Xăng dầu chịu sức ép lớn về việc tăng giá
Đến cuối tuần trước, giá dầu thô trên thị trường New York đã tăng lên mức 109,77 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong mười tháng qua, đánh dấu chuỗi thời gian tăng mạnh nhất kể từ tháng 1.2010. Giá xăng Ron 92 trên thị trường Singapore cũng leo lên mức 132,7 USD/thùng, tăng 9,62% so với một tháng trước. Giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới, do ảnh hưởng cú sốc nguồn cung từ khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, giá xăng trong nước đang chịu sức ép rất lớn về việc phải tăng giá bán lẻ.

Thế giới: bất ổn chính trị và nới lỏng tiền tệ khiến giá xăng dầu tăng mạnh

 

Yếu tố giúp cho giá xăng trong nước chưa tăng trong thời điểm hiện nay chính là việc bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống còn 0% vào ngày 21.2.2012.

Bất ổn chính trị tại Trung Đông và xu hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn, là những nguyên nhân chủ yếu khiến giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tại Trung Đông, cuộc nội chiến tại Syria ngày càng leo thang và vẫn chưa có giải pháp khả dĩ nào để kết thúc nhanh sự bất ổn. Trong khi đó, căng thẳng giữa các nước phương Tây và Iran (một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới) về việc làm giàu uranium, đã dẫn đến các hình thức cấm vận ngày càng khắc nghiệt áp đặt lên quốc gia này. Iran đã ngừng cung cấp dầu cho các công ty của Pháp và Anh khiến nguồn cung dầu mỏ trở nên khan hiếm. Nếu chiến tranh xảy ra với Iran, nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn không chỉ với Mỹ và châu Âu mà còn với cả các nước châu Á khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, Iran đang là nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc.

Đồng thời, đứng trước việc các nền kinh tế chủ chốt như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. FED cam kết giữ lãi suất ở mức 0 – 0,25% cho tới hết năm 2014, ECB cung tiền không giới hạn cho hệ thống ngân hàng châu Âu, còn ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BOC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại nhiều ngân hàng thương mại lớn… Đây chính là cơ sở để giá nhiều loại hàng hoá trên thế giới còn có thể tiếp tục tăng, đặc biệt là giá dầu thô.

Vì lẽ đó, dòng tiền đầu cơ đang tập trung mạnh mẽ vào dầu mỏ. Giá dầu đã liên tiếp lập đỉnh trong ngắn hạn, chỉ trong vòng hai tuần đã tăng 11,25% từ mức 98,67 USD/thùng ngày 10.2.2012 lên mức 109,77 USD/thùng ngày 24.2.2012.

Trong nước: hỗ trợ thuế để giữ giá xăng dầu

Cùng với dầu thô, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Mức giá vào cuối tuần trước cao hơn 11,89% so với mức giá ngày 29.3.2011 khi Petrolimex tăng giá bán xăng R92 trong nước lên 21.300 đồng/lít. Mức giá này cũng cao hơn 8,77% mức giá vào ngày 26.8.2011, khi Petrolimex giảm giá xăng xuống 20.800 đồng/lít. Theo phương pháp tính giá bình quân trong vòng 30 ngày, giá xăng RON 92 trung bình tháng 2.2012 đang cao hơn 7,52% so với mức giá bình quân trong tháng 3.2011.

Yếu tố giúp cho giá xăng trong nước chưa tăng trong thời điểm hiện nay chính là việc bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống còn 0% vào ngày 21.2.2012 và tỷ giá USD/VND trong thời gian qua diễn biến theo xu hướng giảm. Tỷ giá USD/VND cuối tuần qua của VCB đang là 20.870 đồng, thấp hơn tỷ giá trần khoảng 166 đồng. Thêm vào đó, ngày 19.1.2012, liên bộ Công thương – Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp được trích quỹ bình ổn xăng là 1.400 đồng/lít. Như vậy, sau khi trừ đi mức lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và mức sử dụng quỹ bình ổn là 1.400 đồng/lít, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 1.000 đồng/lít xăng bán ra.

Xu hướng giảm lạm phát sẽ là cơ sở để tăng giá xăng

Mặc dù tỷ giá USD/VND trong những ngày gần đây liên tục giảm nhưng mức giảm này dường như đã gần đến giới hạn trong ngắn hạn. Tỷ giá USD/VND niêm yết cuối tuần qua tại VCB là 20.810/20.870 đồng, đang nằm trong vùng mua vào của ngân hàng Nhà nước là 20.850 đồng. Với nhu cầu cần mua USD về dự trữ, đồng thời đảm bảo đủ nguồn lực để kiềm chế tỷ giá năm nay không biến động quá 3%, thì rõ ràng ngân hàng Nhà nước đang cần phải mua vào ngoại tệ. Nhu cầu mua này sẽ khiến tỷ giá khó có thể giảm tiếp trong khi sức ép nhập siêu lại đang trở lại. Trong tháng 2.2012, nhập siêu đã tăng trở lại lên tới 800 triệu USD.

Áp lực tăng giá xăng còn tiếp tục đến từ việc quỹ bình ổn sẽ sớm được sử dụng hết trong thời gian tới. Với mức sử dụng quỹ bình ổn liên tục trong hơn một tháng qua là 1.400 đồng/lít (từ ngày 19.1.2012), cao hơn 2,5 lần so với mức trích quỹ bình ổn (550 đồng/lít từ ngày 28.11.2011 và mức 300 đồng/lít trước đó), thì nhiều khả năng quỹ bình ổn chỉ có thể sử dụng thêm tối đa 1 – 2 tháng nữa là hết quỹ. Thực tế trước mắt, sức ép tăng giá vẫn đang tiếp tục đến từ chính sự thua lỗ của doanh nghiệp đối với mỗi lít xăng khi bán ra thị trường.

Lý do chính khiến liên bộ Tài chính – Công thương chưa tăng giá xăng chủ yếu là vì mục tiêu kiềm chế lạm phát. CPI tính theo năm vào tháng 2.2012 vẫn ở mức 16,44%. Tuy nhiên, sẽ có sự sụt giảm mạnh của CPI theo năm vào tháng 4 tới. Nếu tổng mức tăng CPI tính theo tháng trong hai tháng 3 và 4 dưới 1,5% thì theo tính toán của người viết, CPI theo năm vào tháng 4 sẽ giảm xuống mức dưới 12%. Rõ ràng, đây sẽ là thời điểm thích hợp để điều chỉnh giá xăng dầu để tránh lạm phát kỳ vọng. Việc tăng giá vào thời điểm trên sẽ giúp cho giá xăng dầu tiến sát với giá thế giới, giảm thua lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong khi không ảnh hưởng đến xu hướng giảm của chỉ số giá tiêu dùng.

 

Nguồn: Cách tính giá cơ sở của Petrolimex và tính toán của người viết

Theo sgtt..vn

Các tin khác