy trì mức độ tăng trưởng của du lịch. 

Bốn là, khẩn trương hơn trong tiến trình hội nhập

Để tạo không gian phát triển, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư,… Chính phủ cần tích cực đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như: Hiệp định tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại tự do khác. Các chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại tích cực sẽ góp phần tạo ra các động lực mới cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
                                                                                                                                                 Theo: dddn.vn


Các tin khác