Việc hạ lãi suất cho doanh nghiệp thế nào cho phù hợp được không ít chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng nêu lên trong buổi Hội thảo về tín dụng tại Học viện Ngân hàng - Hà Nội sáng ngày 7/5. Là người trong cuộc, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng lãi suất không phải là khó khăn với một số doanh nghiệp. "Đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tôi nghĩ lãi suất có 0% thì vẫn cao. Khi đầu ra không có, cho vay 0% thì họ cũng không vay nổi vì không trả được khoản gốc", ông Hưởng lo ngại.
Trao đổi với chúng tôi về việc trần lãi suất có thể sẽ giảm thêm để tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay, ông Hưởng cho rằng hạ lãi suất "chỉ nên vừa phải" để vẫn bảo vệ người gửi tiền thay vì cố cứu doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Theo ông, chính những doanh nghiệp yếu kém làm ăn thua lỗ mới là những người kêu ca nhiều nhất về lãi suất. Nhóm này có không ít đại gia, nếu tính tổng tài sản trừ đi các khoản nợ đều âm.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng của Học viện Ngân hàng - dẫn một kết quả nghiên cứu của Viện này cho thấy chính các doanh nghiệp thừa nhận lãi suất không phải vấn đề với họ. Ông Trung cho rằng tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam kém nhạy cảm với lãi suất. Theo ông, lãi suất giai đoạn 2004-2012 dù cao cũng không cản bước các doanh nghiệp tìm mọi cách để vay vốn. Ngược lại, năm nay lãi suất dù thấp nhưng cũng không kích thích được tăng trưởng tín dụng. "Nói cách khác, nhân tố lãi suất chỉ đóng một vai trò khá mờ nhạt trong sự biến động của nguồn tín dụng từ ngân hàng", ông Trung kết luận.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng - cũng thừa nhận đặc trưng này. "Giả sử bong bong bất động sản chưa vỡ thì tôi nghĩ lãi suất 20% vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vay", bà Hương nêu dẫn chứng.
Cách đây 2 ngày, "ông lớn" Vietcombank vừa giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và động thái này gợi mở không ít dự báo trần lãi suất tiết kiệm có thể giảm thêm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, dư địa hạ lãi suất nếu còn chỉ có thể giảm 0,5% và đây là mức lãi suất tiết kiệm hợp lý mà người gửi tiền có thể chấp nhận được. "Nếu trần huy động mà xuống 4%,5% hay 6% thì ai là người gửi tiền. Bẫy thanh khoản vẫn rình rập với các ngân hàng thương mại và xảy ra ngay khi các ngân hàng đua đẩy lãi suất huy động lên cao", ông Hưởng lo ngại.
Trước việc tín dụng vẫn chưa thể tăng cao dù đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, không ít ý kiến nêu việc hạ chuẩn vay vốn cho doanh nghiệp dễ tiếp cận. Tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng - cho rằng không thể làm vậy khi việc cho vay đã có cơ chế và quy trình chuẩn. Tiến sĩ Trịnh Quang Anh cũng lo ngại: "Nếu cứ hạ chuẩn, hô hào và ép tín dụng tăng bằng mọi cách, trong đó có việc ra sức hạ lãi suất thì mấy năm nữa lại rơi vào vòng luẩn quẩn".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì gợi ý cho vay tín chấp có thể là lối thoát cho tăng trưởng tín dụng hiện nay. "Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cạn tài sản đảm bảo, họ đến ngân hàng vay nhưng cứ đòi hỏi thế chấp thì lấy ở đâu ra", ông đặt vấn đề. Trước gợi ý này, đại diện cho Ngân hàng Nhà nước - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Phạm Xuân Hòe khẳng định chính sách khuyến khích cho vay tín chấp đã có sẵn và Ngân hàng Nhà nước cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ.
"Tuy nhiên việc thực hiện lại tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng bởi đó là quyền của họ", ông Hòe phát biểu. Từng 13 năm làm việc tại ngân hàng thương mại, ông Hòe cho rằng các ngân hàng cũng phải tìm cách "nuôi nợ" đối với doanh nghiệp trong bối cảnh này. Ông nêu trường hợp: "Nếu có 10 khách hàng trong ngành xây lắp đang có nợ xấu nhưng phương án kinh doanh tốt thì HĐQT ngân hàng có quyết dám bơm tiếp vốn để cho người ta trả nợ cho thành nợ đẹp không? Theo tôi nên quan tâm cả biện pháp này".
Theo: Vnexpress.net