Ảnh minh họa: Lê Tiên
Trong giai đoạn 2001-2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng và duy trì ở mức cao; tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong đó, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có một vị trí quan trọng, bình quân giai đoạn 2001-2010 chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đầu tư của Nhà nước bao gồm các nguồn chủ đạo là ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, mặc dù đầu tư công đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp còn khá phổ biến. Do vậy, việc tiếp tục đổi mới về quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cần thiết.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư công đã có đóng góp nhất định trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên chưa đáp ứng toàn diện trong lĩnh vực quản lý đầu tư công và còn nhiều bất cập như: các quy định về quản lý đầu tư công được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo, không đầy đủ, thiếu cụ thể và sửa đổi chắp vá, gây khó khăn cho việc áp dụng và thi hành. Chưa có quy định hoặc quy định không rõ về yêu cầu, nội dung cần quản lý trong quá trình đầu tư công v.v...
Để khắc phục những tồn tại trên, cần có một văn bản luật thống nhất, có cơ sở pháp lý cao hơn để điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay. Do vậy, việc sớm ban hành Luật Đầu tư công là cần thiết.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên, dự thảo Luật quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ không được làm chủ đầu tư có thể dẫn đến việc nhiều dự án chậm tiến độ. Hiện nay Bộ GTVT đang có xu hướng Bộ làm chủ đầu tư trực tiếp để thúc đẩy tiến độ. Ông Trương Tấn Viên cũng cho rằng, cần bổ sung trong dự thảo Luật là: Chủ đầu tư là người được Nhà nước giao vốn.
Theo ông Trần Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, qua thực tế thanh tra xây dựng, các dự án sử dụng vốn ngân sách, kể cả vốn của doanh nghiệp nhà nước, thất thoát, lãng phí nhiều, chủ yếu ở phần tổ chức thực hiện như chủ trương đầu tư, thiết kế, đấu thầu, bởi còn tình trạng chưa đánh giá kỹ về sự cần thiết khi đầu tư, cũng như vẫn tồn tại những khoảng trống của pháp luật về đầu tư công.
Còn ông Trần Tố Nghị - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, quan hệ ràng buộc giữa người quyết định đầu tư và chủ đầu tư rất ít, vai trò quản lý nhà nước chưa rõ ràng. Tài sản công mà giao cho một đối tượng quản lý thì sẽ không chặt chẽ; tiền của Nhà nước phải do Nhà nước quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, đối với vấn đề Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chủ đầu tư thì trước kia Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ 2 phương án: có hay không việc các Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chủ đầu tư; các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ không làm chủ đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đánh giá ý kiến đóng góp của các đơn vị là rất quan trọng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chúng ta làm luật là vì cái chung của đất nước, do đó phải đối chiếu với từng luật, những gì trong luật khác đã có thì tiếp thu; nếu cần thiết phải đưa vào luật, phải có ý kiến thống nhất toàn diện.
Theo: Báo Đấu Thầu