Nguyễn Văn Tiết- Người con ưu tú của tỉnh Bình Dương
Là một trong những Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Bình Dương, Nguyễn Văn Tiết được biết đến như một tấm gương của sự dũng cảm, gan dạ, tầm nhìn xa, đặc biệt là tấm lòng sắc son vì nước, vì dân. Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Công Sản Việt Nam (03/02-1930-03/02/2012) hãy cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2 (CIC 3-2) điểm lại tiểu sử, cuộc đời của vị lãnh đạo đáng kính này.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiết ( Sáu Tiết), sinh năm 1909, tại xã Bình Nhâm, Huyện Thuận An. Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đã quyết tâm đi tìm cái chữ để mong được đổi đời, sau khi tốt nghiệp tiểu học trường cộng đồng Nam Châu Thành (nay là trường tiểu học Nguyễn Du), đồng  chí trở về làm thầy giáo trường làng.

Tháng 03 năm 1926, đồng chí đã vận động học sinh thị xã Thủ Dầu Một bãi khóa, kéo về Sài Gòn dự lễ tang cụ Phan Chu Trinh. Sau đó, đồng  chí sớm gia nhập “Hội kín” yêu nước ở địa phương.

 Mùa xuân năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí đã hướng dẫn nông dân, thợ thủ công Lò Chén, Lò đường, Trại mộc làm đơn xin nhà cầm quyền Pháp giảm thuế, giảm tô, đòi tăng lương, cải thiện đời sống.

Tháng 8 – 1930, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm.  Trong lễ kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga tại miếu Cây Đào xã Thuận Giao, đồng chí được Chi bộ phân công phát biểu làm sáng tỏ niềm tin và ước mơ về một mùa xuân nhân loại đã xuất hiện bên trời Âu và kêu gọi nhân dân ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc mít tinh, đồng chí bị bắt và phải lãnh án 5 năm tù giam và 10 năm đày biệt xứ.

 Không nhục chí, năm 1937, vừa thoát khỏi nhà tù giặc, đồng chí được Thành ủy Sài Gòn – Gia Định phân công về cùng với đồng chí Văn Công Khai lãnh đạo phong trào Cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã tổ chức nhiều “công hội đỏ” ở Dầu Tiếng và “nông hội đỏ” tại Lái Thiêu. Taị xã Bình Nhâm có hàng ngàn nông dân từ các ấp đã kéo về trụ sở ngụy quyền xã đòi giảm thuế, giảm tô… buộc tên Emyl, phó chủ tỉnh phải đến tận nơi xoa dịu. Ở Bến Cát, đồng chí đã đóng vai thợ sửa xe đạp để bám địa bàn vận động công nhân lao động vườn ươm và trường nông lâm Lai Khê đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong Cách mạng tháng 8, đồng chí đã cùng đồng chí Văn Công Khai vận động quần chúng đứng lên giành chính quyền thắng lợi không đổ máu.

Tháng 10 năm 1945 đồng chí được phân công làm Bí thư tỉnh ủy Thủ Dầu Một, thay đồng chí Văn Công Khai chuyên trách công tác chính quyền. Lúc ấy, đồng chí vừa là đại biểu Quốc hội  khóa 1, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, chủ nhiệm Ủy ban tuyên truyền. Chủ nhiệm báo “Tiến Lên” của tỉnh Đảng bộ, Ủy viên chính trị, Ủy viên dân quân kiêm tỉnh đội trưởng dân quân.

Giữa lúc Cách mạng vừa mới thành công, lực lượng cách mạng còn non trẻ, lại phải đương đầu với giặc Pháp với dã tâm chiếm nhiều nơi ở trong tỉnh.  Đồng chí đã tuyên truyền cho cán bộ chiến sĩ về chủ trương của tỉnh ủy là phân hóa và thuyết phục các chức sắc và vận động làm tan rã số tín đồ bị lừa gạt, mua chuộc. Từ đó, cán bộ chiến sĩ ta đã đi sâu vào quần chúng vận động làm tan rã từng mảng lính Cao Đài. Một số chức sắc có tiến bộ,được tỉnh cử đi học lớp chính sách tôn giáo của Đảng ở vùng “Hội đồng Sầm”, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Nhiều người sau này trở thành cán bộ Mặt trận Việt Minh và làm cốt cán trong phong trào Cao Đài vận.

Giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp bước vào giai đoạn phản công địch và ở tuổi 39, đồng chí đã ngã xuống trong một chuyến đi kiểm tra công tác tại chiến khu Thuận An Hòa, ngày 19/04/1948.

Nhân dân Bình Dương nói chung, nhân dân Thuận An nói riêng sẽ không bao giờ quên  người cán bộ lãnh đạo mang tên Nguyễn Văn Tiết, người học trò thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tự hào thay khi trụ sở CIC 3-2 nằm trên chính con đường ghi tên vị anh hùng Nguyễn Văn Tiết

Nguyễn Văn Tiết giữ chức Bí thư tỉnh ủy Bình  Dương từ 1946-1948. Ông được UBND tỉnh công nhận là liệt sĩ và được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ Kháng chiến”

Hiện tại, liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết được thờ cùng 5 Đảng viên tiền bối của Chi bộ Công sản đầu tiên của Thủ Dầu Một tại đền Bình Nhâm-TX Thuận An- Bình Dương.


Ảnh: Bàn thờ đồng chí Nguyễn Văn Tiết tại đền Bình Nhâm

*Viết theo tư liệu tại website sugia.vn


Các tin khác