'Đại dịch' giải thể doanh nghiệp( Khi Ngân hàng buông tay)
  Trong đợt “đại dịch” giải thể doanh nghiệp này, từ doanh nghiệp “còi cọc” đến doanh nghiệp khỏe mạnh, cung cấp việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân cũng bị giải thể hoặc ngấp nghé giải thể. Nguyên nhân lớn nhất là ngân hàng buông tay.
 Kỳ 2: Khi ngân hàng buông tay 

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM, thông tin hiện số tiền mặt mà nhóm công ty BĐS, xây dựng đang niêm yết nắm giữ khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng số nợ vay đã lên 200.000 tỷ đồng. Với lãi suất bình quân khoảng 20 - 22%/năm hiện nay, mỗi quý nhóm doanh nghiệp (DN) này phải trả lãi khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, số tiền mặt chỉ đủ để trả lãi vay hơn một quý. Và số vốn trên sẽ “tiêu” hết trong quý 2. 

Kẹt với cầm cố, thế chấp 

Một công ty nhập khẩu kinh doanh sắt thép xây dựng tại Q.Tân Bình cho biết, hiện nay họ đang nợ thuế nhưng chưa trả được, vì ngân hàng không cho vay vốn thêm và đang phong tỏa hết số tài sản, hàng hóa. 

Thiếu vốn từ ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Nguyên nhân do công ty này thế chấp toàn bộ hàng hóa và nhà cửa để vay tiền. “Mấy tháng nay, sắt thép nhập về không tiêu thụ được, hàng bán chậm, để trả lương công nhân và giữ mối nhập khẩu, chúng tôi phải vay ngân hàng để thanh toán. Nhưng lãi quá cao trong khi hàng không bán được, chúng tôi phải chậm trả tiền vay. Ngân hàng cứ thế siết nợ”, vị thành viên Hội đồng quản trị của công ty này cho biết. Theo tính toán của ông này, số hàng hóa, nhà cửa mà công ty thế chấp, nếu bán được phải gấp 50 lần số vốn đang nợ ngân hàng. “Chúng tôi đã  thương thảo với ngân hàng để chúng tôi bán hàng rồi thanh toán nợ, hoặc “siết” một ít thôi, để có cơ hội trả nợ, nhưng chưa có kết quả gì ”, ông này nói. 

Không chỉ DN nói trên mà nhiều DN lớn khác cũng đang khó khăn chồng chất, dẫn đến nợ thuế, nợ tiền nhân công… cũng chỉ vì đã “lỡ cầm cố, thế chấp” tài sản cho ngân hàng hoặc ngân hàng không giải ngân thêm. Cục Thuế TP HCM cho biết, nợ thuế 2 tháng đầu năm 2012 đã tăng 15% so với trước, và phần nhiều lại là những công ty đóng thuế tốt những năm trước. Nguyên nhân do một số công ty đang khó khăn về tiền mặt, tồn đọng hàng… 

Trong khi đó, những DN đã vay được vốn thì kẹt với lãi suất, thị trường hay chi phí sản xuất, mặt bằng tăng giá. Ông Dũng, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Thanh Dũng (Q. Tân Bình), vừa bố cáo giải thể DN, bức xúc: “Hằng tháng tôi phải trả chi phí thuê mặt bằng 17, 18 triệu đồng cộng với chi phí sản xuất tăng liên tục, thêm lãi suất ngân hàng cao quá. Hai năm nay làm ăn cứ thâm hụt hết vốn. Lập công ty ra mà… ai cũng đói, thì đành phải giải thể, chờ cơ hội khác thôi”. 

Thị trường vùi dập

Ngoài lãi suất, một nguyên nhân đáng lưu tâm khiến các DN lao đao chính là thị trường của sản phẩm bị thu hẹp. DN tư nhân Gia công Tiến Đạt (Q.Bình Tân), chuyên gia công các loại giày, cho biết: “Hàng gia công của chúng tôi xuất đi châu Âu và một số nước trong khu vực. Nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, các đơn hàng ít dần, đặt nhỏ giọt, chậm thanh toán liên tục. Bây giờ hàng tồn thì nhiều mà đơn hàng thì ít, nợ tiền nguyên liệu, tiền lương nên công nhân cũng bỏ nhiều”. 

Từ giữa năm 2011 đến nay, công ty này cũng bắt đầu tìm hướng để tiếp cận thị trường nội địa, nhưng giày dép ở thị trường nội địa rất khó bán do giày dép Trung Quốc nhiều quá, mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn dù chất lượng chưa biết thế nào. Còn gia công cho những công ty lớn của Việt Nam thì tiền gia công không đủ chi phí cho nhân công, mặt bằng, lãi suất, điện, nước, vận chuyển, hao hụt máy móc. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Cành, nguyên nhân dẫn đến việc DN giải thể, ngưng sản xuất kinh doanh hàng loạt, phần lớn là do “vừa bệnh dậy đã… gặp cú sốc lớn”, đó là sự thờ ơ, không tiếp vốn của một bộ phận ngân hàng và thị trường nội tràn ngập hàng ngoại. 

Phá sản…đúng!

Tuy nhiên, trong danh sách các DN giải thể từ năm 2011 đến nay cũng có những DN phá sản, giải thể không nhận được sự thương tiếc. Số này phần lớn nằm ở lĩnh vực BĐS thuộc nhóm dễ “sinh” dễ “tử”, tay không bắt giặc, ồ ạt ra đời sau thời kỳ hoàng kim của thị trường BĐS năm 2006 - 2007. 

Năm 2008, công ty CP Cổng Địa Ốc (Q.1, TP HCM) được thành lập với số vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng, sau đó nâng lên khoảng 6 tỷ đồng. Thời gian đầu, công ty hoạt động rất “sôm tụ” khi lấy về được một số dự án phân phối độc quyền. Tuy nhiên, sang năm 2009, thị trường bắt đầu lao dốc, những dự án công ty kinh doanh gặp vấn đề. Không chịu nổi, năm 2011, Công ty Cổng địa ốc đã phải đóng cửa và bán lại “xác” với giá khoảng 600 triệu đồng. 

Cũng trong thời gian này, Công ty Đất giàu Sài Gòn (RichLand Sai Gon) được thành lập với khoảng 20 nhân sự. Thời gian đầu hoạt động khá rầm rộ trong lĩnh vực tư vấn mua-bán, thuê - cho thuê BĐS, môi giới kinh doanh, tiếp thị các dự án, tư vấn đầu tư và hỗ trợ khách hàng kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, không lâu sau đó, công ty này cũng lặng lẽ đóng cửa. Hàng loạt các công ty khác như Công ty BĐS Cộng Sự, Công ty BĐS Đất Giàu, Phát Lộc… đã phải ngưng hoạt động. Công ty BĐS Song Phát đóng cửa 3 trong 4 chi nhánh. 

Trong khi đó, số còn lại thì hiện đến 60 - 70% DN đang đắp mền, sản phẩm không bán được, nhưng mỗi tháng một DN mất 50-60 tỷ đồng chi phí điều hành. Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia BDS, trong quý II, III, số DN địa ốc phá sản sẽ tăng lên hàng loạt. 

Theo ông Nguyễn Văn Đực, bây giờ mà trông chờ vào “giải cứu” của ngân hàng là thất bại hoàn toàn. Do ngân hàng cũng không còn tiền, một số nhà băng đã tuyên bố “năm nay không chơi với BĐS”. 
              
Kỳ 3: Cách nào để cứu doanh nghiệp? 
Theo : Báo Đất Việt 


Các tin khác