'Đại dịch' giải thể doanh nghiệp (Kỳ 3)
  Vấn đề nào là cấp bách và cần thiết giúp doanh nghiệp thoát khỏi “đại dịch” giải thể hiện nay? Nhiều chuyên gia đến từ ngành thuế, ngân hàng,  hiệp hội doanh nghiệp... đã hiến “thuốc” cho căn bệnh này.
  Kỳ cuối: Cách nào cứu doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc đầu tư – Quản lý vốn, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (DIC): Lãi suất và đầu ra là then chốt!

Khó khăn là tình hình chung của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong 3 năm trở lại đây và từ đầu năm 2012 đến nay đã lên đến đỉnh điểm. Dù mỗi DN có đặc thù riêng tùy vào ngành nghề, nhưng tìm hiểu kỹ, tôi thấy phần lớn những DN bị giải thể sử dụng vốn vay là chủ yếu. Không chỉ các DN này mà đặc thù chung của DN Việt Nam đi vay là nhiều. Thế nên, để hạn chế DN giải thể, ngưng sản xuất hiện nay, vấn đề đầu tiên vẫn là hạ lãi suất vay. 

Chi phí lãi vay tại các DN trong năm qua đều tăng lên đột biến. Chẳng hạn, như một số công ty của DIC, dù đã có khoảng 30% vốn lưu động nhưng trong 100 tỷ đồng doanh thu thì 20 tỷ đồng đã chi cho lãi suất rồi, các loại chi phí như thuế đã chiếm đến hơn 20 tỷ đồng nữa… Thế nên, dù cật lực làm việc, DN chỉ vay một ít vốn cũng phải vất vả mới có thể “huề vốn”, còn những DN vay nhiều thì không thể trụ nổi. Bên cạnh lãi suất, một vấn đề cũng cấp bách không kém là đầu ra cho chính các DN. Sức tiêu thụ của thị trường đang chậm rì rì, các sản phẩm làm ra của DN không bán cho ai, như vật liệu xây dựng, bất động sản, đồ nhựa, các loại đồ gia dụng… 

Vì thế, tôi thấy lãi suất và đầu ra là then chốt, nếu cải thiện được hai vấn đề này thì sẽ giảm được số DN xin giải thể, ngưng sản xuất, giúp những DN tốt vượt qua thời kỳ khó khăn. 

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM: Chính sách hỗ trợ phải rõ ràng hơn

Có một số ý kiến cho việc các DN vừa và nhỏ giải thể hàng loạt là đúng, nhưng tôi cho là kiến này quá chủ quan và không nhìn nhận từ bản chất của nền kinh tế. Hiện nay, phần lớn các DN Việt Nam đều nằm trong khoảng vừa và nhỏ. Nhưng chính các DN này lại cung cấp phần lớn việc làm, tham gia linh hoạt vào phát triển nền kinh tế. Nói điều này để khẳng định không thể để phá sản hàng loạt như hiện nay. 

Tôi không đưa ra con số các DN xuất khẩu đã giải thể và ngấp nghé giải thể thêm nữa, nhưng rõ ràng là tình hình khó khăn đã quá sức chịu đựng của DN. Đầy rẫy các nguyên nhân ép lên DN, nhưng riêng đối với bộ phận này, tôi nhận thấy, chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 11 vẫn chưa rõ ràng. Chính phủ đã nhận thấy cần có chính sách riêng cho đối tượng DN này (sản xuất hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ), nhưng việc hỗ trợ vẫn mang tính chung chung và chưa đi vào bản chất vấn đề. 

Vì thế, DN khó khăn vẫn hoàn khó khăn, giải thể vẫn hoàn giải thể. Tôi cho rằng, để cứu DN vừa và nhỏ thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong chính sách đó “khoang vùng” để cứu DN là cần thiết. 

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM: Tạo điều kiện tiếp cận vốn và có chính sách hỗ trợ thuế

Sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của DN. Thế nên, việc cứu DN là cấp bách và cần thiết. Từ thực tế quản lý thuế của hàng ngàn DN trên địa bàn, tôi thấy tiếp cận vốn và lãi suất là vấn đề đáng lo nhất của hàng loạt doanh nghiệp hiện nay. 

Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khó khăn và kinh tế trong nước cũng sẽ “vạ lây”. Trong tình hình này, để giảm bớt khó khăn cho các DN, cần có một chính sách cụ thể về tiếp cận vốn của DN, và Chính phủ nên có định hướng về hỗ trợ thuế cho DN, như giảm, ưu đãi hoặc gia hạn nộp thuế. 

Theo tôi, gia hạn nộp thuế cũng đỡ áp lực cho đồng vốn. Xu hướng chung là lãi suất đang giảm, nếu gia hạn thuế trong vòng 6 tháng, DN sẽ đỡ áp lực, và trong thời gian đó, các chính sách khác đồng bộ sẽ khiến DN được “dưỡng thương”,  bước qua khó khăn mà vực dậy. 

Ông Đỗ Lam Điền, Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng DN, Ngân hàng Maritime Bank: DN phải nâng cao năng lực quản trị vốn

Tôi không đồng tình với ý kiến ngân hàng bỏ rơi DN. Với mục tiêu chống lạm phát, NHNN đã hạn chế tăng trưởng tín dụng, khống chế room cho vay phi sản xuất còn 16%/ tổng dư nợ. Từ đó, một số lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có địa ốc, xây dựng… sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Các DN bất động sản gặp khó khăn thì những ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng sẽ bị đình trệ và lây lan sang những lĩnh vực khác. Các DN có tỷ trọng sử dụng vốn vay cao trong tổng nhu cầu vốn cũng gặp nhiều khó khăn do lãi suất cho vay quá cao. 

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới cũng ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các DN Việt Nam. Nhưng con số gần 50.000 DN làm ăn thua lỗ, trong đó không ít DN giải thể, phá sản là tình trạng đáng lo đối với nền kinh tế, nếu không có giải pháp thích hợp sẽ để lại hệ lụy rất lớn cho đất nước. Do đó theo tôi, cần phân tích rõ con số gần 50.000 DN Việt Nam phá sản trong thời gian qua, để xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến từng DN ngưng trệ sản xuất, khó khăn… T

heo tôi, ngoài những điểm yếu về công nghệ, quản lý, cạnh tranh… những vấn đề thường thấy nhất ở các DN gặp khó khăn, phá sản chủ yếu là những DN phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, trong khi khả năng tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất cao như vừa qua là quá sức đối với họ. Vì thế, bên cạnh vốn, lãi suất cho vay, bản thân DN phải vận động để quản trị DN tốt hơn, nhất là quản trị về vốn.

Theo: Báo Đất Việt


Các tin khác