Cuối 2010, các lò gạch ở Bình Dương đã chuyển đổi từ lò thủ công sang công nghệ (Hoffman và Tuynel). Ban đầu, tỉnh cho triển khai thí điểm mô hình lò gạch theo kiểu Hoffman (công nghệ Đức, nguyên liệu chính là phế phẩm, rác thải nông lâm nghiệp). Do vốn đầu tư của lò Hoffman 5-7 tỷ đồng, trong khi Tuynel tới 20 tỷ đồng nên nhiều đơn vị ồ ạt xây lò Hoffman để tiếp tục sản xuất gạch ngói.
Giữa tháng 2, các chủ lò gạch nhận được văn bản của UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm kê và đi đến chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, lò gạch Hoffman trước 30/6.
"Bắt đóng cửa đột ngột, chúng tôi biết xoay sở ra sao, trong khi phần lớn vốn xây lò là từ vay mượn", bà Bùi Thị Ngọc Ảnh, chủ lò gạch Thành Chung, huyện Phú Giáo, Bình Dương nói.
Theo bà, trước đó, tỉnh không có hướng dẫn cụ thể chuyển sang công nghệ thì nên chọn công nghệ nào. Tỉnh cũng không nói là không cho phép áp dụng công nghệ Hoffman trong sản xuất gạch. Chính vì vậy, công nghệ nào ít tốn kém chi phí hơn thì các chủ lò chọn. Kết quả, người người đập lò thủ công chuyển sang đầu tư theo công nghệ Hoffman. Nhưng nay, tỉnh bất ngờ buộc các lò này phải chấm dứt hoạt động khiến vốn đầu tư của bà "có khả năng mất trắng, không thể trả nợ ngân hàng".
Ông Bùi Trí Dũng, chủ lò gạch Thanh Anh cho biết, các doanh nghiệp đã kiến nghị tỉnh cho phép các lò Hoffman được hoạt động một thời gian nữa như các tỉnh khác để thu hồi vốn, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất. "Nếu buộc phải đóng cửa vào cuối tháng 6, chúng tôi sẽ phá sản, nợ chất chồng vì đã chạy vạy khắp nơi mới huy động đủ vốn xây lò Hoffman", ông nói.
Mấu chốt vấn đề ở chỗ khi cấp phép xây dựng, nhiều chủ lò ghi là sản xuất theo công nghệ Tuynel, nhưng thực chất lại xây theo kiểu Hoffman, song tỉnh không nhận ra ra sự sai biệt này. Tới lúc cơ sở đi vào hoạt động, đoàn kiểm tra xuống thị sát mới phát hiện và phạt mỗi đơn vị 30 triệu đồng chứ không có biện pháp cưỡng chế nào. Tới khi nhận quyết định của UBND tỉnh, các đơn vị này mới tá hỏa và làm đơn nhờ tỉnh cứu xét.
Ngày 14/2, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nếu trước 30/6 mà lò nào chưa chấm dứt hoạt động thì cưỡng chế niêm phong để chấm dứt đồng loạt theo quy định. "Sau thời gian này, huyện, thị nào chưa thực hiện xong hoặc để các lò thủ công, Hoffman không phép tiếp tục phát sinh mới, lãnh đạo UBND huyện, thị phải chịu trách nhiệm", văn bản ghi rõ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong việc chuyển đổi từ lò thủ công sang công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng gạch ngói.
Theo đó, các lò thủ công dần đóng cửa, các lò sản xuất bằng công nghệ được thay thế, thấp nhất là lò Tuynel, chứ không phải Hoffman. Công nghệ Tuynel ít tốn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm chất lượng. Tỉnh có xây dựng thí điểm lò Hoffman. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, tỉnh và Bộ Xây dựng đã tổng kết lại và quyết định không triển khai nữa vì không đạt hiệu quả như mong đợi và cũng đã chỉ đạo xuống các huyện, thị phổ biến lại cho các chủ lò.
Theo đó, những lò nào còn thừa nguyên liệu thì sử dụng hết nguyên liệu, sau đó sử dụng cho mục đích khác hoặc chuyển sang lò Tuynel. "Lộ trình chuyển đổi này đã cho thời gian thực hiện 4 năm, nay tới lúc phải chấm dứt", ông nói.
Theo : Vnexpress