Xây dựng cơ bản: Phát huy ưu điểm, chấn chỉnh hạn chế
  Giá trị cấp phát cao, nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội; trường học ở các vùng Phú Giáo, Dầu Tiếng xây nhiều nhưng lượng học sinh không nhiều, trong khi đó tại TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, áp lực quá tải phòng học lớn thì lại không tranh thủ được nguồn vốn để xây dựng trường lớp; một số công trình tiến độ thực hiện còn chậm, giải phóng mặt bằng còn lấn cấn, đặc biệt là công tác đấu thầu, giám sát thi công còn bộc lộ hạn chế… Đó là những vấn đề đã được nêu ra tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) quý 1-2013 được UBND tỉnh tổ chức mới đây.

 

Chuyển biến rõ rệt

Công tác chuẩn bị đầu tư tốt, quyết định đầu tư hợp lý bảo đảm đúng định hướng cùng với sự nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc thực hiện, quản lý đầu tư đã giúp tình hình đầu tư XDCB thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 15-4, tổng giá trị cấp phát trong đầu tư XDCB đã thực hiện được gần 1.500 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch cả năm. Trong đó, nguồn vốn do tỉnh quản lý cấp phát đạt 667,696 tỷ đồng; nguồn vốn do các huyện, thị, thành phố quản lý cấp phát đạt 718,210 tỷ đồng; nguồn vốn ODA cấp phát đạt 45,062 tỷ đồng và nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 3,544 tỷ đồng.

 

 Công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung, một trong những công trình XDCB trọng điểm của tỉnh

 Các số liệu nêu trên cho thấy, hạn chế mang tính cố hữu trong đầu tư XDCB nhiều năm qua là thực trạng nguồn vốn nằm chờ dự án, công trình đã không còn diễn ra. Mặt khác, với tiến độ thực hiện các dự án được cải thiện, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật mới đã sớm đưa vào sử dụng, nguồn vốn ngân sách được sử dụng hiệu quả, tạo ra những thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung yêu cầu các sở ngành, huyện, thị, thành phố cũng như các chủ đầu tư cần phát huy những yếu tố tích cực này đưa công tác quản lý, thực hiện đầu tư XDCB tiếp tục tạo ra những chuyển biến mới, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Kế hoạch hóa cụ thể vốn cho giáo dục

Theo tính toán của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Hùng Dũng, với mức tăng học sinh 22%/năm thì nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng giáo dục tương ứng sẽ lên đến 1.500 tỷ đồng/năm. “Vốn đầu tư cho giáo dục chủ yếu từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Vì vậy, việc bố trí kế hoạch vốn này phải cụ thể để các chủ đầu tư liệu cơm gắp mắm”, ông Dũng lý giải trước tình hình một số chủ đầu tư xin bố trí thêm vốn cho dự án xây dựng trường học ở vùng xa.

Trong lĩnh vực đầu tư XDCB của ngành giáo dục, có một thực tế khá mâu thuẫn là tại một số địa bàn như Dầu Tiếng, Phú Giáo, lượng học sinh không nhiều, chưa tạo ra áp lực về trường học nhưng số lượng các dự án xây dựng trường học lại khá lớn. Ngược lại, tại các đô thị như TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, lượng dân số nhập cư đông, áp lực trường học rất lớn, số lượng các dự án xây trường học thì còn khá khiêm tốn do các địa phương này không tranh thủ được nguồn vốn. Vì vậy, việc bố trí nguồn vốn cho giáo dục cần phải được kế hoạch hóa cụ thể; các địa phương như TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một phải tìm ra giải pháp để hấp thu được nguồn vốn này, tránh tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”, đưa nguồn vốn trong tình hình khó khăn đến được những địa chỉ cần và bức thiết hơn.

“Siết” lại đấu thầu, thi công

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, đấu thầu và thi công trong XDCB cần phải được giám sát chặt chẽ hơn, bảo đảm được tính công khai, minh bạch và cạnh tranh nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách cũng như bảo đảm cho chất lượng các công trình. Thực tế, một số gói thầu, công trình, có trường hợp nhà thầu bỏ thấp, tiếng là cạnh tranh nhưng trong quá trình thực hiện lại sử dụng hết nguồn vốn dự phòng, sử dụng cả vốn tăng thêm, tổng dự toán đội lên còn cao hơn cả việc chỉ định thầu! “Anh bỏ thầu thầu thấp hơn 15 tỷ đồng nhưng lại sử dụng hết nguồn vốn dự phòng của công trình đến 18 tỷ đồng, thậm chí có công trình còn tăng thêm vốn so với dự toán là điều khó chấp nhận được. Giám sát không chặt chẽ, vốn Nhà nước thất thoát như chơi…”, ông Cung nói và yêu cầu các chủ đầu tư cần phải giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, không thể cho phép sử dụng vốn dự phòng cũng như điều chỉnh tăng dự toán không đúng quy định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc kiểm tra, giám sát quá trình thi công cũng cần phải được thực hiện thường xuyên và có sự tham gia của các sở, ngành chức năng cùng UBND các huyện, thị, thành phố dưới sự chủ trì của Sở Xây dựng để bảo đảm cho chất lượng các công trình, tránh thất thoát ngân sách và để lại những hậu quả phải khắc phục về sau.

Dứt điểm giải phóng mặt bằng

“Hình như có một xu hướng là lãnh đạo ở một số nơi ngán ngại việc giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng hay thiếu trách nhiệm…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nêu thẳng vấn đề này tồn tại ở dự án xây dựng tuyến đường ĐT744 do Sở Giao thông - Vận tải thực hiện. Dự án này đã kéo dài nhiều năm gây bức xúc trong dư luận nhưng đến nay vẫn còn kẹt trong giải phóng mặt bằng. “Sở Giao thông - Vận tải làm không xong thì giao lại phần giải tỏa đền bù cho UBND huyện Dầu Tiếng thực hiện. Công trình này phải hoàn thành trong năm nay. Việc chậm trễ đã làm tăng thêm dự toán, gây thất thoát ngân sách nên không thể kéo dài thêm được nữa…”, ông Cung chỉ đạo. Cũng trong công tác giải tỏa đền bù, người đứng đầu chính quyền tỉnh còn “nhắc khéo” các cơ quan chức năng khi thực hiện tham mưu áp giá đền bù phải hợp lý, không thể vì “lợi ích nhóm” mà áp giá tùy tiện.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng cho rằng, giải phóng mặt bằng vốn là công việc khó nhất, lại rất nhạy cảm và nếu không tập trung giải quyết dứt điểm thì không thể thi công được các công trình.

                                                                                                                               Theo: Baobinhduong.org.vn


Các tin khác