Khi tập đoàn cũng cho vay
 Việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, làm thua lỗ, mất vốn... sẽ dẫn đến những hậu quả mang tính dây chuyền tại các tập đoàn

  Kết luận của nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước gần đây cho thấy một câu chuyện khá phổ biến là nhiều công ty mẹ - tập đoàn đã cho các công ty con, thậm chí cho cả công ty bên ngoài vay vốn, trái với quy định của Nhà nước. Đơn cử, tại tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), TTCP vừa có kết luận việc công ty mẹ đã hỗ trợ vốn cho hai đơn vị thành viên (Công ty cổ phần Công trình Viettel và Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel) với tổng số tiền trên 535,45 tỉ đồng. Viettel còn cho vay ưu đãi số tiền 370 tỉ đồng với Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel với số lãi tính đến 31-12-2010 đã thu là trên 40 tỉ đồng. Theo TTCP, Viettel là doanh nghiệp không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi. 
Nhưng không chỉ có thế, người ta còn phát hiện trước đó, tháng 8-2009 Viettel đã ký thỏa thuận mua bán cổ phần với Tổng công ty cổ phần Vinaconex theo đó, Viettel nhận chuyển nhượng toàn bộ hơn 21,4 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần. Ngày 27-8-2009, Viettel đã chuyển hơn 171 tỉ đồng thanh toán tiền mua cổ phiếu (đợt 1) và sau đó, Vinaconex chuyển trả lại toàn bộ số tiền trên. Đáng nói là tại thời điểm giao kết hợp đồng, Vinaconex chưa hề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bán cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Do đó, theo TTCP, thỏa thuận mua bán cổ phần nêu trên giữa Vinaconex và tập đoàn Viettel thực chất là hợp đồng vay vốn, tính lãi từ ngày 27-8-2009 đến ngày 8-1-2010 theo lãi suất tiền vay ngân hàng. Vinaconex phải trả tiền lãi cho Viettel là 7,7 tỉ đồng nhưng đến nay, Viettel vẫn chưa thu số tiền lãi này.

TTCP đã yêu cầu Viettel thu hồi tất cả các số tiền đã hỗ trợ, cho vay ưu đãi với các công ty thành viên và số tiền được cho là khoản lãi cho Vinaconex vay vốn.

Nhưng Viettel không phải là trường hợp ngoại lệ. Trước Viettel, tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) cho vay hỗ trợ lãi suất sai quy định với số tiền gần 6 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu PVN làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc phê duyệt, giám sát khoản vay, thu hồi số tiền lãi đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ lãi suất đồng thời xử lý các văn bản do PVFC ban hành có nội dung “chưa phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Đến nay, PVN và PVFC đã thực hiện yêu cầu này.

Còn tại tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong một kết luận thanh tra mới ban hành, TTCP cũng đã phát hiện tập đoàn này sử dụng 193 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 8,04-15%/năm và chuyển đi gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại số tiền 718 tỉ đồng (lãi suất 7,8-14%/năm). Tổng số tiền lãi thu được trên 33,19 tỉ đồng. Việc cho vay này là vi phạm, sai mục đích sử dụng quỹ (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Cho đến đầu tháng 8-2011, số dư tiền gửi có kỳ hạn và dư nợ cho vay từ nguồn quỹ này của Vinachem vẫn còn đến 282 tỉ đồng. 

Không chỉ có công ty mẹ - tập đoàn Hóa chất cho vay sai quy định, một số đơn vị thành viên của tập đoàn này cũng sử dụng vốn cho vay ngắn hạn không đúng mục đích. Như Công ty Phân lân Nung chảy Văn Điển cho vay 4,5 tỉ đồng; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho vay 190 tỉ đồng... Tất cả những việc cho vay này, được TTCP khẳng định là đã vi phạm Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, Luật các tổ chức tín dụng ban hành năm 1997 và sửa đổi năm 2004... do các công ty thuộc Vinachem không hề có chức năng cho vay vốn và như vậy đã làm trái các quy định về quản lý vốn và tài sản nhà nước.

Tại tập đoàn Sông Đà, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện Tổng công ty Sông Đà (công ty mẹ - nay là tập đoàn Sông Đà) cho một số đơn vị thành viên vay lại với số tiền trên 3.900 tỉ đồng, chiếm 34,11% tổng tài sản. Các khoản phải thu dài hạn này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản nhưng không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo lợi nhuận nên khả năng trả nợ gốc của Tổng công ty Sông Đà phụ thuộc vào các đơn vị thành viên - một câu chuyện giống với tập đoàn Vinashin trước đây. Trong số này điển hình là Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long được vay trên 3.335 tỉ đồng thực hiện dự án nhà máy xi măng Hạ Long nhưng dự án này bị chậm tiến độ một năm và bị thua lỗ (năm 2009 lỗ 78 tỉ đồng, năm 2010 lỗ 500 tỉ đồng) nên công ty này khó có khả năng trả nợ đúng hạn dẫn đến tập đoàn Sông Đà cũng gặp khó khăn trong cân đối vốn trả nợ. 

 

Việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, làm thua lỗ, mất vốn... sẽ dẫn đến những hậu quả mang tính dây chuyền tại các tập đoàn.

Tất cả những trường hợp kể trên cho thấy, việc các tập đoàn lớn cho các đơn vị thành viên vay (có nơi còn cho doanh nghiệp bên ngoài vay) là câu chuyện cần được xem xét nghiêm túc. Phần nhiều là cho vay không đúng chức năng, không đúng quy định. Trong một số trường hợp, việc hỗ trợ cho vay lại vốn từ nguồn vốn nhàn rỗi cũng có lý nhất định, nhưng nếu cho vay bừa bãi, thậm chí cho vay với lãi suất cao nhưng không có những ràng buộc chặt chẽ, không có thẩm định dự án... thì việc cho vay lại tiềm ẩn những rủi ro lớn. Khi việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, làm thua lỗ, mất vốn... sẽ dẫn đến những hậu quả mang tính dây chuyền tại các tập đoàn. Do đó, không chỉ là những kiến nghị, đề xuất từ TTCP hay Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan chức năng khác như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính... cũng cần phải vào cuộc, kiểm tra, rà soát các hoạt động cho vay vốn tại các tập đoàn để chấn chỉnh toàn diện hoạt động này tại các tập đoàn kinh tế.

                                                                                                                                           Theo TBKTSG 


Các tin khác