Dòng sự kiện: Diễn đàn kinh tế mùa thu |
Theo ông Lịch, nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau, nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình.
Bên cạnh đó, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thậm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh năm 2013 ước thu ngân sách hụt gần 20 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch).
“Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015, mà tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay phải đặt lên bàn nghị sự” – Ông Lịch nhấn mạnh.
Năm 2014 kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ
Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 như trên ông Lịch đưa ra ý kiến: Năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014.
Cụ thể, ông dẫn chứng: Khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi vể cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012 – 2013 - Ông Lịch nói.
Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%.Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Ông Lịch nhấn mạnh hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.
Giai đoạn 2016 – 2020 phải đạt tốc độ tăng trưởng 7 – 8%
Nói về kiến nghị, theo ông Lịch về ngắn hạn nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của NHTM để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nề kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp.
Vấn đề đang đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, để tạo cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo hướng tích cực, trong đó thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo ông Lịch, mục tiêu lớn nhất của chúng ta là, nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007.
“Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tức là khoảng 7- 8% mỗi năm, trong vòng vài thập niên, thì chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội”– Ông Lịch nói.
Theo:cafef.vn